Cảnh giác với các triệu chứng đau tức ngực, khó thở sau mắc COVID-19

Cảnh giác với các triệu chứng đau tức ngực, khó thở sau mắc COVID-19

Các bác sĩ cảnh báo các bệnh nhân đã mắc COVID-19 cảnh giác với các triệu chứng đau tức ngực, khó thở. Bệnh viện Nhân dân Gia Định vừa cấp cứu một trường hợp tắc nghẽn phổi gần như toàn bộ, kèm huyết khối sau mắc COVID-19.

1 Canh Giac Voi Cac Trieu Chung Dau Tuc Nguc Kho Tho Sau Mac Covid 19

Sau 96 giờ, bệnh nhân mới phục hồi gần như hoàn toàn, dự kiến xuất viện trong tuần tới - Ảnh: BV Nhân dân Gia Định cung cấp

Ngày 24-12, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết các bác sĩ vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân N.B.T. (60 tuổi, ở quận Gò Vấp) bị tắc nghẽn phổi toàn bộ và ngưng tim sau khi mắc COVID-19.

Bệnh nhân nhập viện cấp cứu đêm 17-12, trong tình trạng đau ngực khó thở và được chẩn đoán tắc nghẽn phổi gần như toàn bộ hai bên, kèm huyết khối trong nhĩ phải. Trước đó bệnh nhân mắc COVID-19 và tự điều trị tại nhà, không dùng thuốc kháng đông.

Nhận định bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng suy hô hấp và tuần hoàn cấp, các y bác sĩ của khoa phẫu thuật tim khẩn trương gây mê phẫu thuật. Khi gây mê hồi sức, tình trạng tim mạch của bệnh nhân diễn tiến xấu rất nhanh và ngưng tim mười phút không đập lại.

TS.BS Bùi Minh Thành - trưởng khoa phẫu thuật tim - cho biết các bác sĩ buộc phải mở ngực khẩn qua đường cưa xương ức và xoa bóp tim trực tiếp, đồng thời đặt các mũi khâu lên động mạch chủ và hai tĩnh mạch chủ để khởi động hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể nhanh nhất nhằm cứu vãn tình thế thiếu máu não, tim và các tạng trong cơ thể.

Các bác sĩ nhanh chóng thực hiện thủ thuật lấy huyết khối lấp đầy trong hai động mạch phổi trái và phải, các nhánh và trong các buồng tim. "Chính các huyết khối này đã lấp và ngăn không cho dòng máu lên phổi để trao đổi oxy gây nên tình trạng thiếu oxy máu trầm trọng và suy tim cấp ngay sau đó dẫn đến tình trạng trụy tim mạch và tử vong nhanh" - bác sĩ Thành nói.

24 giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh dần và được rút nội khí quản. Và sau 72 giờ, bệnh nhân ổn định về hô hấp tuần hoàn, nhưng vẫn còn ngủ nhiều và giảm trí nhớ. Cho đến sau 96 giờ mới phục hồi gần như hoàn toàn, dự kiến xuất viện trong tuần tới.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, khi nhiễm COVID-19 bệnh nhân có tình trạng tăng đông máu, nhất là hệ thống mạch máu phổi, gây tắc nghẽn các mạch máu nhỏ, mạch máu lớn, đi kèm với tình trạng thương tổn các phế nang, độc tố gây viêm nhiễm xuất tiết…

Điều này khiến bệnh nhân suy hô hấp nhanh và tử vong sau đó nếu không được can thiệp kịp thời. Với bệnh nhân hậu COVID-19, tình trạng tăng đông tuy có giảm so với trước đó nhưng vẫn còn, vẫn có khả năng hình thành các cục máu đông trong lòng mạch dẫn đến tình trạng thuyên tắc mạch máu chi, mạch máu tạng và mạch phổi… gây nguy hiểm cho tính mạng.

Như trường hợp bệnh nhân nêu trên chỉ có tiền sử tăng huyết áp và mắc COVID-19, còn lại trước đây hoàn toàn không mắc các bệnh gây tăng đông máu như bệnh ác tính, rung nhĩ, cũng không tìm thấy nguyên nhân gây tăng đông.

"Vấn đề đặt ra là sau nhiễm COVID-19 liệu trình kháng đông sẽ được áp dụng như thế nào, nên sử dụng loại gì và được theo dõi như thế nào? Việc này cần phải có nhiều nghiên cứu lâm sàng để giải quyết hậu quả tắc nghẽn mạch sau mắc bệnh. Các bệnh nhân đã mắc nên cảnh giác với các triệu chứng đau tức ngực, khó thở mặc dù trước đó chưa từng bị mắc bệnh tim" - bác sĩ Thành khuyến cáo.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan