Đầu tiên, đánh giá ban đầu của một số nhà khoa học Nam Phi, kết hợp cùng điều trị thực tế cho thấy Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn so với biến thể Delta, nhưng không gây bệnh nặng.
Ngày 28/11, bác sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, một trong những người đầu tiên nghi ngờ về sự xuất hiện của Omicron, cho biết triệu chứng của biến thể này đều rất nhẹ và có thể điều trị tại nhà. Hầu hết các bệnh nhân đều cảm thấy “rất mệt mỏi”, gồm đau đầu, đau cơ, song không ai bị mất vị giác hay khứu giác và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Giáo sư Karl Lauterbach, chuyên gia dịch tễ học, ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Y tế Đức, cho rằng Omicron có gấp đôi đột biến ở protein gai so với Delta, đồng nghĩa rằng nó được tối ưu hóa để lây nhiễm, nhưng ít gây bệnh nghiêm trọng hơn. Tương tự, một số chuyên gia cho rằng SARS-CoV-2 sẽ sớm trở thành “bệnh đặc hữu” – virus xuất hiện thường xuyên nhưng dễ kiểm soát hơn.
Vaccine Covid-19 Sputnik V do Viện Gamaleya (Nga) nghiên cứu và sản xuất được cho là hiệu quả với biến thể Omicron của SARS-CoV-2. (Nguồn: AFP)
Ngoài ra, sau làn sóng lây lan từ Delta, các quốc gia đã có kinh nghiệm hơn trong phòng, chống dịch. Sự thận trọng và phản ứng quyết liệt của nhiều nước trước Omicron là minh chứng rõ nét.
Đặc biệt, các nhà khoa học đã nhanh chóng vào cuộc và đang đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu vaccine Covid-19 dành riêng cho biến thể Omicron, vốn được cho là có khả năng kháng vaccine tốt.
Viện Gamaleya (Nga) khẳng định vaccine Sputnik V và Sputnik Light có khả năng “vô hiệu hóa biến chủng Omicron”. Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) cho biết sẽ “bắt đầu nghiên cứu về phiên bản mới của vaccine Sputnik V cho biến thể Omicron” và có thể đưa vào sản xuất đại trà trong 45 ngày tới, khẳng định có thể cung cấp hàng trăm triệu liều vaccine phiên bản mới vào tháng 2/2022, với khoảng 3 tỷ liều được bán ra năm sau.
Cùng lúc đó, ngày 30/11, công ty dược phẩm Shionogi & Co. của Nhật Bản cho biết đang xem xét phát triển vaccine chống Omicron. Theo một quan chức của công ty này, Shionogi đã bắt đầu chuẩn bị sản xuất các hoạt chất được dùng làm cơ sở để phát triển vaccine cho biến thể nói trên.
Shionogi đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vaccine, đặt mục tiêu đưa vào sử dụng từ tháng 3/2022. Dự kiến, đây sẽ là loại vaccine Covid-19 nội địa đầu tiên của Nhật Bản.
Shionogi cũng đang phát triển một loại thuốc điều trị Covid-19 dạng uống, có thể ngăn khả năng trở nặng do mắc Covid-19 ở những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và trung bình. Shionogi sẽ nghiên cứu thêm xem liệu thuốc kháng virus này có hiệu quả với bệnh nhân nhiễm Omicron hay không.
Cuối cùng, theo giới chuyên gia kinh tế, sự xuất hiện và lây lan ban đầu của Omicron sẽ không tác động quá đáng ngại tới triển vọng kinh tế thế giới. Bởi lẽ, các nền kinh tế hiện đã có khả năng thích ứng tốt hơn trước các quy định hạn chế, giãn cách nhằm ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19.
Theo Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý quỹ đầu tư UBS Global Wealth (Thụy Sỹ), ngành vận tải hàng không, du lịch là đối tượng chịu tác động mạnh nhất. Nhưng đây cũng là ngành chiếm tỉ trọng nhỏ trong hoạt động kinh tế toàn cầu. Biến thể Omicron vì thế ít có khả năng tạo ra thay đổi lớn trong bức tranh kinh tế thế giới ở thời điểm hiện nay.
Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg (Đức) nhận định sau mỗi một làn sóng, mức độ tổn thất mà Covid-19 gây ra với kinh tế toàn cầu giảm dần. Tại châu Âu, làn sóng thứ nhất làm giảm tới 15% hoạt động kinh tế tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong quý 2/2020. Nhưng do có sự thích ứng tốt hơn, làn sóng thứ hai chỉ khiến GDP của eurozone giảm 0,7% đầu năm 2021, dù đợt lây nhiễm lần này mạnh và khốc liệt hơn làn sóng thứ nhất.
Lưu Huỳnh
Nguồn: baoquocte.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC