Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y khoa Hoa Kỳ cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây ra một mối lo ngại lớn đối với những bệnh nhân đã được điều trị khỏi về việc mất hoàn toàn khứu giác.
Theo đó, có khoảng từ 700.000 đến 1,6 triệu người Hoa Kỳ mất hoàn toàn khứu giác hoặc có sự rối loạn về khứu giác trong khoảng thời gian hơn 6 tháng. Số người gặp tình trạng này có thể nhiều hơn thế, các nhà khoa học tại Đại học Y Washington cho hay.
Nghiên cứu nhấn mạnh, khứu giác là bộ phận cuối cùng hồi phục sau khi con người bị mắc COVID-19. Tuy nhiên nhiều người lại không thể lấy lại được giác quan này. Các nhà khoa học cho rằng đây là điều đáng lo ngại bởi lẽ, nếu không tính nguyên nhân từ COVID-19 thì chỉ có 13,3 triệu người từ 40 tuổi trở lên mắc các bệnh về rối loạn khứu giác mạn tính.
Các số liệu nghiên cứu cho thấy rối loạn chức năng khứu giác mạn tính là mối quan tâm rất lớn của cộng đồng. Do đó, việc nghiên cứu xử lý tình trạng này là vô cùng cấp thiết.
Mất khứu giác là điều vô cùng nguy hiểm
Đừng coi nhẹ di chứng mất khứu giác sau khi nhiễm COVID-19
Theo John Hayes, Giám đốc Trung tâm Giác Quan của Đại học Khoa học Nông nghiệp bang Pennsylvania nói: “Di chứng này là một gánh nặng bệnh tật lâu dài, nghĩa là chúng ta sẽ phải đối phó với nó trong nhiều thập kỷ tới và sẽ có hàng triệu người gặp phải tình trạng này”.
Ông cũng nói thêm, mặc dù việc mất khứu giác trong thời gian dài nghe có vẻ không nghiêm trọng như những di chứng khác của COVID-19 ví dụ như mệt mỏi kéo dài hoặc các vấn đề về tim mạch, tuy nhiên, đây lại là rất đề rất nguy hiểm. Theo một nghiên cứu năm 2014 cho thấy, những người mất khứu giác có nguy cơ cao ăn phải thức ăn ôi thiu hơn những người có khứu giác bình thường. Trong nhiều nghiên cứu khác trước đó, mất khứu giác cũng có liên quan tới chứng trầm cảm.
Sau khi nhiễm COVID-19, bệnh nhân thường gặp 3 vấn đề về khứu giác. Một số người bị giảm độ nhạy bén của khứu giác, một số người lại mất hoàn toàn hoặc có những rối loạn về giác quan này. Ví dụ, thay vì ngửi thấy mùi thơm của hoa, họ lại ngửi thấy mùi hôi chân. Ông Hayes gọi đây là “hội chứng tay chân ảo” về khứu giác nghĩa là việc hay ngửi thấy những mùi không có thật, như mùi hóa chất dai dẳng hoặc mùi khét. “Khi bị mất khứu giác, không chỉ việc ăn uống mà các mối quan hệ xã hội của con người cũng bị ảnh hưởng. Họ không thể phát hiện ra mình có mùi cơ thể hay không và cũng không thể biết được món ăn đó liệu còn ăn được nữa không”, vị Giám đốc này cho hay.
Tiến sĩ Sandeep Robert Datta, một nhà Sinh học thần kinh tại Trường Đại học Y Harvard, người đang nghiên cứu lý do tại sao những người bị COVID-19 mất khứu giác cho biết, đây là một hướng nghiên cứu quan trọng.
Tiến sĩ cho hay: “Chúng tôi chưa thể ước tính chính xác được số người phải đối mặt với di chứng này. Đây là một rối loạn bất thường và là hậu quả chưa từng có của bất kỳ đại dịch nào từ trước tới nay”.
Theo ông, trừ khi ai đó bị gãy mũi trong một tai nạn, hoặc gặp một chấn thương ở phần đầu, nếu không, những người trẻ tuổi bị mất khứu giác là điều bất thường, đặc biệt là do virus. Khi già đi, một số người sẽ bị mất khứu giác. Một nghiên cứu cho thấy, 60 đến 70% người từ 80 tuổi trở lên bị rối loạn chức năng khứu giác ở một mức độ nào đó, nhưng sự rối loạn này thường diễn biến rất chậm; còn sự rối loạn cấp tính là điều không bình thường.
Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra lý do tại sao những người bị COVID-19 lại bị mất khứu giác. Nhưng theo tiến sĩ Datta, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng có sự gián đoạn về chức năng của các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm phát hiện các mùi. Và có thể chúng đang bị tấn công trực tiếp bởi virus.
Vấn đề này cần được nghiên cứu chuyên sâu hơn và các nhà khoa học trên khắp thế giới vẫn đang tiếp tục đi tìm câu trả lời. Việc tìm được cơ chế COVID-19 tác động với khứu giác có thể giúp người bệnh lấy lại được giác quan này, nếu không, họ có thể vĩnh viễn mất đi nó.
Nhiều bệnh viện cũng áp dụng một vài phương pháp trị liệu để phục hồi khứu giác như cho người bệnh tiếp xúc thường xuyên với một mùi nhất định nào đó để họ có thể “cảm” được mùi. Phương pháp này có hiệu quả với nhiều người, nhưng không phải là với tất cả mọi người.
Ông Hayes cho biết: “Có một bệnh nhân đã gọi cho tôi vài ngày trước để hỏi ông ấy nên làm gì với tình trạng này và và thành thật mà nói, tôi chưa thể có bất kỳ lời khuyên nào hợp lý cho ông ấy”.
Theo Tổ Quốc
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC