Khó thở do “COVID kéo dài” có khả năng liên quan đến tổn thương tim

Khó thở do “COVID kéo dài” có khả năng liên quan đến tổn thương tim

Theo nghiên cứu được trình bày tại cuộc họptrực tuyến của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) hôm 9/12, triệu chứng khó thở ở những người mắc chứng “COVID kéo dài” không chỉ liên quan đến phổi mà còn có thể liên quan đến tim.

1 Kho Tho Do Covid Keo Dai Co Kha Nang Lien Quan Den Ton Thuong Tim

Ảnh: Tạp chí Health

Tiến sĩ Maria-Luiza Luchian, Tác giả nghiên cứu, thuộc Bệnh viện Đại học Brussels (Bỉ), giải thích: “Những phát hiện này sẽ giúp giải thích nguyên nhân một số bệnh nhân mắc COVID kéo dài vẫn bị khó thở sau 1 năm hồi phục và chỉ ra rằng tình trạng đó có liên quan đến việc giảm hoạt động của tim”.

Nghiên cứu mới bao gồm 66 bệnh nhân ở độ tuổi trung bình là 50, không có tiền sử bệnh tim hoặc phổi trước khi nhập viện do COVID-19 từ tháng 3 đến tháng 4/2020 tại bệnh viện Luchian ở Brussels (Bỉ). Một năm sau khi xuất viện, 35% bệnh nhân vẫn còn bị khó thở khi hoạt động thể chất.

Theo các nhà nghiên cứu, tất cả các bệnh nhân đều được chụp phổi và tim. Họ đã sử dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mới, cung cấp thông tin chính xác hơn về chức năng tim so với các phương pháp trước đây.

Kết quả cho thấy, hoạt động của tim kém hơn ở những người khó thở so với nhóm đối chứng. Các tác giả nghiên cứu lưu ý, cũng có mối liên hệ độc lập và đáng kể giữa chức năng tim bất thường và chứng khó thở kéo dài dai dẳng.

Tiến sĩ Luchian cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hơn 1/3 bệnh nhân COVID-19 không có tiền sử bệnh tim hoặc phổi đã bị khó thở dai dẳng trong một năm sau khi xuất viện. Khi xem xét cụ thể chức năng tim bằng siêu âm tim, chúng tôi đã quan sát thấy những bất thường có thể giải thích cho tình trạng khó thở liên tục”.

Bà Luchian cũng đề xuất, các nghiên cứu trong tương lai, bao gồm nghiên cứu về các biến thể COVID-19 khác nhau và tác động của việc tiêm chủng, là cần thiết để xác nhận kết quả của chúng tôi về sự tiến triển lâu dài và hậu quả tim mạch có thể có của bệnh lây nhiễm này”.

Hai chuyên gia về tim mạch tại Mỹ đã đánh giá những phát hiện mới này rất thú vị, nhưng cần phải nghiên cứu thêm.

Theo Tiến sĩ Michael Goyfman, Trưởng khoa tim mạch tại một bệnh viện ở New York (Mỹ), kỹ thuật mới mà nghiên cứu sử dụng phần lớn vẫn chưa có trong thực hành lâm sàng thông thường và hiện vẫn chưa rõ phương pháp điều trị nào sẽ hữu ích cho những bệnh nhân bị khó thở một năm sau hồi phục COVID-19 – những người có biểu hiện bất thường trên siêu âm tim cụ thể. Do đó, cần thực hiện các nghiên cứu bổ sung.

Trong khi đó, Tiến sĩ Roshini Malaney, Bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Đại học Staten Island, New York, đã giải thích rằng khó thở là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của nhiều bệnh tim, chẳng hạn như đau tim, suy tim và viêm cơ tim, hoặc viêm màng ngoài tim. COVID-19 được biết là gây ra chứng viêm trong cơ thể, có thể tăng nguy cơ hoặc gây ra tình trạng tim mà trước đây chưa từng xuất hiện. Một số yếu tố nguy cơ như hút thuốc, cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ của bệnh nhân hơn nữa. Các triệu chứng dai dẳng sau khi mắc COVID-19, đặc biệt là khó thở, cần được bác sĩ tim mạch đánh giá kịp thời vì khả năng tổn thương cơ tim tiềm ẩn do lây nhiễm virus. Siêu âm tim là một phương pháp dễ dàng, dễ tiếp cận và không xâm lấn, giúp chẩn đoán về tình trạng tim và chức năng tim, đồng thời có thể phát hiện tổn thương do COVID-19./.

Nguồn: CTV Lương Trâm/VOV.VN Theo U.S.News


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan