"Việc mua vàng vào ngày vía Thần tài chỉ có ở Việt Nam", Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh cho biết. Ảnh: VietNamNet
Ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày vía Thần Tài. Vào ngày này, mọi người thường đi mua vàng vì cho rằng như vậy sẽ gặp được may mắn và tài lộc trong cả năm.
Chia sẻ với VietNamNet, nhà dân tộc học Tạ Đức nhận định, thờ Thần Tài là một tín ngưỡng thờ cúng thần của dân tộc Việt từ xa xưa, trong đó có phần chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.
Theo ông, tín ngưỡng, văn hóa đều tốt đẹp. Tuy nhiên do tính chất thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng nên ngày nay, nhiều phong tục, tín ngưỡng đang bị biến tướng thái quá.
Nhà nghiên cứu này nhận định, xét ở góc độ tín ngưỡng thì ngày xưa, thờ Thần Tài chỉ cần có con gà quay, heo quay, hoa quả… tức là những đồ lễ vật hết sức đơn giản, gắn liền với cuộc sống thường ngày của người dân.
Không bắt buộc hay có lệ là phải mua vàng trong ngày mùng 10 tháng Giêng thì mới được may mắn, tài lộc trong cả năm. Đây cũng chỉ là một quan niệm lưu truyền trong dân gian.
Ông bày tỏ quan điểm, ngày vía Thần Tài, nếu ai có điều kiện dư dả thì mua vàng. Đó cũng như một khoản tích cóp cho gia đình phòng khi cần đến. Những ai không có điều kiện mua thì cũng không sao.
Tương tự, Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh cũng cho rằng, quan điểm này không đúng. Giáo sư Huỳnh nhấn mạnh, người xưa có câu nói: “Được bạc thì sang được vàng thì lụi”.
“Câu nói trên có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất: Nhắc nhở con người đừng có tham quyền cố vị, cứ nhường cho thiên hạ nhất đi mình chỉ nhì thôi. Nghĩa thứ hai: Nếu có vàng cậy giàu lấy tiền đó ăn chơi, thì sớm muộn cũng chết", ông Huỳnh nói.
Vị giáo sư dẫn chứng, trong tất cả các đạo lớn trên thế giới, như Đạo Thần Tiên, Đạo Mẫu, Đạo Giáo, Đạo Khổng, Đạo Phật... không có một chi tiết nào nói rằng đi mua vàng ngày "vía Thần Tài" để cầu tài cầu lộc.
Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh
Ở Trung Quốc, ngày Thần Tài là ngày mùng 5 tháng Giêng, do họ tự phong ông Triệu Công Minh làm Thần Tài của nước mình. Tuy vậy, ngày này không ai đi mua vàng.
Ở Singapore, ngày Thần Tài là ngày mùng 1 Tết và người dân chỉ hóa vàng dâng cho Thần tài. Việc mua vàng vào ngày vía Thần tài chỉ có ở Việt Nam.
Giáo sư Huỳnh cho biết, ngày Thần tài ở nước ta ra đời khoảng năm 2006, thế nhưng đến nay chưa có tài liệu nào chứng minh được ngày 10 tháng Giêng là ngày vía Thần tài. Theo giáo sư Huỳnh, nếu mua vàng vào ngày mùng 10 tháng Giêng mà giàu có thì chắc nước ta đã thành nước phát triển từ lâu.
Trả lời trên báo Dân Trí, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng Khoa Văn hóa - Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền), cho rằng, ngày vía Thần Tài cũng chỉ mới phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây khi kinh tế phát triển, việc giao thương buôn bán được mở rộng.
Mặt khác, câu chuyện về ngày “vía" Thần Tài được một số người làm kinh doanh (đặc biệt những người buôn vàng) tuyên truyền mạnh nhằm thúc đẩy việc bán hàng đầu năm. Nhờ “ăn theo” ngày “vía" Thần Tài, lượng vàng bán ra tại các cơ sở kinh doanh mặt hàng trong tháng Giêng tăng vọt.
Xét ở góc độ tinh thần, việc mua vàng cầu may trong ngày đầu năm cũng đáp ứng nhu cầu rất chính đáng của con người và là động lực để họ cố gắng trong năm tới. Thế nhưng khi niềm tin tín ngưỡng vượt quá ranh giới niềm tin linh thiêng thì nó lại trở thành mê tín.
Vài năm trở lại đây, có một bộ cư dân đặc biệt là cư dân đô thị đang bị lôi kéo trước sự mời gọi của tham vọng nhiều hơn là các giá trị văn hóa, tín ngưỡng. Đây cũng là cơ hội để những nhà kinh doanh đầu tư, có lãi.
Nguồn: Lê Phương/ Giadinh.net.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC