Nấu ăn là một công việc, đôi khi còn là thú vui giản dị của người phụ nữ. Được chăm sóc các thành viên trong gia đình từ những món ăn mình nấu cũng khiến chị em cảm thấy hạnh phúc. Thế nhưng có những thói quen nấu nướng sản sinh chất độc, khiến cả gia đình bị ung thư, bệnh mãn tính. Bạn cần thay đổi gấp những thói quen này để hạnh phúc ấy trọn vẹn hơn.
3 thói quen nấu nướng tạo cơ hội cho chất gây ung thư "sinh nở" trong cơ thể
1. Không rửa chảo mà tiếp tục dùng xào nấu món khác
Thói quen trong nhà bếp này cực kỳ phổ biến. Vì sự tiện lợi, nhiều người thường chiên rán xong một món nào đó lại tiếp tục dùng chảo này xào nấu một món mới. Cho rằng không hề có vi khuẩn tấn công, đỡ mất công dọn rửa, nhiều người có thói quen dùng chảo kiểu này.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), thói quen nhà bếp này khiến món ăn không được ngon miệng đúng vị. Đáng nói hơn cả, nó còn là mầm mống gây bệnh ung thư.
Nguyên nhân bởi, dầu ăn và cặn thức ăn còn dư lại trên chảo trong quá trình chiên rán trước đó nếu tiếp tục được đun nóng để xào nấu sẽ sản sinh ra Benzopyrene. Đây là chất gây ung thư có trong những cặn thức ăn thừa tiếp tục chịu nhiệt độ nóng già lần 2.
Do đó, khuyến cáo nên bỏ toàn bộ dầu mỡ thừa đã chiên rán trước đó, rửa sạch chảo rồi mới sử dụng để chế biến món tiếp theo. Bạn sẽ vừa có món ăn thơm ngon đúng vị vừa không lo nguy cơ mắc bệnh ung thư.
2. Dùng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần
PGS.TS Trần Đình Toán (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng) cho biết, dùng dầu rán thức ăn trong nhiệt độ cao nhiều lần sẽ làm dầu bị oxy hóa, tạo ra những chất không tốt cho sức khỏe. Hàm lượng vitamin A, E trong loại dầu này bị phá hủy. Chưa kể, mùi vị món ăn dùng loại dầu này không đảm bảo hương vị.
Các nhà khoa học đến từ Đại học Illinois (Mỹ) đã nghiên cứu và lập luận dầu ăn được đun nóng nhiều lần sẽ bị phân hủy chất béo trung tính, dẫn đến quá trình oxy hóa axit béo tự do và giải phóng chất gây ung thư độc hại gọi là acrolein.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng khẳng định, dùng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần hình thành thói quen ăn uống gây bệnh ung thư. Đây là chứng bệnh từ bếp mà ra cực phổ biến trong cuộc sống hiện nay ở các gia đình Việt.
Đặc biệt, cặn bị cháy đọng lại sau khi chiên rán thực phẩm ở lần đầu vô cùng nguy hiểm, mắt thường không nhìn thấy hết. Đây chính là tác nhân gây bệnh cho con người, nhất là bệnh ung thư, trong khi nhiều người Việt vì không nhìn thấy cặn lại nghĩ là an toàn.
3. Nêm nếm thức ăn quá mặn
GS.TS Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam) nhận định, người Việt có thói quen ăn mặn rất cần chấn chỉnh.
Ví dụ thực tế, luộc rau thì chúng ta cho thêm chút muối để rau xanh, vị đậm đà hơn. Ăn rau luộc là phải có chén nước chấm bên cạnh. Nhiều người cũng rất chuộng những món thật mặn cho bữa ăn đưa cơm như dưa muối, cà muối, cá muối, nào là cá kho, thịt kho...
Đây là nguyên nhân khiến tình trạng tăng huyết áp tăng mạnh trong nhiều năm gần đây. Trong đó, tăng huyết áp là kẻ thù đáng sợ nhất của bệnh tim mạch.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2017, hơn 541.000 người Việt tử vong, trong đó nguyên nhân do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76%, đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gút... Trong đó đặc biệt phải kể đến là ung thư dạ dày.
Việc nêm nếm thức ăn quá mặn nhưng không hay biết khiến cả gia đình có nguy cơ mắc bệnh ung thư cùng loạt bệnh mãn tính. Đây là thói quen người nội trợ nên thay đổi càng sớm càng tốt.
9 thói quen trong nhà bếp cực dễ thực hiện để duy trì sống lành mạnh, ít bệnh tật
- Khi nấu nướng, muốn gia giảm gia vị mặn, người nấu nên nếm thức ăn trước khi thêm gia vị để đảm bảo cho vào lượng vừa đủ, không cho quá nhiều.
- Ngoài muối, mì chính là gia vị ngọt nhưng cũng có thành phần natri nên cần hạn chế sử dụng mì chính để tăng vị ngọt cho món ăn.
- Hạn chế tối đa việc tiêu thụ đồ ăn nhanh, dưa cà muối, thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích...
- Duy trì chế độ dinh dưỡng giàu rau củ quả tươi.
- Ưu tiên chọn thực phẩm tươi thay vì các món ăn mặn thường ngày được chế biến sẵn.
- Chọn cách chế biến món ăn, nên ưu tiên ăn các món luộc, hấp thay vì các món cần nhiều gia vị mặn trong quá trình chế biến như kho, rang, rim... để hạn chế lượng muối ăn hàng ngày.
- Giảm muối trong nấu nướng, chế biến thực phẩm một cách từ từ để vị giác thích nghi dần dần.
- Hạn chế chấm nước mắm, bột canh. Nếu chấm thì nên pha loãng, có thể bổ sung thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để tăng vị giác, bù cho vị mặn bị bớt đi.
- Khi sử dụng muối, nên sử dụng loại chứa iốt để phòng chống bướu cổ, thiểu năng trí tuệ...
Theo Nhịp sống Việt
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC