Đã qua tuổi 40, chị Ng.T.L (hiện đang sống ở TPHCM) đau nhói khi kể về câu chuyện gia đình. Ký ức tuổi thơ của chị ngập trong cảnh tượng bị cha đòn roi cũng như chứng kiến cảnh cha bạo hành, chửi bới mẹ và anh chị.
Chị không thể nhớ lúc lên mấy tuổi mình bắt đầu bị cha đánh đập, chửi bới. Nó hiển nhiên như là việc "cơm ăn, áo mặc" hàng ngày. Chị bị ông đánh đập bằng bạt tai, nắm đấm, cú đá, bằng roi, dây thừng hay bất cứ vật dùng gì vơ được trong tầm tay. Khi chị còn bé, có lần ông còn cầm 2 chân chị dốc ngược, còn lớn hơn ông nhận đầu con vào thùng nước rửa bát, thùng cám gạo của heo...
Hơn 40 tuổi, chị L. vẫn không thể thoát ra được ký ức tuổi thơ bị bạo hành đầy đau đớn (Ảnh minh họa).
Với đứa bé ngày ấy, đi học về đặt chân về nhà chỉ toàn là nỗi sợ hãi có thể bị chửi mắng, đánh đập bất cứ lúc nào hoặc là chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ. Mà đâu có lần nào ông đánh vợ mà các con không bị vạ lây. Chị còn không nhớ bao nhiêu lần mẹ con ôm nhau khóc, người bê bết máu, nhiều lần phải vào viện cấp cứu...
Với người đàn ông vũ phu, đánh đập người vợ yếu đuối và đứa con gái bé bỏng, sau này chị nhận ra, chẳng cần phải có lý do. Đánh đập để cho nên người, để dạy... chỉ là cái cớ để bao biện.
Chị đi học, đi làm ở thành phố, về nhà vẫn bị chửi bới, ăn đòn. Vì còn thương người mẹ, chị vẫn về thăm nhà... Đến khi mẹ mất, chị chỉ còn về nhà vào dịp giỗ bà.
Còn với cha, chị không thể nào mở lời nói chuyện với ông. Chỉ cần nghĩ hoặc nhìn thấy ông, chị đã trào lên cảm xúc tiêu cực nhất.
Vậy nhưng, chị T.L chia sẻ, nỗi căm hận cha đau đớn bao nhiêu cũng không bằng cảm giác bị phủ nhận, phán xét làm con mà bất hiếu, hận cha mẹ này kia.
Anh chị trong nhà trách chị làm quá, nói chị là đồ bất hiếu, mất dạy, nhỏ nhen, ích kỷ. Cả anh hai và chị gái đều nói: "Tao cũng bị ổng đánh, có sao đâu". Nhiều bạn bè bên ngoài biết chuyện, cũng quay sang góp ý, "dạy dỗ" đạo làm con phải sống thế này, phải sống thế kia, dù gì cũng là bố mẹ mình, ông bà có đánh đập cũng vì muốn mình nên người...
"Những lúc đó, tôi chỉ muốn gào lên, nếu đánh đập vì để nên người, tôi không cần nên người", chị T.L cho rằng, ngày chị càng nhận ra con người mình mang đầy dấu ấn của bạo lực. Trên cơ thể chị chằng chịt những vết sẹo tự rạch, hàng trăm lần chị nghĩ đến cái chết. Chị hận thù, già nua, dễ nóng giận, cay nghiệt với người khác và chính chị đang có xu hướng bạo lực với con...
Anh chị trong nhà, theo chị L, có thể từ bé phần lớn họ sống cùng mẹ, ít ở với cha vì lúc đó ông làm việc xa nhà. Còn chị là đứa út, sinh ra khi ông chuyển hẳn về nhà... Hoặc có thể sự nhạy cảm, khả năng chịu đựng của chị khác với mọi người.
Nhiều đứa con tự hủy hoại bản thân xuất phát từ việc bị cha mẹ bạo hành (Ảnh chụp lại màn hình).
Cùng một lời nói, hành động nhưng mức độ chịu đựng của mỗi người đều khác nhau, không ai có thể đong đếm nỗi đau của người kia bằng vết xước của mình.
Cách đây hơn một năm, khi cha chị nhập viện, tiên lượng xấu, nhiều người tiếp tục vào "uốn nắn" chị phải bỏ qua tất cả, phải về gặp cha một lần cuối để an ủi cha...
Sau mấy đêm liền không ngủ, chị L. đặt vé. Nhưng đến phút cuối, chị hủy cơ hội vì biết không thể nhìn vào mắt ông, không biết phải nói gì với người nằm trên giường bệnh - người mà chị từng nhiều lần ước "ông ấy chết đi".
Khi ông mất, chị mới về...
Chị giận mình, trách mình. Nhưng chị không thể làm gì khác. Nếu có người có thể dùng cả tuổi thơ để chữa lành cuộc đời thì chị đang ở chiều ngược lại, dùng cả cuộc đời mà không thể chữa lành tuổi thơ.
Làm sao để tha thứ cho cha mẹ?
Tại một cuộc tọa đàm trực tuyến về chủ đề bạo lực gia đình mới đây tại TPHCM, nhiều người cùng đặt ra câu hỏi nhức nhối: Làm sao để có thể tha thứ cho cha mẹ khi tuổi thơ bị bạo hành?
Nhiều người, cả những người đã lớn tuổi, đi gần hết cuộc đời vẫn mắc kẹt trong nỗi căm hận tuổi thơ bị bạo hành. Có người đã hơn 80 tuổi, vẫn không thể gọi nổi một tiếng "cha", tiếng "mẹ" từ đáy lòng. Có những đứa con, cả một đời đi tìm cách để tha thứ cho cha mẹ nhưng bất thành.
Sống trong hận thù, nhất là hận thù cha mẹ thì hơn ai hết họ chính đang là người mang nhiều đau khổ nhất, thương tổn nhất. Tha thứ, với người đã bị tổn thương đeo đẳng không phải nói là xong, muốn là được.
Có những người đã đi sắp hết cuộc đời vẫn không thể chữa lành những tổn thương vì hậu quả của bạo hành để lại (Ảnh minh họa).
TS tâm lý Lê Nguyên Phương (người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam) từng thừa nhận là một đứa trẻ bị bạo hành. Ông nói điều này, bố mẹ nghe sẽ rất buồn nhưng muốn hay không đó cũng là sự thật.
Năm 2010, khi từ Mỹ về Việt Nam xây dựng tâm lý học đường, ông tự nhận thấy là người lớn tuổi khó chịu. Ông biết, có những người già gặp chuyện gì đó là đùng đùng tức giận, đánh chửi con cháu, những người lớn tuổi da dẻ nhăn nheo rúm ró như trái táo tàu khô, cả vẻ ngoài lẫn tâm hồn. Ông không muốn mình trở thành một người già như vậy nên hiểu rằng, phải tìm cách chữa lành cho mình bằng cách xem lại các liệu pháp tâm lý, thiền...
Ông đặt ra một cam kết cho bản thân "tôi sẽ thay đổi". Thay đổi để chữa lành, không muốn mình già nua, đau khổ, không muốn những cơn tức giận cuốn lấy cuộc đời mình. Hơn 10 năm qua, ông đi trên hành trình với một mục đích theo ông rất ích kỷ vì bản thân như vậy chứ không phải để tha thứ cho ai.
"Mới đây, tôi về thăm bố mẹ, một tình thương trào dâng. Lần đầu tiên trong cuộc đời, một người đàn ông đã tuổi 60 là tôi có thể ôm ba tôi, hôn lên trán ông mà không còn khó chịu hay ngượng ngùng", ông Phương xúc động kể.
Bản thân ông cho rằng đừng đặt vấn đề tha thứ hay chấp nhận ai mà điều cần quan tâm hơn là làm sao chữa lành cho chính mình, làm sao để bản thân bình an.
Chuyên gia này nhấn mạnh, cảm cúm cũng mất vài ngày, bệnh tật ốm đau cũng mất thời gian mới khỏi. Với hậu quả bạo hành để chữa lành là một hành trình rất dài. Một bước tiến nhỏ cũng đã có thể giúp mình nhẹ nhàng hơn.
Hiện tại nếu có đủ tình yêu thương thì sẽ không khó để bộc lộ. Còn nếu chưa thể, mối quan hệ bố mẹ con cái tiếp tục tiếp tục bị khoét sâu thì chúng ta có thể chọn cách "ly thân" với bố mẹ, tách ra để chữa lành cho mình. Khi mình làm hòa được với bản thân thì mình mới có thể làm hòa được với cả thế giới.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC