Ở tuổi 35 tôi mới sống cho mình, làm điều mình muốn, mạnh mẽ quyết đoán và yêu thương bản thân hơn. Nhìn lại 10 năm qua, tôi quá yếu đuối, không có chính kiến, luôn ngoan ngoãn nghe lời những người xung quanh, đặc biệt là mẹ, chồng và chị bạn thân. Tôi như người tỉnh mộng khi nhận ra 10 năm qua đã ngược đãi bản thân, lệ thuộc cảm xúc, làm theo ba người thân cận nhất dẫn đến trầm cảm nhẹ, mà nay tôi mới phát hiện ra do sống theo lối sống, lời chỉ dẫn thao túng của họ.
Mẹ luôn nhồi sọ tôi là con cái, phải khôn, khi làm có tiền thì đưa mẹ giữ, đừng ăn xài phung phí, sắm sửa gì cho bản thân, đưa tiền hết cho mẹ giữ để báo hiếu mới là con gái ngoan. Bao năm qua, tiền tôi đi làm được, không dám mua một món đồ hiệu như những bạn cùng lứa dù rất thích, mỗi lần muốn mua lại gom tiền gửi cho mẹ. Tính đến nay, số tiền tôi gửi cho mẹ cả tỷ đồng để cảm thấy bản thân là con ngoan. Giờ mẹ coi số tiền tôi gửi là cho tặng, trả ơn sinh thành chứ không phải thiện ý muốn giữ tiền cho con và sau này gửi lại.
Nay tôi muốn làm ăn mở kinh doanh riêng sau khi thất nghiệp thì không có một đồng để làm vốn. Mẹ lớn tuổi bảo thủ, không kiến thức kinh doanh đầu tư, bao nhiêu tiền gửi ngân hàng lãi suất ngày càng thấp. Tiền đó nếu lúc xưa tôi biết gom mua đất đầu tư hay tự kinh doanh, giờ nay có thể có lời để còn có cuộc sống thoải mái tự làm chủ khi bị sa thải ở tuổi 35 này. Mẹ thì hiển nhiên coi số tiền tôi gửi cho bà bao năm qua là báo hiếu. Giờ đây, tôi không còn thu nhập không gửi nữa, bà ít nói chuyện, gọi điện và không còn tự hào nâng cao tôi với như trước.
Giờ tôi có bầu, mẹ không thèm quan tâm vì đã hết giá trị cho bà. Mẹ còn trách tôi ngu dại, có bầu nuôi con cực khổ đau đớn cho nhà chồng hưởng. Bà luôn ngăn tôi có thêm con và kể những câu chuyện như mấy đứa con gái khôn lấy chồng cho tiền cả nhà vợ, hoặc nhiều đứa hôn nhân không đủ đầy mạnh dạn ly dị gặp chồng sau tốt và giàu hơn nhiều. Chồng tôi còn trẻ, chưa thành công nên cuộc sống chúng tôi ở mức trung bình và không giúp gì cho gia đình tôi nhiều. Chủ yếu tôi đi làm có dư mới gửi chứ chồng chỉ lo cho tôi và con, không còn dư để lo ba mẹ vợ như những người khác. Nếu muốn như vậy, tôi phải hy sinh lấy chồng già, xấu xí, không xứng đôi thì mới bù đắp cho vợ kiểu đó. Chứ chồng trẻ xứng đôi như chồng tôi, anh cũng tự nhận biết giá trị bản thân, dù có dư tiền, cũng không cho nhà vợ như những cặp chênh lệch khác. Mẹ luôn khiến tôi cảm thấy có lỗi vì đã chọn chồng không giúp ích gì cho gia đình vợ.
Minh họa: AI
Chồng tuy lớn hơn tôi chỉ hai tuổi nhưng học vị thạc sĩ, cao hơn tôi hai bậc. Tôi ngưỡng mộ và luôn tin những gì anh nói là đúng. Bao năm qua, từ khi cưới, tôi phải nương theo lối sống của anh mà không biết rằng nó gây trầm cảm cho tôi vì thói quen khác. Tôi ghét bóng tối, thích nghe tiếng phim tivi khi trên giường cho đến khi đi vào giấc ngủ, nhưng anh độc tài, gia trưởng, bắt tôi phải theo lối sống của anh, đóng hết rèm, tắt đèn tắt phim để ngủ. Tôi làm theo bao năm, khó ngủ khiến tôi luôn sợ hãi khi đêm, mỗi tối tôi đều bồn chồn lo lắng không hiểu lý do. Giờ đây khi nói chuyện với chuyên gia tâm lý, tôi ngộ ra bản thân đã quen có ánh đèn, có cửa sổ mở và tiếng tivi buổi tối nên sự im lặng và quá tối khiến tôi có cảm giác căng thẳng, lo sợ khi về đêm.
Rồi mỗi lần tôi xài điện thoại, anh phàn nàn nói không tốt cho sức khỏe. Tôi làm gì anh cũng cho là sai, tôi nghe lời làm theo vì cho rằng anh học cao hiểu rộng. Ngay cả khi xem tin tức cập nhật mỗi ngày, anh cũng nói không nên xem thời sự. Giờ nghĩ lại, có lẽ anh muốn tôi mù mờ kiến thức để dễ điều khiển và khiến tôi không tin vào bản thân, chỉ tin và nghe lời anh.
Khi con trai đầu của tôi được sinh ra, anh nói tôi không được ôm ấp quá nhiều, con té thì để con tự đứng lên để con mạnh mẽ, không bám mẹ. Giờ con chỉ bám ba, mẹ đi đâu, con không theo. Anh sợ lỡ ly dị, con cũng mến và chọn theo ba hơn theo mẹ. Tôi nấu ăn gì cho con, anh đều chê không ngon và làm lại khiến con dần không coi trọng tin tưởng mẹ. Tôi nói gì dạy con, anh cũng "sửa lưng". Đồ chơi tôi mua cho con như niềm hạnh phúc của người mẹ, anh ngăn lại và nói phí tiền nhưng anh thường dẫn con tự đi mua đồ chơi để con thích yêu ba hơn. Quần áo tôi mua cho con, anh cũng cản vì nói phí tiền, toàn để mẹ anh mua cho con. Anh không cho cho ngủ chung, sợ bám mẹ và bắt con ngủ phòng riêng. Anh qua phòng ôm cho con ngủ, con chỉ cảm nhận được tình cha, hiểu lầm rằng mẹ không thương, không chăm con.
Thực tế do tôi quá nhu nhược, yếu đuối, sợ phải cãi vã với chồng nên cứ để anh làm gì thì làm, không phản biện, không có chính kiến riêng.Ngay cả việc xem phim với con, anh cũng can thiệp. Tôi mà mở tivi là anh luôn càm ràm "con nít không được xem tivi, laptop quá nhiều", nhưng khi anh coi phim chung với con hoặc mở laptop cho con coi thì được. Tôi đi du lịch, muốn dẫn con theo, anh không cho, khi nào có anh đi chung mới dẫn theo. Anh không bao giờ cho con về nhà ngoại chơi một mình, luôn đưa con về nhà nội vì nói nhà nội biết chăm sóc hơn.
Chị bạn thân tôi quen mười năm qua, chuyện gì cũng tâm sự với chị. Vậy mà tôi mới phát hiện, những câu chuyện chỉ chia sẻ với chị vì nghĩ là thân, giờ thành những câu chuyện phiếm chị đi kể cho bạn bè và khách hàng của chị. Chị luôn miệng nói tôi là em gái nhưng trong tâm chỉ xem là con ngốc móc hết ruột ra tâm sự. Ngẫm lại trong cuộc hội thoại với nhau, chỉ toàn bí mật của tôi, còn tôi không hề biết gì về chuyện cá nhân của chị.
Tôi giờ mất niềm tin vào tất cả và chỉ tập trung phát triển, yêu thương bản thân, âm thầm nỗ lực, không nói ai cho đến khi đạt được kết quả. Tôi tự làm mọi thứ mình cho là đúng, không hỏi ý hay nghe lời can ngăn của chồng, cũng không còn gửi tiền về cho mẹ và không tâm sự gì với chị bạn đó nữa, chỉ giữ ở mức bạn xã giao. Đúng như câu nói tôi từng nghe "bài học đắt giá nhất là từ cuộc đời, đến sách rồi mới đến trường học". Đứa con thứ hai, tôi sẽ nuôi theo cách của mình và tôi quyết liệt chống trả, thậm chí ly dị nếu chồng gia trưởng, độc đoán, cấm cản tình mẫu tử bản năng của tôi.
Hà Phương
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC