Hiện nay cái mác “Việt kiều” không còn được đám trai làng hay các cô gái miệt vườn sông nước miền Tây săn đón như khi xưa nữa.
Nhưng cũng không ít chàng Việt kiều xa xứ, nhất là những người nhiều năm qua chưa một lần về thăm quê hương… vẫn tin rằng mình thuộc dạng có giá thuở nào.
Sự thật hoàn toàn khác. Không ít Việt kiều về đến TP HCM, chứng kiến cảnh đổi thay của đất Sài thành, đã phải ngả nón chào thua kiểu cách ăn chơi của đám nam thanh, nữ tú.
Trong rất nhiều Việt kiều tôi gặp, câu chuyện mà Hoàng Minh Tiến kể cho tôi nghe có lẽ là chuyện khá điển hình cho đặc thù của không ít chàng Việt kiều trên đất Mỹ.
Việt Nam là sướng nhất
Từ bang California (Mỹ), vợ chồng Hoàng Minh Tiến (vợ Tiến là Quỳnh Anh) về quê đón Tết Nhâm Thìn 2012. Sở dĩ Tiến phải theo vợ về ở quận 10 chính là quyết định của Quỳnh Anh.
Câu chuyện đầu tiên mà Minh Tiến kể cho tôi nghe là quê anh ở tận tỉnh Đồng Tháp, anh theo ba mẹ qua Mỹ từ lúc mới hơn mười tuổi. Minh Tiến thú thật, không phải anh không nhớ quê nhưng vì cả gia đình đều ở bên Mỹ.
Bản thân anh gần hai chục năm mới về Việt Nam lần đầu nên mọi chuyện ăn ở đi lại, kể cả gặp ai đều do Quỳnh Anh quyết định. Ở bên Mỹ, tuy cùng tiểu bang với ba mẹ, song cả năm Minh Tiến cũng chỉ được gặp ba mẹ đẻ một hai lần.
Minh Tiến thú thực, lấy vợ đã gần chục năm, nhiều lúc nhớ ba mẹ và người thân vô cùng nhưng không phải cứ nhớ là về ngay được.
Gần cả tuần sau kể từ lúc gặp Minh Tiến lần đầu, song nhìn nét mặt Tiến lúc nào cũng đượm buồn. Cứ nghĩ về quê lạ nước, lạ cái chưa quen khí hậu hay thay đổi múi giờ, nên Tiến không được khỏe mạnh. Tôi nêu lý do, hỏi Tiến anh ta chỉ lắc đầu. Nhìn vợ còn khép nép hơn sợ sếp ở cơ quan nữa. Mời Tiến đi nhậu, lai rai cho biết hương vị Sài Gòn, Tiến nói: “Em cũng muốn lắm nhưng còn xin phép vợ cái đã”.
Lúc đầu tôi cứ nghĩ Tiến chọc ghẹo, nói chơi cho vui, nhưng hỏi kỹ mới hay chuyện Tiến nêu là hoàn toàn nghiêm túc.
Sau rất nhiều lần hò hẹn, cuối cùng tôi và đám bạn cũng “cẩu” được Minh Tiến ra khỏi nhà.
Đến nhà hàng hải sản Ngọc Sương (nằm trên đường Lê Quý Đôn, quận 3, TP Hồ Chí Minh), Minh Tiến cứ ngượng nghịu như gà mắc tóc. Có lẽ cái cảm giác sang trọng và chật chội đã làm cho chàng Việt kiều này khó xử.
Tôi chủ động:
“Ở Việt Nam, tuy không phải là dân giàu có gì, nhưng đã là anh em, là bạn bè chiến hữu là cứ chơi tới bến. Lâu ngày về quê, em cứ “chiến đấu” thoải mái. Các anh chiêu đãi em, không phải lăn tăn gì cả…”.
Uống xong vài ly rượu chát, Tiến mới trầm giọng, tâm tình:
“Ở bển (bên ấy) em là kỹ sư điện tử. Lương mỗi tháng ông chủ trả hơn 3.000 đô la. Em lấy vợ và ở nhà cổ (cô ấy) luôn nên tiền bạc đều do vợ nắm giữ. Không biết những người sống ở Mỹ về Việt Namhọ nói với các anh thế nào. Riêng em cùng đám bạn Việt Nam ở bển, kể cả đứa ở nhà vợ hay mướn nhà ở riêng cũng giống nhau vậy thôi. Chuyện hò hẹn bè bạn ở nhà hàng có lẽ là điều không tưởng.
Ở bển, vợ quản lý chặt lắm. Đụng một tý là mấy bả (bà ấy) dọa gọi cảnh sát. Mà luật pháp ở bển lại bênh vực phụ nữ.
Cứ như vậy, rượu vào lời ra. Minh Tiến không còn nhút nhát hay sợ sệt vợ con quá mức nữa. Bản chất Nam Bộ trong con người Tiến trỗi dậy. Mặt Tiến mỗi lúc thêm đỏ phừng phừng. Lần đầu tiên anh chàng cao giọng:
“Các anh nói đúng. Đường đường mình cũng là kỹ sư chứ có phải lao công cho mẹ con nó đâu (ý Tiến muốn nói mẹ con Quỳnh Anh – TG) các anh cũng đều có vợ con, gia đình, song chẳng ai chịu cảnh lép vế như em cả. Lần này về bển, học tập các anh “lành làm gáo, vỡ làm muôi”, em không phải sợ ai hết…”.
Trời! Minh Tiến cao giọng, nghe “đã” làm sao! Có lẽ từ ngày có vợ đến hôm nay, Tiến mới được tự do hùng hồn thế. Tôi khuyên Minh Tiến: Đường đường là đấng nam nhi, phải có khí phách, phải sống cho ra thằng đàn ông, đó là niềm mong ước của cả kiếp người. Nhưng đừng “giỏi quá” kẻo về Mỹ lại ra gầm cầu nằm, cảnh sát nó tóm thì khốn”. Không nói không rằng, Minh Tiến chỉ gật đầu. Nhìn vẻ mặt Tiến cứ ngay đực, thuỗn ra, tôi biết Tiến nhờ rượu mà mạnh mồm vậy thôi chứ ra khỏi quán này, về đến nhà vợ ở quận 10 là lại đâu vẫn vào đó thôi.
Gần 21 giờ đêm. Nhà hàng Ngọc Sương khách đã lũ lượt ra về. Khi chuẩn bị kêu nhân viên tính tiền, Tiến năn nỉ: “Cho em vài ly nữa. Đằng nào cũng “chết” rồi.
Nếu có tỉnh, Quỳnh Anh cũng không cho em ngủ đêm nay. Uống đi các anh. Có lẽ đời em cũng chỉ được vui thú, tự do đêm nay nữa thôi!”. Tôi không đồng ý để Tiến say xỉn. Nếu say quá, về nhà vợ con có điều gì thì khốn! Nhưng cứ nghe lời van xin, năn nỉ của Tiến thì không sao cầm lòng được.
Thằng Tuấn, bạn tôi, nghe Tiến kể hành kể tỏi chuyện nó bị mắng nhiếc, đánh đập, người Tuấn như sôi lên. Nó giật phắt chai rượu từ tay tôi: “Anh Ba cứ để em. Đêm nay không say mới lạ. Thằng Tiến nó buồn, nó tủi thân không phải chỉ vì bên đất Mỹ có mỗi mình nó khốn khổ, bị vợ con xem thường, hành hạ, mà qua lời nó thì biết, ở bên Mỹ hầu hết đàn ông Việt Nam qua đó, lấy vợ đều bị “quản thúc” như thế cả. Khổ thế, nhục vậy thì xin về Việt Nam mà sống. Què lê, chân cụt, họ còn cưới được cả hoa hậu phường xã nữa kìa. Còn ở bên đó, động tí là vợ dọa bỏ. Mà đã nhiều đứa bị vợ bỏ thật. Thế thì sống làm gì. Đi ở, làm cu ly cả đời à…”. Thằng Tuấn tuôn ra một tràng. Tính Tuấn xưa nay vẫn vậy, cứ gặp cảnh thằng đàn ông nào bị ăn hiếp, bị xem thường là y rằng nó nhảy vào bênh vực.
Riêng Minh Tiến, không phải do Tiến bị say, mà đúng hơn anh ta không có cơ hội được ngồi nghe các anh lớn tuổi hơn mình nhâm nhi ly rượu, khảng khái nói ra sự đời với cái nhìn và triết lý rất rõ ràng đến thế. Trước lúc ra về, Minh Tiến cứ bịn rịn, nắm chặt cánh tay chúng tôi vào lòng. Tiến rưng rưng nước mắt: “Thật tuyệt. Lần đầu tiên từ Mỹ về Việt Nam, các anh đã cho em hiểu rõ hơn cuộc sống và con người nơi đây. Ở Việt Nam, phải chỉ có ở Việt Nam là sướng nhất”.
Một bữa nhậu bị đập nát cái Iphone
Ngay buổi sáng hôm sau, tôi lấy máy, bấm số gọi cho Minh Tiến. Thật lạ, đầu máy cứ tò tí te hoài. Không cần đến nhà, tôi cũng biết chắc chắn bữa nhậu ngoại lệ tối qua có thể Tiến đã bị Quỳnh Anh phạt.
Còn hình phạt như thế nào thì không ai biết được. Tôi mang chuyện kể lại với Tuấn. Tuấn ngồi lặng im một lúc không nói gì. Tôi trách Tuấn: “Rất có thể vì mày thêm vài ly rượu tối qua mà thằng Tiến đã gặp những hệ lụy không ngờ”.
Chuyện của Tiến không phải là câu chuyện đầu tiên chúng tôi chứng kiến. Tiến còn khá trẻ, việc bị vợ quản thúc tại gia, ở bên Mỹ không phải ít. Kể cả nhiều ông thành đạt, về Việt Nam, các ông ấy chả nói rằng: Đi du lịch hay về Việt Nam làm ăn cũng vậy, tốt nhất là đi một mình. Dính chuyện vợ con, về quê không khéo mất hết bạn bè. Ở Mỹ, chuyện sợ vợ cũng là bình thường. Bởi một lẽ, anh muốn trong ấm, ngoài êm, không để cảnh tan cửa, nát nhà thì phải vậy thôi. Ngay cả hai vợ chồng đi chung xe cũng vậy, nếu xe dừng, đàn ông không chạy qua mở cánh cửa xe, thì nhất định mấy bả không chịu xuống. Ở Việt Nam lại khác. Người chồng càng chăm chỉ, thành đạt thì người vợ lại càng yêu thương, chăm sóc nhiều hơn. Rất ít phụ nữ hành chồng như mấy mợ bên Mỹ.
Trở lại câu chuyện của Minh Tiến. Do biết Quỳnh Anh rất khó tính nên chúng tôi dù có thương Tiến đến mấy cũng không thể “cẩu” nó ra khỏi nhà một lần nữa. Chỉ còn khoảng một tuần nữa là ngày vợ chồng Tiến về Mỹ, bỗng dưng tôi nhận được tin nhắn từ số máy lạ. Nội dung tin Tiến nhắn: Chỉ còn 5 ngày nữa là về Mỹ. Nếu được, anh Ba và anh Tuấn cho em cuộc hẹn. Số máy… Đọc xong tin nhắn, tôi liền gọi ngay. Đầu dây bên kia là giọng nói của người đàn ông. Nhưng không phải Minh Tiến. Anh ta cho biết: Tiến nhờ máy của anh ta nhắn tin. Anh ta hẹn chừng 10 phút nữa gọi lại sẽ gặp Tiến.
Vừa nghe máy, Tiến vừa nói vội vàng: “Em bị mất máy rồi. Hẹn đúng 7 giờ tối, anh em mình sẽ gặp nhau ở nhà hàng Ngọc Sương nữa nhé”. Giọng Tiến hớt hải, vội vàng. Chưa để cho tôi nói câu nào, Tiến đã vội cúp máy.
Đúng hẹn. Khi tôi và Tuấn vào nhà hàng Ngọc Sương thì Tiến đã ngồi vào bàn rồi.
Sợ chúng tôi buồn, Tiến gượng cười:
“Vài hôm nữa em qua bển rồi, chẳng biết đến bao giờ anh em mình mới gặp lại. Các anh đừng cười em. Có lẽ cái số em nó vậy. Trời đã định rồi. Có cưỡng lại cũng chẳng được. Về Việt Nam, trong khu phố gần nhà vợ em, có mấy người thường hay nói: “Thôi! Hy sinh đời bố, củng cố đời con. Đời em thì coi như vứt đi rồi. Em cứ mong sao thằng cu Tí nhà em, lớn lên hãy nhìn bài học từ bố nó mà tránh mắc phải lỗi lầm”. Tiến nói nhiều, nhiều lắm. Anh ta mong con, mong cu Tí đừng gặp cảnh như ba nó sau này… Tiến mong chân thành.
Nhưng rồi cũng chính anh ta phải thừa nhận:
“Em mong thì mong vậy thôi, chứ em biết khó lắm. Nó là con trai. Còn bé thì động tí dọa bố mẹ: “Con méc cảnh sát”, nhưng lớn lên, trưởng thành, khi đã là đàn ông thì cũng lại phải chịu cảnh như ba nó vậy thôi”.
Không thấy Minh Tiến mang theo điện thoại, tôi hỏi Tiến: “Chiếc Iphone mới cáu cạnh đâu rồi?”. Lúc đầu Tiến nói bị “cướp giật” mất. Tôi không tin. Vì đi đâu cũng hai vợ chồng. Mà toàn đi taxi, làm sao bị cướp được. Cuối cùng, Tiến thú thật: “Quỳnh Anh đập nát chiếc Iphone ngay tối hôm đi nhậu với các anh về”. Tuấn giận dữ: “Chiếc điện thoại nó có tội tình gì mà Quỳnh Anh lại đập nát vậy?”. Minh Tiến thật thà: “Chiếc Iphone không có tội nhưng em mắc tội. Cái tội lớn nhất của em là vợ gọi không nghe máy. Mà các anh biết không. Chẳng hiểu ở Việt Nam các chị nhà mình có quy định gì không chứ ở bển, vợ em khắt khe lắm. Tội cầm máy, vợ gọi không nghe thì rõ là đang làm chuyện mờ ám. Như vậy là đập luôn và không được van xin”.
Còn nhiều, rất nhiều chuyện cười ra nước mắt mà Minh Tiến kể cho chúng tôi nghe. Những kỷ cương, lề luật gia đình mà Minh Tiến cũng như rất nhiều người đàn ông khác sống trên đất Mỹ phải chịu đựng, chấp hành.
Sợ vợ âu cũng là chuyện bình thường của rất nhiều người. Nhưng tôi cứ thắc mắc hoài: “Tại sao ở Mỹ người phụ nữ tự cho mình nhiều cái quyền hành làm khổ đàn ông đến thế?”
Xuân Xe
Nguồn: Trí Thức Trẻ
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC