Tỷ lệ tiêm chủng cúm giảm tại châu Âu

Tỷ lệ tiêm chủng cúm giảm tại châu Âu

Nhiều quốc gia có tỷ lệ chủng ngừa cúm giảm 3-10%, tiếp tục được khuyến nghị tăng tỷ lệ tiêm vaccine để đảm bảo phòng bệnh cho nhóm nguy cơ cao.

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), thống kê đến hết tháng 10/2024, cho thấy khoảng 17 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng giảm, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng toàn quốc năm 2023-2024 là 45,7%, thấp hơn so với năm 2020-2021 với 59%. ECDC đánh giá có dấu hiệu cho thấy các chương trình tiêm chủng theo mùa ở người già đang giảm sau nhiều năm triển khai.

Ví dụ, trong khi Đan Mạch dẫn đầu về tiêm chủng, song tỷ lệ tiêm của quốc gia này giảm vào năm ngoái ở nhóm phụ nữ mang thai và người lớn. Tại Tây Ban Nha, trẻ em được tiêm chủng nhiều hơn trong năm 2023-2024, song tỷ lệ tiêm chủng giảm ở nhân viên y tế. Ở Bỉ, một báo cáo cho thấy số lượng tiêm chủng tăng mạnh trong năm 2019-2020 sau đó giảm vào năm 2021. Croatia, Pháp, Italy, Iceland, Bồ Đào Nha, Romania, Slovenia, Tây Ban Nha có tỷ lệ chủng ngừa ở người lớn giảm.

Tỷ lệ tiêm chủng giảm do niềm tin của người dân vào vaccine khác biệt giữa các quốc gia. Ví dụ, tại Latvia, 42% người dân tin rằng vaccine an toàn, song vẫn thấp so với con số 84% tại Bồ Đào Nha. Sự do dự đối với vaccine thường tập trung vào các phản ứng trên cơ thể người, bỏ qua lợi ích thật sự của vaccine như hỗ trợ giảm gánh nặng bệnh tật ở những người nguy cơ cao trở nặng, có bệnh lý mạn tính.

ECDC khuyến cáo các nước châu Âu tiếp tục khuyến nghị tiêm chủng cúm cho các nhóm mục tiêu chính gồm người lớn tuổi, cá nhân mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai và nhân viên y tế. Hầu hết quốc gia chưa đạt mức độ bảo vệ đầy đủ cho các nhóm mục tiêu chính, vì vậy cần có chiến lược tăng tỷ lệ tiêm chủng, giải quyết rào cản với vaccine. Đồng thời, cần phát triển vaccine cúm mới an toàn hiệu quả hơn, từ đó tăng cường niềm tin vào chương trình tiêm chủng.

1 Ty Le Tiem Chung Cum Giam Tai Chau Au

Minh họa tiêm vaccine cúm cho người cao tuổi. Ảnh: Vecteezy

Ben Kasstan-Dabush, chuyên gia tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh), cho rằng vaccine cúm nên đưa vào chương trình chăm sóc y tế cho những bệnh nhân nguy cơ cao, có bệnh mạn tính, để tăng cường tỷ lệ tiêm chủng.

Vaccine cúm được đưa vào sử dụng từ năm 1945, khuyến cáo chủng ngừa hàng năm. Đến nay, loại vaccine được sử dụng phổ biến nhất là loại bất hoạt dạng tiêm, gồm mũi phòng ba chủng virus và phòng 4 chủng virus, hoặc vaccine liều cao được thiết kế chủ yếu để sử dụng cho những người trên 65 tuổi.

Chi Lê (Theo EuroNews)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan