Nghiên cứu do Discovery Health, công ty bảo hiểm y tế tư nhân lớn nhất Nam Phi, công bố hôm nay cho thấy hai mũi tiêm vaccine Pfizer cung cấp khả năng bảo vệ trên 90% trước chủng nCoV gốc, nhưng hiệu lực ngăn lây nhiễm biến chủng Omicron chỉ còn 33%.
Tuy nhiên, hai liều vaccine Pfizer giúp ngăn 70% nguy cơ người nhiễm chủng Omicron phải nhập viện, kể cả ở các nhóm nguy cơ cao, dù hiệu quả suy giảm ở nhóm người trên 60 tuổi.
Nghiên cứu của Discovery Health, phối hợp với Hội đồng nghiên cứu y tế Nam Phi, bao gồm hơn 211.000 kết quả xét nghiệm dương tính nCoV từ ngày 15/11 tới ngày 7/12, trong đó có 41% từ người trưởng thành đã tiêm đủ hai liều Pfizer. Khoảng 78.000 mẫu trong số này do chủng Omicron gây ra.
Các lọ vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech được trưng bày tại Ludwigsburg, Đức, hôm 22/1. Ảnh: AFP.
"Đây là lần đầu tiên chúng ta có dữ liệu như vậy", tiến sĩ Eric Topol, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại công ty Scripps Research ở La Jolla, California, Mỹ, đồng thời là một chuyên gia về dữ liệu y tế, nói.
"Tỷ lệ 70% thể hiện sự suy giảm. Điều này không tốt. Vaccine Pfizer từng có hiệu quả ngăn trở nặng tới 95% với người nhiễm chủng Delta và tỷ lệ này giảm xuống 85% khoảng 6 tháng sau tiêm", tiến sĩ Topop nói.
Hiện chưa rõ tỷ lệ trên có tiếp tục duy trì khi có thêm người nhiễm Omicron được nghiên cứu hay không, bởi "biến chủng này vẫn còn quá mới", ông nói.
Là đơn vị bảo hiểm lớn nhất Nam Phi, Discovery Health sở hữu mạng lưới thu thập dữ liệu phức tạp, cho phép công ty công bố dữ liệu về hiệu quả vaccine dựa trên thông tin thu được từ 1,2 triệu người dùng bảo hiểm ở nước này, kể cả thông tin về xét nghiệm, nhập viện và tử vong. Công ty cũng thường xuyên gửi cảnh báo về các điểm nóng Covid-19 mới xuất hiện ở Nam Phi tới khách hàng, nhờ dữ liệu theo thời gian thực.
Ryan Noach, CEO của Discovery Health, cho biết quỹ đạo của ca nhập viện vì Omicron phẳng hơn so với ba làn sóng Covid-19 trước đây ở Nam Phi, cho thấy nguy cơ diễn tiến nặng vì biến chủng mới thấp hơn. Ông chỉ ra rằng số ca nhiễm Omicron ở Nam Phi đang tăng lên nhanh chóng, nhưng số ca nhập viện và tử vong không tăng đáng kể.
Noach nói rằng chỉ 5% số ca nhiễm Omicron cần điều trị tích cực (ICU), trong khi tỷ lệ này ở làn sóng Delta là 22% và Beta là 21%. Trong làn sóng đầu tiên ở Nam Phi do chủng virus gốc, tỷ lệ bệnh nhân cần ICU là 18%.
Tuy nhiên, CEO của Discovery Health nói rằng những dữ liệu này được thu thập từ giai đoạn đầu của làn sóng Omicrone và các kết quả có thể thay đổi trong tương lai.
Pfizer và đối tác BioNTech trước đó công bố nghiên cứu rằng lượng kháng thể ở những người tiêm đủ liều vaccine của hãng này giảm 25 lần trước biến chủng Omicron so với chủng nCoV gốc. Tuy nhiên, liều vaccine Pfizer thứ ba sẽ tăng lượng kháng thể 25 lần, tương đương khả năng bảo vệ trước chủng nCoV gốc.
Biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/11. Dù WHO đã xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại, các tổ chức trên khắp thế giới vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu về mức độ lây lan hay độc lực của nó, nhưng đến nay vẫn chưa có dữ liệu chính xác.
Ngọc Ánh (Theo Bloomberg)
Nguồn: vnexpress.net
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC