Theo The New York Times, ngày 16/11, Pfizer đã công bố một thỏa thuận tương tự như Merck vài tháng trước, nhằm sản xuất và cung cấp các phương pháp điều trị Covid-19 giá rẻ ở 95 nước nghèo, nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới.
Việc cả hai công ty cùng thực hiện thỏa thuận này có khả năng mở rộng việc sản xuất hai loại thuốc Covid-19 trên toàn cầu.
James Love, nhà lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận Knowledge Ecology International, cho biết: “Việc chúng ta có giấy phép sản xuất hai loại thuốc này ở bất kỳ đâu là một sự thay đổi lớn so với sự hạn chế trong việc cấp phép sản xuất vaccine tính đến nay”.
Các nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Greenacres ở Port Elizabeth, Nam Phi vào năm ngoái. Ảnh: Samantha Reinders.
Theo thỏa thuận, Pfizer sẽ cấp giấy phép miễn phí bản quyền sản xuất thuốc cho Tổ chức Sáng chế Thuốc, một tổ chức phi lợi nhuận được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.
Theo đó, các nhà sản xuất phụ sẽ nhận được công thức từ Pfizer và có thể cung cấp thuốc cho các quốc gia đang phát triển, chủ yếu ở châu Phi và châu Á.
Tuy nhiên, có những lo ngại về việc liệu thỏa thuận này có đảm bảo cung cấp đủ thuốc cho các quốc gia đang thiếu vaccine hay không.
Giống như Merck, thỏa thuận của Pfizer loại trừ một số quốc gia nghèo đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, trong đó có Brazil, một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.
Một số nước như Cuba, Iraq, Libya và Jamaica sẽ phải mua thuốc trực tiếp từ Pfizer, rất có thể với giá cao hơn so với các quốc gia được cam kết trong thỏa thuận.
Trung Quốc và Nga - những quốc gia có thu nhập trung bình với số dân 1,5 tỷ người - bị loại khỏi cả hai thỏa thuận.
Loại thuốc này rất cần thiết ở những nơi mà ít người có cơ hội được chủng ngừa. Và bởi vì đó là một viên thuốc có thể được uống tại nhà, nó sẽ dễ dàng phân phối hơn nhiều so với vaccine.
Charles Gore, Giám đốc điều hành của Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc, cho biết: “Điều này thực sự quan trọng đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, bởi vì nó dễ dàng thực hiện, chi phí rẻ và chỉ trong thời gian ngắn khoảng 5 ngày”.
Nhưng Felipe Carvalho, điều phối viên của Tổ chức Bác sĩ không biên giới ở Brazil, đã than thở về việc đất nước của ông bị loại khỏi thỏa thuận.
Ông nói: “Thật phẫn nộ khi một quốc gia có nhiều gánh nặng như Brazil lại bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận điều trị". Ông cho biết mặc dù nước ông là một quốc gia có thu nhập trung bình cao, 3/4 người Brazil sống dựa vào hệ thống y tế công cộng và rất ít người có thể chi trả cho các phương pháp điều trị đắt tiền.
Hải Linh
Nguồn: zingnews.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC