(chỉ là một tản mạn về bóng đá)
Ông Troussier là người thất bại.
VFF là người thất bại.
Các cầu thủ là người thất bại.
Người hâm mộ là người thất bại.
Tất cả đều thất bại.
Tỷ số thua của tuyển VN đêm qua đã giảm sự thất bại của bóng đá VN xuống mức thấp nhất về mọi mặt: tài chính, ảo tưởng và những "thù ghét " không đáng có giữa ông Troussier, VFF và người hâm mộ.
Có người dè bỉu những người mê bóng đá. Người dè bỉu cũng là những kẻ thất bại. Vì sao? Vì họ là người không có khả năng vui hay cảm thông với những niềm vui thông thường. Họ nghiêm trọng hoá quá mức những điều thông thường mà là lại cẩu thả với chính quyền được sống một cách thông thường của chính họ và người bên cạnh.
Đương nhiên, những người mê bóng đá nhưng hoang tưởng về bóng đá VN lại càng thất bại. Mà sự hoang tưởng có ở mọi nơi chốn. Ở đâu có con người là ở đó có hoang tưởng. Chính trị gia hoang tưởng, văn nghệ sỹ hoang tưởng, kẻ ăn xin cũng có hoang tưởng. Một kẻ chống những kẻ hoang tưởng cũng chứa nhiều hoang tưởng sẵn trong hành động và ngôn từ của họ. Với nền tảng của bóng đá VN như thế thì bất cứ hoang tưởng nào cũng có nguy cơ sụp đổ. Cũng giống như với không ít lĩnh vực của VN lâu nay thì mọi hoang tưởng về nó mãi chỉ là hoang tưởng nếu chúng ta không có khả năng nhận biết và thay đổi nền tảng ấy cho dù xã hội đợi chờ như thế nào.
Ông Troussier đến VN chắc chắn mang theo ý tưởng thay đổi bóng đá VN và giành thắng lợi. Đó là một điều tốt đẹp trong một con người. VFF chắc cũng tin điều đó, người hâm mộ VN cũng đợi chờ điều đó. Cá nhân tôi khi bước vào làm một việc gì đó cũng mang một tinh thần tốt đẹp. Nhưng đâu phải một ý nghĩ tốt đẹp luôn có khả năng và cơ hội trở thành một kết quả tốt đẹp. Đôi khi một ý nghĩ tốt đẹp cuối cùng lại chỉ là một kết quả đầy thất vọng. Tôi cam đoan là không ít người trong chúng ta đã trải qua điều đó.
Khi đến với bóng đá VN, ông Troussier không bao giờ mong đợi phải nhìn thấy cảnh nhiều cổ động viên giơ cao tấm biển và hét lên: " Troussier out" ( Troussier cút đi). Nhưng ông đã không thực hiện được mong muốn của ông. Ông thực sự rơi vào hoang mang và không tìm được cách vượt qua cái hố mà ông đã chìm vào đó bởi thực lực của ông chỉ có thế, thực lực của bóng đá VN chỉ có thế. Còn VFF và cả người hâm mộ VN thì lại quá nhiều "tham lam" không có cơ sở.
Nếu ông Troussier tỉnh táo mà ra đi sau trận lượt đi tại vòng loại thứ 2 này với Indonesia hôm 21 tháng 3 thì không có cảnh ông bị người ta hạ nhục ông đến mức như tối qua. Nhưng để tỉnh táo và có quyết định như thế không dễ dàng chút nào. Bởi ngay nhiều người chúng ta cũng không có khả năng rời bỏ một điều gì đó đúng lúc trong chính cuộc đời mình. Đấy chính là một bi kịch.
Giờ tấm bi kịch của ông Troussier đã kết thúc.
Nhưng nỗi buồn này sẽ còn rất lâu ở trong ông. Nó làm tuổi già của ông có những đêm tỉnh giấc thao thức nghĩ lan man nhiều điều vui buồn, tinh ranh và ngờ nghệch, khôn ngoan và dại dột. Ông sẽ trở về nhà. Mọi vết thương lòng sẽ dần dần lành lại trong ngôi nhà quen thuộc của mình với những người thân, với một tách cà phê buổi sáng bên cửa sổ nhìn ra khu vườn đầy nắng hay tuyết phủ trắng, với những cuốn sách cần phải đọc.
Rồi đến một ngày, ông sẽ bật cười về những ngày tháng ở VN với một nền bóng đá kém cỏi nhiều mặt và một khát vọng liều lĩnh đưa bóng đá VN vào World Cup trong vài ba năm. Khi đến độ tuổi nào đó, nỗi buồn, sự sai lầm cũng trở thành một ký ức đẹp, một tài sản trong cuộc đời mình mà mình cũng không muốn vứt nó ra khỏi mình vĩnh viễn.
VFF đã trút được một gánh nặng nhưng một gánh nặng có vẻ lớn hơn đang đợi họ ở mọi sân cỏ mà tuyển VN sẽ thi đấu trong những năm tháng tới. Ngay cả sống không thôi cũng là một gánh nặng chứ chưa nói đến sống và làm một điều gì đó dù chỉ liên quan đếnmột người bên cạnh thôi.
Người hâm mộ đã thoả mãn một phần nào và trút được sự giận dữ của mình khi ông Troussier đã ra đi. Nhưng giấc mơ về bóng đá VN như họ từng mơ còn rất lâu, rất lâu mới có thể đến với họ. Rồi có những người hâm mộ trong một lúc nào đó cũng mỉm cười và hỏi: " Mình có cần phải nổi giận đến như thế với ông Troussier không nhỉ?".
Nhưng không có gì phải thất vọng cả. Bởi giấc mơ là một nguồn năng lượng cho con người được sống và dám sống cho dù đến khi rời bỏ thế gian họ cũng không thực hiện được giấc mơ của mình. Và tất cả những điều như thế được chúng ta gọi là CUỘC SỐNG.
Giờ sân cỏ Mỹ Đình đã tắt lặng mọi âm thanh. Chỉ còn những chiếc ghế lặng im và những ngọn cỏ lặng im như đang nghĩ về những gì đã từng diễn ra ở đó. Và bên ngoài sân cỏ cuộc sống vẫn trôi đi với những ảo tưởng điên rồ, những hận thù tăm tối, những trận đấu tàn khốc hơn ngàn lần trong sân cỏ.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC