Kết luận này được Amanda Hendrix tới từ Viện Khoa học Hành tinh (Arizona) và Yuk Yung thuộc Học viện công nghệ California đưa ra sau khi thực hiện một loạt các mô hình toán học dựa trên các dữ liệu đã từng thu thập được về mặt trăng Titan cũng như xem xét xu hướng phát triển công nghệ của con người hiện nay.
Về mặt khí quyển, Hendrix cho biết: “Mặt trăng Titan có một bầu khí quyển tuyệt vời với độ dày lớn hơn cả khí quyển trái đất giúp tạo thành một lá chắn ngăn chặn bức xạ từ Mặt Trời “.
Về vấn đề nước, tuy chưa có các bằng chứng xác thực, nhưng các nhà khoa học tin tưởng có thể tìm ra nước dưới bề mặt hành tinh này.
Khí quyển dày của mặt trăng Titan giúp ngăn cản các bức xạ từ mặt trời
Titan cũng đáp ứng tốt một trong những yêu cầu khác mà một thuộc địa cần phải có – vấn đề năng lượng. Theo các nhà nghiên cứu, Titan có đủ nguồn năng lượng để duy trì các hoạt động thường xuyên cho ½ dân số Hoa Kỳ với khá nhiều nguồn cung năng lượng khác nhau, gồm: năng lượng hạt nhân, hóa học, gió, thủy nhiệt và thậm chí cả năng lượng Mặt Trời.
Theo họ, việc đầu tiên con người cần làm khi đặt chân lên Titan là sử dụng các nguyên tố sẵn có tại đây (như plutonium đồng vị 238) để xây dựng một nhà máy năng lượng nguyên tử.
Ngoài trữ lượng khí methane cực lớn, Titan còn có các vùng biển và hồ chứa hydrocarbon lỏng. Con người có thể lợi dụng chúng để phát triển thủy điện và sản xuất nhiên liệu cho máy móc và phi thuyền không gian.
Biển và hồ trên mặt trăng Titan không chứa nước, mà là hydrocarbon lỏng
Tốc độ gió trên Titan khá lớn – khoảng 20m/s nếu đạt độ cao 40.000m. Với tốc độ này, con người có thể sử dụng các khinh khí cầu hoặc cối xay gió để thu thập được nguồn điện lên tới hàng trăm megawat.
Nằm cách xa mặt trời, ngày sáng nhất trên Titan chỉ ngang với thời điểm hoàng hôn trên trái đất, nhưng Hendrix và Yung nghĩ rằng một trang trại năng lượng mặt trời lớn ngang diện tích bề mặt của Hoa Kỳ sẽ có thể đảm bảo năng lượng cho ít nhất 300 triệu người.
Sử dụng mô hình trên máy tính, năm 2016, các nhà nghiên cứu từ Đại học Cornell đã phát hiện ra rằng một chất hóa học trên bề mặt của Titan được gọi là hydrogen cyanide có khả năng tham gia vào quá trình hình thành chuỗi dài hoặc các polyme, một trong số đó được gọi là polyimin. Dù cho không khí ở Titan khá lạnh nhưng hóa chất này vẫn có thể kích thích phản ứng hóa học xảy ra khi hấp thu năng lượng mặt trời qua các đám mây dày của mặt trăng.
Điều cần băn khoăn còn lại là vấn đề di chuyển khi khoảng cách từ Trái Đất đến Titan lên tới 1,3 tỷ km. Một khi những thách thức về động cơ đẩy được xử lý, con người nhất định sẽ không thể bỏ qua hành tinh này nếu có ý định di cư.
Hoài Anh
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC