Thêm bằng chứng hóa giải lo ngại về tiêm vaccine COVID-19 và viêm cơ tim

Thêm bằng chứng hóa giải lo ngại về tiêm vaccine COVID-19 và viêm cơ tim

Một báo cáo nghiên cứu được công bố mới đây đã hóa giải phần nào những lo ngại về tác dụng phụ gây viêm cơ tim sau tiêm vaccine COVID-19 mRNA.

1 Them Bang Chung Hoa Giai Lo Ngai Ve Tiem Vaccine Covid 19 Va Viem Co Tim

Hầu hết các trường hợp gặp tác dụng phụ viêm cơ tim xảy ra ở nam giới dưới 30 tuổi.

1. Mối liên hệ giữa vaccine ngừa COVID-19 và bệnh viêm cơ tim

Trước đó, đã có các báo cáo về những trường hợp hiếm gặp của chứng viêm cơ tim, liên quan đến tiêm chủng COVID-19 ở người trưởng thành tại Israel và quân đội Hoa Kỳ. Do hầu hết các trường hợp này xảy ra ở nam giới dưới 30 tuổi, nên các nhà nghiên cứu cũng đã báo cáo các trường hợp nghi ngờ về tình trạng này ở thanh thiếu niên. Sau đó, cuối tháng 6 năm nay, Ủy ban Cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) về Thực hành Tiêm chủng của Hoa Kỳ đã báo cáo về khả năng có liên kết giữa tiêm chủng vaccine mRNA ngừa COVID-19 và viêm cơ tim, đặc biệt ở những người dưới 39 tuổi.

Do ý nghĩa sức khỏe quan trọng trong quyết định tiêm chủng cho thanh thiếu niên, các nghiên cứu đã tập trung vào việc tìm hiểu tác động của bệnh viêm cơ tim nghi ngờ sau khi tiêm chủng COVID-19.

Hầu hết các trường hợp gặp tác dụng phụ viêm cơ tim xảy ra ở nam giới dưới 30 tuổi.

Một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí hàng đầu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA)- Circulation, cho thấy rằng những người trẻ tuổi từng trải qua tác dụng phụ viêm cơ tim do tiêm chủng vaccin mRNA ngừa COVID-19 sẽ nhanh chóng hồi phục.

2. Hơn 75% các ca trong nghiên cứu có bằng chứng viêm cơ tim

Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 26 trung tâm trên khắp Hoa Kỳ và Canada. Căn cứ theo hướng dẫn của CDC để phân loại các trường hợp viêm cơ tim, xác nhận: 139 bệnh nhân dưới 21 tuổi có các triệu chứng của viêm cơ tim trong vòng 1 tháng sau khi tiêm vaccine COVID-19 (trước ngày 4/7/2021).

Trong số 139 thiếu niên và thanh niên đáp ứng các tiêu chí nghiên cứu, hầu hết là người da trắng, và đều là nam giới, với độ tuổi trung bình là 15,8 tuổi.

Theo các triệu chứng, dữ liệu phòng thí nghiệm và kết quả chẩn đoán hình ảnh, khoảng 1/3 số trường hợp được xác nhận viêm cơ tim và 2/3 là có thể xảy ra.

Gần 98% các trường hợp phát hiện khi theo dõi sức khỏe sau tiêm vaccine mRNA, và 91% các triệu chứng xảy ra sau liều vaccine thứ hai. Đau ngực, sốt và khó thở là những triệu chứng phổ biến nhất mà bệnh nhân báo cáo.

Hơn 75% ca được chụp MRI tim có bằng chứng về tình trạng viêm hoặc tổn thương cơ tim. Hầu hết những người này đã nhập viện trong 2-3 ngày, và bệnh của họ được chẩn đoán là nhẹ. Khoảng 20% bệnh nhân nhập viện được đưa vào ICU ( phòng cấp cứu và điều trị tích cực) và không có trường hợp tử vong.

 2 Them Bang Chung Hoa Giai Lo Ngai Ve Tiem Vaccine Covid 19 Va Viem Co Tim

Viêm cơ tim có thể do nhiễm virus hoặc là tác dụng không mong muốn sau tiêm vaccine phòng COVID-19

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý một số hạn chế của nghiên cứu. Ví dụ, không có sự so sánh về tỷ lệ mắc hoặc nguy cơ giữa những người bị viêm cơ tim do tiêm vaccine với những người có các triệu chứng về tim sau khi nhiễm COVID-19. Ngoài ra, các tác giả không thể loại trừ khả năng nhiễm virus gây viêm cơ tim ở những đối tượng nghiên cứu.

3. Những vấn đề cần đi sâu nghiên cứu

Các tác giả lưu ý sự cần thiết của các nghiên cứu trong tương lai để đánh giá kết quả lâu dài đối với những người đã bị viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận sự khác biệt cơ bản về di truyền hoặc phản ứng miễn dịch khiến nam giới đặc biệt dễ mắc chứng bệnh tim này. Tuy nhiên, những yếu tố nguy cơ là chưa được hiểu rõ và xác định.

Tiến sĩ Sanjay Prasad, chuyên gia tim mạch tại Mayo Clinic, London, Anh trả lời trên Medical News Today về sự cần thiết phải theo dõi cụ thể nghiên cứu này: "Các câu hỏi quan trọng cần giải quyết là tại sao nhóm này lại dễ bị nhiễm bệnh hơn, và đối với những người phát triển bệnh viêm cơ tim sau liều vaccine thứ nhất nên tiêm liều thứ hai như thế nào và khi nào?"

Còn Tiến sĩ Ryan Serrano , Phó giáo sư Nhi khoa lâm sàng tại Trường Đại học Y khoa Indiana ở Indianapolis ( Hoa Kỳ) giải thích kết quả nghiên cứu với quan sát của chính ông: "Các đặc điểm và kết quả của bệnh nhân được mô tả trong nghiên cứu phù hợp với kinh nghiệm của chúng tôi đối với bệnh viêm cơ tim sau tiêm vaccine. Trong đó, hầu hết các trường hợp đều nhẹ mà không nghiêm trọng, chẳng hạn như rối loạn chức năng tim hoặc rối loạn nhịp tim, và bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, đặc biệt là so với những bệnh nhân bị viêm cơ tim do nhiễm virus như trong COVID-19.".

Ông cũng đồng thuận về sự cần thiết phải nghiên cứu thêm do liên quan đến sự an toàn trong tương lai của những người bị viêm cơ tim, đặc biệt những người là vận động viên: "Các vận động viên bị viêm cơ tim do virus phải hạn chế chơi thể thao trong vòng 3-6 tháng. Tuy nhiên, với kết quả nghiên cứu này, bệnh viêm cơ tim sau tiêm vaccine dường như nhẹ hơn, với thời gian phục hồi nhanh hơn". Những vận động viên này có cần nghỉ ngơi trong 3–6 tháng, hay họ có thể trở lại sân an toàn sớm hơn? - Tiến sĩ Serrano đặt vấn đề.

 3 Them Bang Chung Hoa Giai Lo Ngai Ve Tiem Vaccine Covid 19 Va Viem Co Tim

Dù e ngại tác dụng phụ liên quan tới viêm cơ tim, vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu để phòng COVID-19

Các nhà nghiên cứu nói rằng viêm cơ tim, ngay cả khi phần lớn trường hợp là nhẹ vẫn là một nguyên nhân gây ra rất nhiều mối e ngại và quan tâm. Tuy nhiên, rủi ro phải được cân bằng với bệnh hiểm nghèo liên quan đến COVID-19.

Nhìn chung, lợi ích sức khỏe cá nhân và cộng đồng vẫn lớn hơn đáng kể so với nguy cơ, và tôi vẫn khuyến nghị tất cả các bậc cha mẹ nên đưa con mình đi tiêm chủng khi chúng đủ tuổi"

Tiến sĩ Serrano 

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng viêm cơ tim do vaccine COVID-19 xảy ra ở những người dưới 21 tuổi chỉ với các triệu chứng nhẹ và được phục hồi nhanh chóng.

Tuy nhiên, họ khuyến cáo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên cảnh giác với các bé trai và nam thanh niên có biểu hiện đau ngực sau khi tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là trong tuần đầu tiên sau khi tiêm liều thứ hai.

Nguồn: Minh Thu/ suckhoedoisong.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan