Vance cùng bố mẹ nuôi và anh em ở Bắc Ireland. Ảnh: SWNS
Năm 1975, chiến dịch Không vận Mercy do báo Anh Daily Mail tổ chức đã đưa gần 100 trẻ em mồ côi rời khỏi Sài Gòn. Trang nhất của tờ báo ngày đó in hình ảnh một bé trai ngơ ngác đang được y tá bế lên chiếc máy bay Boeing 707 chuẩn bị cất cánh sang Anh. Cậu bé được cho là không còn cha mẹ và chính là Vance McElhinney.
Nhiều giờ sau đó, những đứa trẻ đến Heathrow. Một số bị suy dinh dưỡng, số khác bị bệnh nặng cần được điều trị gấp.
Thương cảm trước tình cảnh của các em, ông bà Cyril và Liz McElhinney đã từ Bắc Ireland lặn lội đến trung tâm tiếp nhận trẻ em Việt Nam để nhận con nuôi. Khi họ tới nơi, Vance là đứa trẻ duy nhất còn sót lại chưa có gia đình và từ đó anh trở thành con trai của gia đình McElhinney.
Vance lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ nuôi và các anh em David và Stephen. Tuy nhiên, việc sống giữa một thị trấn toàn người da trắng đối với một cậu bé người Việt không hề dễ dàng. Năm 20 tuổi, Vance quyết định bỏ nhà đến Anh. Chỉ khi mẹ nuôi của anh bị chẩn đoán mắc bệnh neuron vận động, Vance mới trở về để chăm sóc bà.
Anh cũng cảm thấy đã đến lúc phải tìm hiểu về quá khứ của mình và tìm đến dự án A Place To Call Home (Nơi gọi là nhà) của BBC Bắc Ireland để được giúp tìm lại gia đình ở Việt Nam. Trở về Việt Nam 2016, anh gặp lại các xơ ở trại trẻ mồ côi từng sống và một số người tổ chức chiến dịch không vận năm 1975 nhưng nguồn gốc của Vance vẫn là một bí ẩn.
Kỷ vật duy nhất của anh là một bức ảnh thuở nhỏ với chữ M lớn ở phía sau. Trên đó còn có nét viết nguệch ngoạc ghi “Van Tan Nguyen”, cái tên mà Vance tin rằng mẹ đã đặt cho khi anh mới sinh ra.
Vance và một bức ảnh thuở nhỏ. Ảnh: SWNS |
Sau khi chương trình trên phát sóng, có khoảng 30 người ở Việt Nam đã liên lạc và nhận là người thân của Vance. Trong đó, một người phụ nữ tự cho là em họ của Vance đã gửi cho anh bức ảnh chụp một người đàn ông và nói rằng đây là cha anh. Bất ngờ trước những nét tương đồng trong ngoại hình, Vance đã sắp xếp trở về Việt Nam và gặp người phụ nữ trên tại một quán cafe ở Quy Nhơn, gần trại trẻ mồ côi nơi anh từng sống.
Nghĩ rằng mình sẽ biết thêm nhiều thông tin về gia đình, Vance bị choáng váng khi người “em họ” chỉ vào một phụ nữ ngồi gần đó và nói: “Bà ấy là mẹ của anh”.
Bà Lê Thị Anh, 64 tuổi, ngay lập tức nhận ra Vance là đứa con trai thất lạc mấy chục năm qua của mình. Bà quẹt nước mắt khi đưa ra những bức ảnh thuở bé và giải thích rằng bà không hề muốn bỏ rơi anh nhưng do phải nằm viện vì bị thương nên đành gửi tạm con vào trại trẻ. Tình cảnh hỗn loạn của chiến tranh đã khiến anh bị nhầm là một đứa trẻ mồ côi.
“Mẹ tôi định sẽ đến đón tôi khoảng hai tuần sau đó. Bà ấy đưa tôi đến đó vì bà không được khỏe. Chúng tôi đang ở giữa cuộc chiến”, Vance kể. “Các xơ nói với anh chị em của bà rằng sẽ an toàn hơn nếu đưa tôi đến Sài Gòn. Họ chưa bao giờ hỏi ý kiến mẹ tôi”.
Suốt hơn 40 năm nghĩ rằng mình là một đứa trẻ mồ côi, Vance giờ đây mới biết sự thật rằng mẹ đẻ của anh vẫn còn sống. “Mẹ lấy trong túi ra cho tôi xem những bức ảnh của tôi, bố tôi và ảnh bà những năm 20 tuổi”, Vance kể.
Vance và mẹ đẻ, bà Lê Thị Anh. Ảnh: Facebook Advancing Forward |
Bà Anh cho biết bố của Vance là lính, ham mê rượu chè, cờ bạc và hay đánh đập vợ. Ông thậm chí đã bắn cha mẹ và anh chị em của bà rồi bỏ đi. Bà không rõ hiện ông còn sống hay không.
Vance đã do dự về việc xét nghiệm ADN để khẳng định chắc chắn bà Anh là mẹ đẻ, bởi khi đó sức khỏe của mẹ nuôi đang tiến triển xấu và anh muốn dành thời gian ít ỏi còn lại cho bà. Sau khi bà McElhinney qua đời ở tuổi 71 vào tháng 6/2017, anh quyết định xét nghiệm và kết quả đã xác thực huyết thống giữa hai người.
Vance đã trải qua hai lần đổ vỡ hôn nhân, hiện làm đầu bếp. Anh dự định quay về Việt Nam vào tháng sau và sẽ chia sẻ thời gian cho cả hai gia đình ở hai nước.
“Gia đình McElhinneys đã làm mọi thứ vì tôi. Tôi không thể có một gia đình nào tốt hơn”, anh nói.
Anh Ngọc
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC