Phạm Thị Tuyết Mai. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chia sẻ với VnExpress, Phạm Thị Tuyết Mai, 34 tuổi, cho hay cô đang rất hoang mang bởi chưa biết bao giờ mới có thể trở về Việt Nam trong khi hộ chiếu bị tịch thu và tài chính sắp cạn kiệt. Đang làm quản lý về thương hiệu cho một công ty nội thất cao cấp, cô cho rằng mình là nạn nhân của một vụ đánh cắp danh tính và thông tin cá nhân với mục đích phạm pháp mà bản thân không thể nào ngờ tới.
Sau hơn một tháng bị mắc kẹt ở Paris, hôm 20/1, Mai mới quyết định chia sẻ sự việc của mình lên trang Facebook cá nhân với hy vọng mọi người có thể hỗ trợ cô tìm ra cách giải quyết và cẩn trọng hơn về bảo mật thông tin cá nhân. Câu chuyện được Mai chia thành 5 phần và thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận trên Facebook.
Theo Mai, sự cố bắt đầu từ hôm 18/12/2018, khi cô cùng bạn trai là Daniel bay sang châu Âu vừa du lịch vừa thăm quê hương anh ở Malta nhân dịp Giáng sinh. Sau gần 13 tiếng bay từ Hà Nội, họ đáp xuống sân bay Charles de Gaulle ở Paris để chờ nối chuyến đến Malta nhưng đến cửa kiểm tra hộ chiếu dành cho hành khách châu Á thì Mai được thông báo rằng giấy tờ của cô “có vấn đề” và được thông báo chung chung rằng cô “có lệnh truy nã ở Bỉ từ năm 2014”.
Mai bị cảnh sát sân bay bắt giữ, khám người, khám đồ và tịch thu hết tư trang cá nhân khiến cô rất sốc vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cô cố giải thích và hỏi lý do bằng tiếng Anh nhưng bất lực bởi họ chỉ trao đổi bằng tiếng Pháp.
“Sau khi bị thu hết đồ đạc, mình bị nhốt ở một phòng giam tối tăm, chỉ có ánh đèn hắt vào từ bên ngoài. Phòng có cửa song sắt khóa bên ngoài, lạnh lẽo với một giường đá trải đệm mút mỏng”, Mai kể. “Mình nằm co ro trên đệm, mệt, lạnh và vẫn chưa hết sốc. Nước mắt thì đầm đìa, mình cầu mong bạn trai ở bên ngoài tìm được đến phòng giam để báo cho gia đình mình ở Việt Nam biết và tìm kiếm sự giúp đỡ…”.
Không lâu sau, cô bị cảnh sát có vũ trang còng tay và áp giải đến một đồn khác ngay cạnh sân bay. Tại đây, cảnh sát thông báo qua một thông dịch viên người Việt rằng Mai “bị truy nã từ Bỉ về tội danh buôn bán và tàng trữ ma túy. Vụ án xảy ra trong giai đoạn cuối năm 2010 và đầu năm 2011. Vụ án xử vắng mặt ở Bỉ từ năm 2013. Lệnh truy nã phát đi trên toàn châu Âu từ năm 2014”.
“Lại một tiếng nổ nữa bên tai! Choáng váng! Thực sự! Người mình nhũn ra, mặt mũi tối sầm và tai ù đi. Mình cảm giác như có một hố đen sâu thẳm dưới chân chuẩn bị nuốt chửng mình. Trong đầu thì chỉ lùng bùng còn có mấy chữ ‘Buôn bán & tàng trữ ma túy’ “, Mai kể. “Đi học và sống ở châu Âu suốt thời sinh viên 4-5 năm nên mình quá hiểu cái tội này nó lớn thế nào! Nó được liệt vào tội phạm nguy hiểm ở châu Âu. Nhưng mà tại sao nó lại dính vào mình? Và tại sao, lại từ bên Bỉ?”.
Mọi lời giải thích của Mai đều vô ích bởi cảnh sát Pháp cho hay họ chỉ có trách nhiệm thực hiện lệnh bắt giữ do Bỉ ủy quyền, lấy thông tin và lời khai. Tuy nhiên, cô có thể bào chữa tại phiên tòa xét xử diễn ra vào 9h sáng hôm sau và sẽ có luật sư hỗ trợ do tòa chỉ định miễn phí.
Hôm đó, Mai mô tả rằng cô trải qua đêm dài nhất 30 năm cuộc đời ở một phòng giam còn đáng sợ hơn cả phòng giam đầu tiên. Căn phòng rộng khoảng 2,2 m, chỉ có một cánh cửa gỗ và một ô cửa sổ nhỏ tí có song sắt. Trong góc phòng giam là một cái giường xây bằng gạch đá đặt một đệm mút mỏng. Trên giường còn có một tấm nilon mỏng mà cô đoán là của người bị giam trước vứt lại. Cạnh giường là một nhà xí bệt, trên tường bám đầy vết nước tiểu vàng. Mùi khai nồng nặc bốc lên. Dưới sàn nhà lênh láng nước không hiểu là gì.
“Ở trong trại giam quả thực mất hết khái niệm về thời gian”, Mai kể. “Khi nào cái đèn cũng vàng như thế, bật xuyên ngày đêm không tắt. Không biết lúc nào ngày, lúc nào đêm và đã bao nhiêu tiếng trôi qua. Chỉ biết là khi ở trong đấy, một tiếng trôi qua mà cảm giác như một tuần”.
Mai xin chăn và một cốc nước nóng để chống chọi với cái rét trong phòng giam nhưng không được đáp ứng. Bữa tối của cô là một hộp cơm kèm sốt vị gà khô khốc, mặn chát, quyện với mùi khai nồng của toilet. Cô cố nhắm mắt nuốt hai miếng cơm vì nghĩ rằng nếu không ăn, mình sẽ không thể vượt qua nổi đêm nay.
“Đêm hôm đó lạnh quá không ngủ được, thậm chí có lúc mình phải đứng dậy tập vài động tác thể dục vặn người cho ấm. Lúc đó, mình chỉ nghĩ được là bây giờ mà ốm thì còn khốn khổ nữa. Phải ý chí lên, giữ sức khỏe để ngày mai ra tòa còn tỉnh táo đưa ra lý lẽ bào chữa cho bản thân, để thoát được ra khỏi cái phòng giam này”, Mai nói. Cô miên man suy nghĩ rồi thiếp đi.
Sáng hôm sau, Mai bị cảnh sát có vũ trang đưa lên xe áp giải từ trại giam ở ngoại ô vào tòa án ở trung tâm Paris. Nữ luật sư người Pháp do tòa chỉ định trao đổi cụ thể về trường hợp tố tụng của cô.
Nếu Mai đồng ý bị dẫn độ sang Bỉ để xét xử, quy trình dẫn độ mất khoảng 10 ngày, nghĩa là cô sẽ bị giam thêm 10 ngày ở Pháp rồi bị đưa qua Bỉ giam giữ chờ đến ngày xét xử. Nếu cô từ chối bị dẫn độ sang Bỉ và xin được ở lại Paris để tòa án Pháp xét xử thì sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Nếu hôm nay tòa tin Mai vô tội, họ sẽ cho phép cô tại ngoại nhưng cấm xuất cảnh khỏi Pháp. Nếu tòa không tin tôi vô tội, cô sẽ tạm giam cho đến khi nào tập hợp thêm chứng cứ chứng minh vô tội.
Mai ngay lập tức quyết định từ chối bị dẫn độ sang Bỉ và ở lại Pháp vì cô tự tin mình vô tội và có đầy đủ bằng chứng để được tại ngoại. Tại phiên tòa diễn ra chỉ trong 10 phút, Mai bác bỏ cáo buộc cô buôn bán ma túy.
Mai cho hay cô từng học tập và làm việc tại Amsterdam, Hà Lan, trước khi trở về Việt Nam sinh sống từ tháng 3/2010 và cho đến tháng 11/2011 mới quay lại châu Âu, cụ thể là Tây Ban Nha, một lần để công tác.
“Vụ án ở Bỉ xảy ra giai đoạn tháng 10/2010 đến tháng 5/2011, tôi không thể phạm pháp trong giai đoạn này ở Bỉ được vì tôi không có visa để từ Việt Nam sang châu Âu. Hộ chiếu của tôi cũng không có đóng dấu ra vào châu Âu trước trong hay sau giai đoạn này”, cô nói. Ngoài ra, Mai cho biết cô còn có hồ sơ chứng thực làm việc cho công ty ở Việt Nam từ tháng 5/2010 đến tháng 5/2012 và tổ chức đám cưới vào tháng 4/2011.
Luật sư bào chữa cho rằng bản án mà Bỉ kết tội Mai có quá nhiều điểm bất hợp lý và đây có thể là trường hợp bị ăn cắp thông tin để phạm pháp. Thẩm phán sau đó đồng ý cho Mai được tại ngoại nhưng phải báo cáo địa chỉ lưu tại Paris, giao nộp hộ chiếu, cấm cô xuất cảnh khỏi Pháp và chờ ngày hầu tòa tiếp theo.
“Ông thẩm phán tuyên bố rồi gõ ‘cộp’ lên bàn! Giây phút nghe tiếng ‘cộp’ đấy có lẽ là một trong những giây phút hạnh phúc nhất mà tôi từng trải qua trong hơn 30 năm có mặt trên đời”, Mai nhớ lại.
Daniel ôm chầm lấy Mai mừng rỡ, nước mắt ngắn dài khi gặp lại bạn gái sau một ngày xa cách. Sau khi bạn gái đột ngột mất tích ở sân bay, anh đã đôn đáo khắp sân bay, nhờ nhiều người hỏi thăm thông tin từ cảnh sát và cuối cùng được biết Mai đang bị giam. Anh đã đến đồn cảnh sát nhưng không được vào gặp cô. Sau khi báo cho gia đình bạn gái ở Việt Nam biết tình hình, Daniel đã tìm đến tòa án để theo dõi phiên xử.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, sau khi được tại ngoại, Mai đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và được hỗ trợ một số mặt. Phía Đại sứ quán xác nhận việc Mai bị cảnh sát Pháp bắt giữ theo Lệnh bắt giữ châu Âu (EAW) nhằm thi hành bản án 4 năm tù về tội “buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện” do Tòa Tư pháp Antwerpen, Bỉ tuyên ngày 08/05/2013.
Cơ quan này cho biết đã đề nghị Cục Lãnh sự, Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an xác minh thời gian cư trú của Mai tại Việt Nam để phục vụ bào chữa tại toà và cấp giấy xác nhận cho cô. Văn phòng Luật sư Vatier tại Paris cũng đã nhận lời hỗ trợ Mai theo đề nghị của Đại sứ quán và bản thân cô.
Mai cho hay cô và Daniel hiện thuê khách sạn với giá 90 euro một ngày để ở tạm tại Paris trong khi chờ đến phiên tòa tiếp theo dự kiến diễn ra đầu tháng 2. Tuy nhiên sắp tới, họ có thể phải đi tìm thuê căn hộ hoặc xin ở nhờ nhà bạn bè, do chi phí sinh hoạt phát sinh ngoài dự kiến quá lớn, trong khi cả hai còn bị mất thu nhập từ công việc ở Việt Nam. Sự việc cũng khiến gia đình Mai mất ngủ vì lo lắng suốt cả tháng nay.
Hiện Mai đã thuê một luật sư riêng tại Bỉ với chi phí khoảng 3.000 euro để đại diện cho cô tại tòa án nước này xử lý vụ việc, trong khi luật sư tại Pháp tiếp tục đề nghị với tòa án trả hộ chiếu cho Mai về Việt Nam với cam kết cô sẽ có mặt tại lần hầu tòa tiếp theo. Tuy nhiên, tòa án chưa có câu trả lời.
“Sự cố này đã kéo dài hơn mình nghĩ, phức tạp hơn mình tưởng và vượt qua tầm khả năng tự giải quyết của mình và gia đình”, cô nói.
Sau khi chia sẻ câu chuyện trên Facebook, Mai cho biết cô nhận được phản hồi từ nhiều người Việt Nam ở nước ngoài hoặc chính những người bản xứ ở Pháp hay các nước châu Âu kể rằng họ cũng từng gặp phải sự cố tương tự, bị kẻ gian ăn cắp danh tính để hoạt động phi pháp liên quan đến ma túy hay vay tiền.
Cô cho rằng đây là bài học về bảo quản thông tin cá nhân. “Nếu rơi vào trường hợp tương tự, bạn phải hiểu được quyền của mình và chuẩn bị tâm lý để vượt qua và tìm cách giải quyết. Khi ra nước ngoài, các bạn cũng cần phải chuẩn bị một khoản tài chính dự phòng đủ lớn cho các vấn đề liên quan đến rủi ro về luật pháp, sức khỏe, sự cố không may…”.
Những ngày sống lưu vong trên đất Pháp, Mai thấm thía ý nghĩa của hai chữ “tự do”. “Tự do là một thứ lâu nay vô cùng trừu tượng và bị coi là dĩ nhiên với phần lớn chúng ta. Chỉ đến khi bạn mất hết đi những quyền cơ bản nhất của một con người, bạn mới nhận ra là nó quý giá đến như thế nào”, Mai nói. “Và cụ thể trong trường hợp của tôi, đến khi có lại được tự do, tôi mới nhận ra lâu nay mình vốn dĩ đã quá hạnh phúc!”.
Theo quy định của EU, trong vòng tối đa 60 ngày kể từ khi bị bắt, nước bắt giữ phải tiến hành các thủ tục tư pháp để chuyển giao người bị bắt cho nước phát lệnh. Quyết định chấp thuận thực thi lệnh bắt giữ và chuyển giao người bị bắt thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp, hoàn toàn độc lập và không chịu sự can thiệp của các yếu tố chính trị. Pháp có quyền từ chối chuyển giao người bị bắt cho Bỉ trong một số trường hợp. Một là bị can đã bị xét xử với cùng hành vi phạm tội tại Pháp. Hai là bị can là trẻ em vị thành niên hoặc chưa đến tuổi chấp hành án hình sự tại Pháp. Ba là hành vi phạm tội hoặc bị can được hưởng ân xá đối với hành vi này tại Pháp.
Anh Ngọc
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC