Chi tiết vụ lừa đảo
Ngày 15 tháng 11, nạn nhân nhận được một loạt cuộc gọi từ một kẻ tự nhận là nhân viên cảnh sát, theo thông tin từ tờ Hamburger Abendblatt.
Kẻ mạo danh này tuyên bố rằng cảnh sát vừa bắt giữ một thành viên của băng trộm người Bulgaria và phát hiện trong đồ vật của tên này một ghi chú chỉ ra cụ ông 70 tuổi có thể là mục tiêu của bọn trộm.
Người phát ngôn cảnh sát Nina Kaluza cho biết: "Qua nhiều cuộc điện thoại, bọn tội phạm đã gây áp lực tâm lý lớn đến mức nạn nhân buộc phải lấy vàng từ két sắt ngân hàng của mình và giao cho chúng."
Địa điểm xảy ra vụ việc là đường Palmaille thuộc khu phố Altona. Trong lúc giao vàng, kẻ lừa đảo còn cung cấp một mật mã đã được thỏa thuận trước để khiến nạn nhân tin tưởng rằng mọi thứ đều an toàn.
Chỉ khi không thể liên lạc được với "cảnh sát" giả mạo qua điện thoại, cụ ông mới nghi ngờ và thông báo cho cảnh sát thực sự.
Số điện thoại bị giả mạo
Cơ quan điều tra hình sự bang (Landeskriminalamt) hiện đang tiếp nhận vụ việc. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy số điện thoại mà kẻ giả mạo sử dụng đã bị làm giả để hiển thị như thể cuộc gọi xuất phát từ một cơ quan chính quyền.
Theo số liệu, trong 9 tháng đầu năm 2024, cảnh sát Hamburg đã tiếp nhận 370 trường hợp báo cáo về các vụ lừa đảo qua điện thoại liên quan đến việc giả danh cảnh sát hoặc các nhân viên công quyền. Trong số đó, 38 vụ lừa đảo đã thành công, gây thiệt hại tổng cộng khoảng 970.000 euro.
Vụ việc của cụ ông 70 tuổi là trường hợp thứ 39, với số tiền bị chiếm đoạt vượt mức 1 triệu euro – một kỷ lục đáng buồn!
Làm thế nào để tự bảo vệ mình?
Cảnh sát thực sự luôn khẳng định rằng họ:
- Không bao giờ hỏi về loại tài sản, giá trị tài sản hay nơi lưu giữ tài sản của bạn.
- Không bao giờ yêu cầu bạn giao nộp tài sản hay để tài sản ở nơi công cộng.
- Không bao giờ gây áp lực buộc bạn phải hỗ trợ điều tra dưới bất kỳ hình thức nào.
Hãy luôn cảnh giác và liên hệ ngay với cảnh sát khi gặp tình huống nghi ngờ!
Theo Phạm Hương - Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC