Dữ liệu được thu thập trong phòng thí nghiệm gần đây cũng cho thấy loại thuốc này vẫn có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Omicron đã xuất hiện tại 77 quốc gia và vùng lãnh thổ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/12 cảnh báo biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với mức độ chưa từng thấy, đồng thời hối thúc các nước sớm hành động.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tính đến nay, Omicron đã xuất hiện tại 77 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông cho rằng biến thể "có thể" đã lan rộng đến hầu hết các quốc gia mà không bị phát hiện "với tốc độ chưa từng thấy" ở bất kỳ biến thể nào của SARS-CoV-2.
WHO hối thúc các nước cần nhanh chóng có hành động để hạn chế sự lây lan, bảo vệ hệ thống y tế, tránh tâm lý chủ quan.
Chuyên gia của WHO, ông Bruce Aylward cảnh báo không nên có suy nghĩ rằng "đây chỉ là căn bệnh nhẹ" bởi điều này có thể đẩy con người vào tình huống đặc biệt nguy hiểm.
Thuốc Paxlovid của Pfizer có khả năng chống lại biến thể Omicron.
Thuốc của Pfizer có khả năng chống lại Omicron
Ngày 14/12, hãng dược Pfizer (Mỹ) thông báo các cuộc thử nghiệm cuối cùng cho thấy thuốc kháng virus dạng viên uống do hãng này phát triển có khả năng giảm gần 90% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
Dữ liệu được thu thập trong phòng thí nghiệm gần đây cũng cho thấy loại thuốc này vẫn có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Tháng trước, Pfizer cho biết thuốc kháng virus mang tên PF- 07321332 của hãng có thể giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đến 89% so với nhóm người dùng giả dược. Kết luận này được đưa ra sau khi phân tích dữ liệu từ khoảng 1.200 bệnh nhân chưa tiêm vaccine.
Trong khi đó, dữ liệu phân tích mới nhất được tiến hành với thêm khoảng 1.000 bệnh nhân. Kết quả cho thấy không có bệnh nhân nào tử vong khi được điều trị bằng thuốc PF- 07321332 trong khi con số này ở nhóm dùng giả dược là 12 ca. Nếu được cấp phép, loại thuốc này sẽ được bán dưới tên gọi Paxlovid.
Cùng ngày, Pfizer cũng công bố dữ liệu ban đầu từ một thử nghiệm lâm sàng thứ hai cho thấy thuốc PF- 07321332 giúp giảm tỷ lệ nhập viện khoảng 70% ở khoảng 600 người trưởng thành có nguy cơ trung bình.
Giám đốc phụ trách khoa học của Pfizer Mikael Dolsten đánh giá "đây là một kết quả tuyệt vời" khi phương pháp trên giúp giảm đáng kể số ca tử vong và nhập viện. Nếu loại thuốc này sớm được cung cấp cho bệnh nhân mới nhiễm bệnh, nguy cơ lây nhiễm cũng sẽ giảm mạnh.
Ông Dolsten cũng bày tỏ hy vọng Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cùng các cơ quan quản lý khác sẽ sớm cấp phép sử dụng loại thuốc này cho người có nguy cơ cao.
Khác với thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược Merck & Co, PF-07321332 thuộc nhóm thuốc ức chế protease (một loại enzyme), vốn đang được sử dụng để điều trị bệnh nhân nhiễm virus HIV, viêm gan C và các virus khác.
Ông Dolsten cho biết các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm gần đây cho thấy hoạt động chống lại protease của biến thể Omicron "về cơ bản là tốt" như các biến thể khác của virus SARS-COV-2".
Trên lý thuyết, các loại thuốc điều trị và ngăn ngừa nhiễm virus ở người và động vật tuy khác nhau về phương thức nhưng đều chung một mục đích là để tăng cường hệ thống miễn dịch, chống nhiễm khuẩn, đồng thời giảm thiểu lượng virus hoạt động.
Cụ thể, thuốc PF-07321332 sẽ ngăn chặn các enzyme chủ chốt cần thiết mà SARS-CoV-2 cần để nhân bản. Tuy nhiên, các loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 hiện mới có hiệu quả trong điều trị cho những bệnh nhân mới nhiễm bệnh.
Theo giới chuyên môn, khi bệnh đã chuyển nặng, phần lớn virus ngừng nhân bản, khiến việc dùng thuốc kháng virus có thể kích thích hệ miễn dịch phản ứng quá mức, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus: Omicron đã xuất hiện tại 77 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ở thời điểm này, bệnh nhân sẽ cần các loại thuốc khác như Corticosteroid, Kevzara hay Actemra - những dược phẩm đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt cho điều trị COVID-19.
Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi và báo cáo lên WHO vào ngày 24/11. Các dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể này có khả năng kháng các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có và thậm chí có khả năng lây nhiễm dễ dàng hơn biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ và đang là biến thể lây nhiễm chủ đạo trên toàn thế giới. Hiện giới khoa học đang nỗ lực tìm hiểu thêm về biến thể Omicron để có những khuyến cáo chính xác về nguy cơ lây nhiễm cũng như độc lực của biến thể này.
Tiêm mũi vaccine tăng cường có thể chống lại được biến thể Omicron.
Theo TTXVN, cả ba loại vaccine ngừa COVID-19 được Mỹ cấp phép sử dụng dường như bị giảm hiệu quả chống lại biến thể Omicron, nhưng một liều tăng cường có thể hồi phục đáng kể khả năng bảo vệ. Đây là kết quả nghiên cứu công bố trên trang medrxiv ngày 14/12.
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH), Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã tiến hành xét nghiệm nồng độ kháng thể của những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna hoặc Johnson & Johnson để xác định hiệu quả của vaccine chống lại một loại virus giả (pseudovirus) gần giống Omicron.
Kết quả cho thấy những người đã hoàn thành tiêm chủng đầy đủ (hai mũi với vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, hoặc một mũi duy nhất vaccine của Johnson & Johnson) đều có nồng độ kháng thể thấp đến mức “gần như không có”.
Tuy nhiên, nồng độ kháng thể của những người đã tiêm mũi tăng cường thể hiện khả năng trung hòa mạnh mẽ với biến thể.
Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu khác được công bố gần đây.
Trước đó, ngày 13/12, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) cho biết hai mũi vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca không tạo ra đủ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Omicron.
Pfizer/BioNTech hồi tuần trước thông báo thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy một mũi vaccine tăng cường của hãng này có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron.
Trong khi đó, Moderna và Johnson & Johnson hiện chưa công bố dữ liệu về hiệu quả của vaccine của mình trước biến thể mới.
Campuchia và Trung Quốc đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron
Campuchia, Trung Quốc ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Omicron
Ngày 15/12, TTXVN đưa tin, đêm 14/12, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại nước này. Kết quả phân tích, xét nghiệm được viện Pasteur Campuchia công bố cùng ngày.
Theo thông tin của Bộ Y tế Campuchia, trường hợp nhiễm biến thể Omicron nêu trên là một công dân Campuchia đang mang thai tuần thứ 15 từ Ghana quá cảnh Dubai, Thái Lan trở về Campuchia hôm 12/12.
Ngay khi bệnh nhân này nhập cảnh cửa khẩu Sân bay quốc tế Phnom Penh, cơ quan y tế Campuchia thực hiện test nhanh phát hiện bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 và thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.
Bộ Y tế Campuchia kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và nghiêm túc thực hiện quy định phòng chống dịch “Ba bảo vệ- Ba không” do Chính phủ Campuchia đề ra.
Trước đó, tại khu vực Đông Nam Á, đầu tháng 12/2021, Malaysia và Singapore đã ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 nhiễm biến thể Omicron. Như vậy đến nay đã có 3 quốc gia trong khối ASEAN ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 mang biến thể mới, tất cả các trường hợp này đều là người nhập cảnh.
* Trong một diễn biến liên quan, dẫn nguồn từ Truyền thông Trung Quốc, ngày 13/12 TTXVN đưa tin, giới chức y tế thành phố Thiên Tân đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại Trung Quốc địa lục.
Đây là một du khách nước ngoài, tới thành phố cảng Thiên Tân hôm 9/12. Bệnh nhân hiện đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện.
Các ca mắc mới COVID-19 ở Trung Quốc đại lục thời gian qua đều là ca nhập cảnh qua các thành phố cảng. Trước tình hình này, Chính phủ Trung Quốc đã đề nghị các thành phố cảng tăng cường công tác phòng chống dịch.
Theo đó, các thành phố này được yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19, tăng cường hệ thống giám sát và cảnh báo, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới.
Ngoài ra, các thành phố cũng phải siết chặt các biện pháp phòng chống dịch tại những cơ sở lao động có nguy cơ cao, siết chặt quản lý hoạt động ra vào thành phố của người dân và đảm bảo quy trình nhập khẩu thực phẩm đông lạnh được thực hiện an toàn.
Singapore ghi nhận 16 ca nhiễm biến thể Omicron
Theo TTXVN, tại cuộc họp báo trực tuyến chiều 14/12, Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 (MTF) của Singapore cho biết, tới nay nước này đã ghi nhận tổng cộng 16 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 2 ca trong cộng đồng. Tất cả các ca nhiễm đều đã tiêm đủ vaccine, một số không triệu chứng và một số có triệu chứng nhẹ. Hiện tại, đã có 3 ca xuất viện.
Giới chức Singapore đánh giá biến thể Omicron đã xuất hiện tại hàng chục quốc gia trên thế giới, cũng sẽ xuất hiện và có thể bùng phát tại Singapore.
Vì thế, ngoài các biện pháp thắt chặt cơ chế xét nghiệm với người nhập cảnh đã và đang thực hiện, giới chức Singapore xác định sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng mũi bổ sung để gia tăng sức đề kháng cho người dân.
Đồng thời, Singapore sẽ đẩy mạnh triển khai xét nghiệm thường xuyên bắt buộc tại các công sở và các cơ sở cộng đồng để sớm phát hiện, truy dấu và khoanh vùng lây nhiễm biến thể Omicron; thiết lập thêm các trung tâm xét nghiệm nhanh COVID-19; tăng cường chuẩn bị và nâng cao năng lực, công suất điều trị tại các bệnh viện trên khắp cả nước; xây dựng kế hoạch nâng công suất giường điều trị tích cực (ICU) lên 500 giường so với 280 hiện tại; tăng cường vai trò của các phòng khám (GP) trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại nhà./.
Nguồn: baochinhphu.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC