Thời tiết mùa đông chuyển lạnh, đặc biệt là buổi sáng. Vì vậy, thói quen thể dục của bạn cũng cần thay đổi theo để đảm bảo sức khỏe.
Khởi động kỹ
Đây là điều bắt buộc trước khi luyện tập thể dục mùa đông. Bạn nên dành nhiều thời gian (gấp đôi) để làm nóng cơ thể. Nhờ vậy khi tập luyện, cơ bắp sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiệt độ lạnh bên ngoài môi trường.
Bảo vệ cơ quan hô hấp
Cơ bắp không phải là phần cơ thể duy nhất chịu tác động của thời tiết. Không khí khô, lạnh có thể khiến bạn bị đau họng và đau phổi. Không phải lúc nào đây cũng là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng, bạn cũng không nên chủ quan.
Một số người dễ bị co thắt phế quản dẫn đến đau đớn, ho và thở gấp. Vài cá nhân khác lại thích ứng nhanh rồi tiếp tục tập luyện như bình thường.
Nếu bị ho, khó thở và đau kéo dài, bạn hãy gặp bác sỹ.
Uống đủ nước để tránh hạ thân nhiệt
Các chuyên gia khuyên mọi người trước khi tập thể dục vào buổi sáng hãy uống ít nhất một ly nước ấm. Trong khi tập, bạn cũng nên uống vài ngụm nước, dù không cảm thấy khát để tránh nguy cơ hạ thân nhiệt.
Trang phục tập luyện phù hợp
Khi trời lạnh, để tránh bị hạ thân nhiệt đồng thời phòng ngừa viêm đường hô hấp, cảm cúm, bạn nên lựa chọn trang phục tập luyện phù hợp. Đừng mặc chất liệu 100% cotton vì mồ hôi không thể bay hơi khiến cơ thể nhiễm lạnh. Tốt nhất hãy dùng chất liệu cotton pha với polyester để giữ ấm và tạo cảm giác thoải mái.
Tập xong hãy thay quần áo khô càng sớm càng tốt. Trong trường hợp tập ở ngoài trời và không muốn trở vào nhà ngay, bạn nên mang theo một chiếc khăn khô cùng áo khoác để giữ nhiệt độ cơ thể ổn định. Sau đó bạn có thể nhấp một ngụm trà để làm ấm cơ thể.
Lưu ý:
- Những người bị sốt từ 38 độ C không nên tập thể dục trong tiết trời lạnh.
- Các chuyên gia cảnh báo, mùa đông không nên ra khỏi nhà lúc 4-5 giờ sáng, do lúc này trời rất lạnh, sương mù và khí carbon do cây thải ra còn nhiều trong không khí, ảnh hưởng đến việc trao đổi chất của cơ thể và có thể gây hại sức khỏe (nhất là người có tiền sử bệnh mãn tính như hen suyễn, cao huyết áp, bệnh tim mạch… càng cẩn thận vì dễ bị đột quỵ, đau tim, trúng gió méo miệng…).
Phương Nam
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC