Ảnh minh họa: Newsroom
Các nhà khoa học trên thế giới đang cảnh báo về biến thể B.1.1.529 với số lượng đột biến tăng bất thường có thể khiến virus kháng vắc xin, dễ lây bệnh và dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Biến thể B.1.1.529 có khoảng 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến ở protein gai. Protein gai là mục tiêu của hầu hết các loại vắc xin Covid-19 hiện tại, được virus sử dụng để xâm nhập vào các tế bào của cơ thể con người. Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm hiểu liệu điều này có khiến biến thể B.1.1.529 dễ lây truyền hay gây chết người hơn các biến thể trước đó hay không.
Ngoài ra, còn có 10 đột biến trên phần vùng liên kết thụ thể của biến thể, so với 2 đột biến ở biến thể Delta.
Giới chuyên môn đã có những suy đoán về nguồn gốc của B.1.1.529 đã phát triển từ một bệnh nhân. Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền UCL có trụ sở tại London (Anh), nhận định biến thể có thể xuất phát từ một người bị suy giảm miễn dịch nhiễm Covid-19. Người này có khả năng là bệnh nhân HIV/AIDS chưa được điều trị.
Các trường hợp nhiễm biến thể B.1.1.529 đầu tiên được xác định ở Botswana và Nam Phi. Hiện nay, ở Nam Phi có hơn 100 ca liên quan đến biến thể này, ở Botswana có 4 ca. Những người được tiêm chủng đầy đủ cũng bị nhiễm bệnh.
Hai trường hợp đã được phát hiện ở Hong Kong. Đó là những du khách đã tiêm vắc xin trở về từ các vùng phía nam châu Phi, bị cách ly trong các phòng riêng biệt. Theo nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding, các mẫu xét nghiệm cho thấy tải lượng virus rất cao.
Israel đã xác nhận trường hợp đầu tiên bị nhiễm biến thể B.1.1.529.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi thận trọng trong giai đoạn đầu đối phó với biến thể này. Cơ quan y tế toàn cầu cho biết cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để hiểu B.1.1.529 hoạt động như thế nào. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm Kỹ thuật Covid-19 của WHO, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tiêm chủng đầy đủ.
An Yên (Theo NDTV)
Nguồn: Vietnamnet.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC