Omicron đã lan ra hơn 110 quốc gia (Ảnh: Reuters).
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Có những ý kiến cho rằng, Omicron chỉ gây triệu chứng nhẹ và đây có thể là tín hiệu khởi đầu để chấm dứt đại dịch Covid-19. Nghiên cứu của các nhà khoa học Nam Phi và Anh đều nói rằng, những người nhiễm Omicron có nguy cơ nhập viện thấp hơn so với người nhiễm Delta.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London được tiến hành với khoảng 325.000 người có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV-2 từ ngày 1-14/12, trong đó, 56.000 trường hợp nhiễm Omicron, 269.000 người nhiễm Delta.
Nghiên cứu chỉ ra, nguy cơ nhập viện điều trị đã giảm 20-25% ở người nhiễm Omicron so với người nhiễm Delta. Thời gian nằm viện điều trị với người nhiễm Omicron cũng giảm 40-45% so với người nhiễm chủng khác. Cũng theo nghiên cứu, với những người chưa tiêm chủng hoặc chưa từng mắc Covid-19, nguy cơ nhập viện chỉ giảm khoảng 11% ở người nhiễm Omicron so với người nhiễm Delta.
Nghiên cứu cho biết, hai liều vaccine chưa đủ để cung cấp sự bảo vệ cần thiết, vì vậy, mọi người nên tiêm tăng cường để hạn chế nguy cơ bệnh nặng do Omicron hay Delta gây ra.
Một nghiên cứu khác của Nam Phi cũng cho thấy, nguy cơ nhập viện ở người nhiễm Omicron thấp hơn 80% so với người nhiễm chủng khác.
Bên cạnh tín hiệu tích cực này, Omicron đang gây lo ngại bởi khả năng lây lan chóng mặt của nó. Số ca nhiễm Omicron toàn cầu đang tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới. Omicron lây lan thậm chí nhanh hơn những gì ban đầu chúng ta nghĩ. Mỹ và một loạt nước châu Âu như Pháp, Hy Lạp đều ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày lập kỷ lục. Các thành phố như London, New York bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Giới chuyên gia cảnh báo, kể cả Omicron làm giảm nguy cơ nhập viện đến 40-50%, nhưng nếu số ca nhiễm tăng nhanh gấp 3 lần, thì số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 cũng sẽ tăng do hệ thống y tế quá tải. Đặc biệt, khi quan niệm rằng Omicron không nghiêm trọng, nhiều người sẽ chủ quan phòng dịch, lơ là quy định đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người.
Ngoài ra, số người dương tính với SARS-CoV-2 tăng mạnh đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người phải cách ly và không thể làm việc, không thể tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những dịch vụ tuyến đầu như y tế, giao thông, an ninh. Khi đó, các dịch vụ thiết yếu sẽ bị gián đoạn. Nhiều hệ thống y tế trên thế giới đã bắt đầu phải giảm các dịch vụ chăm sóc y tế ít thiết yếu hơn để ưu tiên điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Omicron có thể gây những triệu chứng nhẹ hơn nhưng nó đang tạo ra mối đe dọa chết người với hệ thống y tế nghiêm trọng như bất kỳ biến chủng nào trước đó.Đến nay, các chính phủ đang có những động thái ứng phó khác nhau đối với Omicron. Trong khi một số nước gần như ngay lập tức siết chặt các biện pháp hạn chế, một số nước khác vẫn do dự. Bất chấp số ca nhiễm tăng vọt, giới chức Anh quyết định không áp dụng lệnh hạn chế trước năm mới.
Minh Phương
Theo Aljazeera, Guardian
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC