Các loại vắc xin COVID-19 của Hãng Moderna, Johnson & Johnson và Pfizer - Ảnh: REUTERS
Theo WHO, tùy vào tình trạng sẵn có các vắc xin công nghệ mRNA như của Hãng Pfizer và Moderna có thể được sử dụng làm liều tiếp theo, sau những liều ban đầu bằng vắc xin công nghệ vector virus của Hãng AstraZeneca và ngược lại.
WHO cũng cho biết vắc xin AstraZeneca và các vắc xin công nghệ mRNA có thể được dùng sau những liều ban đầu bằng vắc xin bất hoạt của Hãng Sinopharm.
Theo Hãng tin Reuters, WHO đưa ra khuyến nghị mới nhất dựa trên lời khuyên của nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về vắc xin của tổ chức này hồi đầu tháng 12.
Khuyến nghị cũng được đưa ra sau một nghiên cứu lớn công bố hồi tuần trước, cho thấy liều đầu tiên của AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech và liều thứ hai bằng vắc xin Moderna trong 9 tuần sau đó cho thấy phản ứng miễn dịch tốt hơn.
Tuy nhiên, WHO cho biết việc tiêm trộn và kết hợp các loại vắc xin COVID-19 như vậy cần tính đến nguồn cung, khả năng tiếp cận và những lợi ích cũng như rủi ro của các vắc xin COVID-19 đang sử dụng.
WHO nói sẽ xem xét lại các khuyến nghị nói trên nếu có thêm dữ liệu.
Trước khi WHO ra khuyến nghị trên, nhiều quốc gia đã triển khai tiêm trộn và kết hợp do phải đối mặt với số ca COVID-19 tăng vọt, nguồn cung thấp và tốc độ tiêm chủng chậm do một số lo ngại về tính an toàn của các loại vắc xin.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC