Hàn Quốc trong những ngày giữa tháng 2 đã phải chứng kiến một đợt bùng nổ dịch bệnh virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), kể từ sau khi xác nhận được “bệnh nhân số 31” và mối liên hệ với giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa) cùng hơn 210.000 tín đồ.
Xứ sở kim chi sau đó đã trở thành một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất thế giới từ đại dịch Covid-19 ở phạm vi bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Tính đến thời điểm hiện tại, KCDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc) xác nhận có 7979 người dương tính với Covid-19 tại Hàn Quốc, và chỉ có 67 người tử vong – chủ yếu là người già và bệnh nhân có tiền sử bệnh nền. Số lượng các ca nhiễm mới cũng đã giảm đi từng ngày, như ngày 13/3 là thấp nhất trong vòng 2 tuần qua.
Hình ảnh khử trùng trên phương tiện công cộng tại Seoul
Những con số trên cũng đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới trong số các nước lây nhiễm đáng kể. Để so sánh, Ý hiện tại có hơn 15.000 người nhiễm bệnh, tỉ lệ tử vong cao gấp 12 lần so với thế giới. Nhưng Hàn Quốc đã làm gì để có được thành quả này?
Cách Hàn Quốc kiểm soát dịch bệnh
Khác với Trung Quốc, Hàn Quốc đã không tìm cách phong tỏa các thành phố bùng phát dịch. Thay vào đó, họ áp dụng mô hình thông tin mở, để công chúng cùng tham gia, đồng thời thúc đẩy xét nghiệm ở quy mô cực lớn.
Bất kỳ trường hợp nào được xác nhận nhiễm virus đều sẽ được liên hệ, tra soát truy tìm những người từng tiếp xúc, và tất cả đều được yêu cầu làm xét nghiệm. Hành trình di chuyển của bệnh nhân nhiễm bệnh trong vòng 14 ngày – được theo dõi thông qua lịch sử tín dụng, camera an ninh và điện thoại di động – cũng được đăng tải lên trang tin của chính phủ.
Mỗi khi có trường hợp nhiễm mới, một tin nhắn sẽ được gửi đến bất kỳ ai đang sống và làm việc ở khu vực đó.
Phương pháp này, một mặt khiến nhiều người cảm thấy lo ngại về tính bảo mật riêng tư, mặt khác lại thúc đấy người dân đi xét nghiệm. Được biết, chi phí xét nghiệm Covid-19 rơi vào khoảng 160.000 won (khoảng hơn 3 triệu đồng tiền Việt), nhưng với bất kỳ ai nghi nhiễm, có liên hệ với bệnh nhân, hoặc xét nghiệm ra dương tính… đều sẽ được đài thọ toàn bộ.
Hàn Quốc là nơi thực hiện xét nghiệm virus thần tốc nhất thế giới – lên tới 10.000 ca mỗi ngày. Chính việc này đã giúp đất nước sớm xác định được người nhiễm bệnh, và kiểm soát các ổ dịch một cách thật nhanh chóng, tránh nguy cơ lan rộng.
Làm sao họ xét nghiệm được cho nhiều người đến vậy?
Nếu làm hết mức có thể, Hàn Quốc sẽ làm được 15.000 xét nghiệm mỗi ngày, và đến 11/3 vừa qua đã xử lý xong 220.000 mẫu. Tổng cộng, họ có 500 trung tâm được chỉ định xử lý các mẫu xét nghiệm, bao gồm 40 trạm xét nghiệm nhanh dành cho người lái xe, nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc giữa bệnh nhân và nhân viên y tế.
Những trạm xét nghiệm lưu động
Trên thực tế, Hàn Quốc có được thành quả này một phần là nhờ yếu tố kinh nghiệm: đất nước đã từng rơi vào cảnh thiếu hụt trang thiết bị kiểm nghiệm khi dịch MERS nổ ra vào năm 2015. Vậy nên lần này, họ đã có thể phác sẵn chiến lược để ứng phó khi dịch Covid-19 nổ ra.
Vài tuần sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, một bộ kit xét nghiệm Covid-19 đã được các chuyên gia tại Hàn Quốc tạo ra, cho kết quả chỉ trong vòng 6 tiếng và được KCDC phê duyệt nhanh chóng. Lee Dae-hoon – nhà khoa học đứng đầu đội ngũ phát triển bộ kit cho biết ông chưa bao giờ thấy KCDC phê duyệt nhanh đến như vậy.
Người dân phản ứng ra sao?
Giống như rất nhiều quốc gia khác, chính quyền Hàn Quốc cũng khuyến cáo người dân ở trong nhà, hạn chế di chuyển, tránh tụ họp và hạn chế tối đa phải tiếp xúc với người khác. Đó là một phần trong chiến dịch “xa lánh xã hội”, và điều này khiến cho đường phố ở Hàn Quốc trở nên vắng vẻ khác thường. Cửa hàng, cửa hiệu, quán ăn… đều vắng khách, kể cả ở những nơi sầm uất nhất Seoul.
Rất nhiều sự kiện – từ show diễn của thần tượng K-pop cho đến các trận đấu thể thao đều bị hủy bỏ. Người dân hầu như ai cũng đeo khẩu trang, tuân thủ hướng dẫn của chính quyền.
So sánh với nhiều quốc gia khác, Hàn Quốc có tỉ lệ tử vong thấp đến kinh ngạc – chỉ khoảng 0,8% – trong khi trung bình toàn cầu là 3,4%.
Rõ ràng, nguyên nhân nằm ở công tác phòng và dập dịch hiệu quả. Phát hiện bệnh sớm cho phép điều trị sớm, và việc phổ cập xét nghiệm sẽ giúp tìm ra những trường hợp nhẹ ,hay thậm chí không bộc lộ triệu chứng. Điều này sẽ làm tăng con số tổng nhiễm, nhưng bù lại tỉ lệ tử vong sẽ luôn ở mức thấp.
Hơn nữa, cần biết rằng hầu hết những trường hợp nhiễm virus tại Hàn Quốc là nữ, và phân nửa trong số đó dưới 40 tuổi. Trên thực tế, 60% các ca nhiễm còn liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu, và phần lớn tín đồ của giáo phái là nữ trong độ tuổi 20 – 30.
Trong khi đó, số liệu toàn cầu chỉ ra rằng nhóm đối tượng có rủi ro tử vong cao nhất là những người già, và nam giới thì có xu hướng tử vong nhiều hơn.
Liệu Hàn Quốc có phải ví dụ hoàn hảo để các nước học tập?
Nhật Bản – nơi hiện có hơn 600 người nhiễm và 15 trường hợp tử vong (chưa tính du thuyền Diamond Princess) đã không phổ cập xét nghiệm một cách rộng rãi. Theo Masahiro Kami – giám đốc Viện nghiên cứu Quản trị Y tế Tokyo, đây là một yếu tố Nhật Bản có thể học hỏi.
“Xét nghiệm chính là bước quan trọng nhất để kiểm soát virus,” – Kami cho biết. “Đây là một mô hình tốt cho tất cả các quốc gia khác.”
“Hàn Quốc đã ra tay quyết liệt và nhanh chóng,” – giáo sư Marylouise McLaws từ ĐH New South Wales (Úc) nhận xét, nhất là sau khi so sánh với tình hình diễn ra tại Ý. McLaws cho biết, tình hình ở Ý có thể đã khác, nếu các biện pháp tương tự đã được áp dụng sớm hơn.
“Thực sự rất khó khăn đối với chính phủ khi phải chọn ra tay quyết liệt. Vậy nên, họ thường hành động quá muộn.”
Nguồn: AFP
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC