Một y tá chuẩn bị vaccine để tiêm chủng tại Trung tâm Y tế Sheba ở thành phố Ramat Gan, Israel. 150 tình nguyện viên tham gia đợt thử nghiệm tiêm mũi vaccine thứ 4 là nhân viên cơ sở.
Các tình nguyện viên đã được tiêm mũi thứ ba ít nhất 4 tháng trước. Họ có dấu hiệu suy giảm lượng kháng thể.
Giáo sư Gili Regev-Yochay, Giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Sheba, cho biết đợt tiêm thử nghiệm thực hiện nhằm đánh giá tiềm năng gia tăng lượng kháng thể từ mũi tiêm thứ 4, các tác dụng phụ và khả năng làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Loại vaccine được sử dụng là vaccine của Pfizer/BioNTech. Các tình nguyện viên sẽ được theo dõi 6 tháng sau khi tiêm, giáo sư Regev-Yochay cho biết.
Người phát ngôn Bộ Y tế Israel Gal Rotem Golan tuyên bố cơ quan trên đã chấp thuận thử nghiệm này để “kiểm tra hiệu quả” của mũi tiêm thứ 4. Một nhóm chuyên gia Israel đã khuyến nghị Bộ Y tế về việc tiêm mũi thứ 4 cho nhân viên y tế và những người trên 60 tuổi.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett hoan nghênh khuyến nghị trên trước nguy cơ từ biến chủng Omicron. Ông cho biết Israel chính là quốc gia “tiên phong” về tiêm mũi thứ tư trên thế giới.
Tuy vậy, quyết định chính thức về triển khai diện rộng vẫn đang được Bộ Y tế Israel xem xét. Quan chức nhóm chuyên trách chống dịch của Israel Nachman Ash muốn có thêm thời gian để đánh giá, cũng như chờ thêm dữ liệu về mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron.
Giáo sư Ran Balicer, lãnh đạo nhóm chuyên gia về Covid-19 của Israel, ủng hộ chiến dịch thử nghiệm của Trung tâm Y tế Sheba. “Israel là quốc gia đầu tiên có lượng lớn người đã tiêm mũi ba và có hiện tượng giảm miễn dịch đáng kể”, ông nói. Tính đến cuối tháng 12, khoảng 4,2 triệu trong số 9,3 triệu người Israel đã được tiêm ba mũi vaccine.
Ông Jacob Levee, bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tim, là một trong những người tham gia thử nghiệm mũi tiêm thứ tư ngày 27/12. “Tôi không muốn các bệnh nhân mà tôi chăm sóc có nguy cơ nhiễm biến chủng Omicron”, ông nói.
Việt Hà (Ảnh: Reuters, AFP, Times of Israel)
Nguồn: zingnews.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC