Cụ bà Nina, 74 tuổi, được đưa đến viện ở Ulan-Ude, cách biên giới Mông Cổ khoảng 233km về phía Đông Nam của nước Nga trong tình trạng sốt cao, bụng đau dữ dội.
Sau khi khám và chụp X-quang, bác sĩ đã phát hiện bên trong bụng bà có chứa một đống đinh sắt rỉ.
Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành phẫu thuật và lấy ra tổng cộng được 152 vật thể lạ như đinh vít, móng tay, vòng bạc, bu lông, chốt cửa… Thậm chí có vật thể kim loại dài đến 15cm.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công và không có biến chứng hoặc tổn thương nghiêm trọng nào tới dạ dày và cổ họng của cụ bà.
Qua khai thác của bác sĩ, cụ bà Nina tiết lộ, do sợ bị thiếu máu nên ăn các vật thể bằng kim loại để bổ sung chất sắt cho cơ thể. Vì thế, bà bắt đầu nuốt kim loại từ 14 năm trước. Hiện cụ bà vẫn đang nằm viện để được theo dõi thêm.
Thực tế rằng sắt trong cơ thể là một chất vi lượng, được bổ sung qua thức ăn hoặc thuốc để cung cấp vi chất thiết yếu cho quá trình tổng hợp các chất thực hiện chức năng hồng cầu như hemoglobin (Hb), myoglobin và một số enzyme.
Hemoglobin là thành phần đóng vai trò trong việc thực hiện chức năng hồng cầu. Việc thiếu sắt sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu máu thiếu sắt gây mệt mỏi, yếu ớt, hay chóng mặt choáng váng, khả năng tập trung kém…
Như vậy việc bổ sung sắt cho cơ thể đúng cách, cần phải nắm vững khái niệm về thiếu sắt và có một kiến thức rõ ràng cách bổ sung lượng chất này cho cơ thể.
Cách bổ sung sắt cho cơ thể
Thực hiện bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt trong các bữa ăn hàng ngày
Các loại thịt và hải sản
- Thịt bò: Thịt bò là nguồn cung cấp sắt vô cùng phong phú, giúp cải thiện lượng Hemoglobin cho cơ thể. Trong 100g thịt bò nạc có thể cung cấp 3,1mg sắt tương đương 21% lượng sắt cần thiết.
- Gan: Gan của các loài động vật như gà, lợn, bò đều chứa hàm lượng sắt cao. Trong 100g gan lợn cung cấp 12mg sắt, 100g gan gà cung cấp 10mg sắt và 100g gan bò cung cấp 6,5mg sắt.
- Hải sản: Cua, tôm, trai, hàu, sò, ngao, cá thu, cá hồi… được xếp vào danh sách các loại thực phẩm có ích trong điều trị thiếu máu bởi chúng chứa khá nhiều sắt. Trong 100g cua đồng có tới 4,7mg sắt; 100g cua biển có tới 3,8mg sắt; 100g tôm khô có tới 4,6mg sắt…
Các loại rau
- Bí ngô: là loại thực phẩm không chỉ giàu hàm lượng sắt mà còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho máu như protein thực vật, carotene, vitamin, axit amin thiết yếu, canxi, kẽm, phốt pho…
- Bông cải xanh: Bông cải xanh bên cạnh việc bổ sung chất xơ, vitamin A, vitamin C còn chứa rất nhiều sắt, giúp cải thiện chất lượng máu trong cơ thể. Trong 100g bông cải xanh chứa tới 2,7mg sắt.
Ngoài ra các loại rau có lá màu xanh đậm như cần tây, rau ngót, rau bí, rau cải xanh, cải xoong… các loại đỗ như đỗ tương, đỗ đen, đỗ đỏ, đỗ xanh và các loại hoa quả như nho, mía… đều mang một hàm lượng sắt dồi dào và là những thực phẩm giàu vitamin cần thiết cho khả năng hấp thụ sắt.
Bổ sung bằng thuốc
Đây là cách chủ yếu khi cơ thể thiếu máu thiếu sắt, tuy nhiên việc bổ sung cần được sự tư vấn của bác sỹ, tránh bổ sung sắt quá liều trong một thời gian dài.
Lưu ý khi sử dụng thuốc sắt
- Thức ăn sẽ làm giảm sự hấp thu sắt cho nên cần uống xa các bữa ăn 1 – 2 giờ.
- Nước chè, sữa, cà phê… làm giảm hấp thu sắt.
- Không uống cùng các loại thuốc kháng sinh nhóm tetracyclin và nhóm quinolon, thuốc kháng acid, hoóc-môn tuyến giáp… vì làm giảm sự hấp thu sắt.
- Vitamin C làm tăng sự hấp thu sắt nên thường được phối hợp với nhau. Nên bổ sung các loại hoa quả giàu Vitamin C như bưởi, cam, chanh, ổi, dâu tây, quýt, cà chua…
- Cải thiện sức khoẻ cơ thể và điều trị các bệnh lý khác gây ảnh hưởng đến sự hấp thu chất sắt.
NguyễnThoa
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC