Tháng 8.2007, Nguyễn Ngọc Quang rời Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) sang Mỹ du học. Hành trang mang theo chỉ là vốn tiếng Anh ít ỏi cùng 1.500 USD mẹ cho để trang trải những ngày đầu ở xứ người. Quang sống cùng với cậu ruột tại thành phố Portland (bang Maine) và theo học ngành quản trị kinh doanh tại Trường cao đẳng Cộng đồng Southern Maine.
Cơ cực nơi xứ người
Chia sẻ với Thanh Niên, chàng trai 28 tuổi cho biết hồi mới qua Mỹ, hằng ngày anh dậy từ rất sớm, đạp xe khoảng 8 km từ nhà đến trường và chỉ trở về nhà sau 22 giờ. Anh học tốt tất cả các môn song ban đầu khá vất vả với việc nói tiếng Anh lưu loát như người bản xứ. “Ban đầu tôi thật sự không thể giao tiếp với bất cứ ai”, Quang nhớ lại. Quang cũng cho biết khó khăn lớn nhất của anh trong thời gian đầu là ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, thức ăn và phương tiện đi lại. Khi đã hòa nhập được vào xã hội Mỹ, anh luôn nỗ lực tiến lên phía trước. Quang nói mỗi giai đoạn, anh có một mục tiêu riêng để hướng đến nhằm biết mình đang ở đâu và làm gì.
Để có tiền trang trải học phí đắt đỏ trên đất Mỹ, Quang làm đủ nghề, từ làm móng, làm cho nhà hàng, hãng chế biến hải sản, làm thợ xây dựng cho đến dạy kèm, thông dịch và tổ chức các chuyến tham quan trường học cho các em học sinh cấp 3. Hồi còn ở VN Quang từng phụ cha mẹ nuôi tôm, buôn bán ở chợ nên anh đã quen với việc lao động tay chân, không nề hà bất cứ điều gì. Có những thời điểm Quang làm việc 50 – 60 giờ/tuần tại một nhà hàng Thái Lan ở Portland. Là anh cả trong gia đình 4 anh em trai, Quang không chỉ tự lo cho bản thân mà còn phụ giúp học phí cho một em trai sang Mỹ du học sau anh không lâu. Có thời gian Quang phải tạm dừng việc học để tập trung đi làm kiếm tiền lo cho em trai đi học.
Giấc mơ triệu phú
Không lâu sau khi ra trường vào năm 2010, Quang tìm được việc làm trong lĩnh vực tư vấn tài chính và bảo hiểm. Sau thời gian đi làm, anh dần đam mê lĩnh vực kinh doanh và bắt đầu có ý tưởng mở công ty và cơ sở kinh doanh. Quang cũng tự đề ra mục tiêu trở thành triệu phú USD vào năm 30 tuổi. Để đạt được mục tiêu này, Quang quyết định mua một cơ sở kinh doanh mỗi năm nhằm hướng tới sở hữu khối tài sản trị giá 1 triệu USD vào năm 2019. Với số tiền tiết kiệm và vay mượn từ gia đình, Quang sang tiệm làm móng Star Nails tại thành phố Windham thuộc bang Maine hồi năm 2014 và giao cho người chị họ quản lý. Star Nails ăn nên làm ra nên trong năm nay 2017, Quang mở tiếp một tiệm làm móng khác ở thị trấn Cape Elizabeth, bang Maine.
Vào năm 2016, Quang mua lại một cơ sở kinh doanh đã đóng cửa 6 tháng và sửa chữa thành cửa hàng tiện lợi lấy tên Le Variety tại South Portland. Ban đầu khách chủ yếu là người dân xung quanh và sau khi bán thêm bánh mì VN, cửa hàng đã thu hút được rất nhiều khách ở xa đến. Trong vòng 6 tháng, bánh mì của Le Variety được một tờ báo uy tín ở Maine là The Portland Press Herald viết bài giới thiệu đến 2 lần trong mục ẩm thực, theo lời Quang.
Doanh nhân trẻ 28 tuổi cho biết khách hàng của Le Variety đủ mọi thành phần, trong đó có những người rất nghèo phải sống dựa vào tiền trợ cấp hằng tháng của chính phủ. Những lúc họ hết tiền đều tìm đến Le Variety mua thực phẩm, Quang đều sẵn lòng cho thiếu nợ đến tháng sau trả. “Thấy cảnh họ không có tiền mua đồ ăn, em không đành lòng để họ đi về tay không”, Quang nói. Cho đến nay Quang đã tạo công ăn việc làm cho 15 người, chủ yếu là lao động gốc Việt. Tuy vậy, chàng trai mê kinh doanh cho biết công việc chính của anh vẫn là tư vấn tài chính và bảo hiểm. Anh cũng lập công ty bảo hiểm và tài chính Win Financial Strategies vào năm 2015.
Chia sẻ với Thanh Niên, Quang cho hay trong năm tới anh sẽ tập trung mở một văn phòng thuế và bảo hiểm phục vụ cộng đồng người Việt, nghiên cứu và phát triển mô hình nuôi tôm trong nhà tại Mỹ cũng như mở rộng cửa hàng tiện lợi hiện nay, bổ sung thêm nhiều món ăn VN. Quang nói còn 2 năm nữa để cố gắng đạt mục tiêu trở thành triệu phú Mỹ và anh thấy điều này hiện rất khả quan. Quang cũng khẳng định anh đang nghiên cứu hướng đầu tư về VN, nhất là trong lĩnh vực đưa hải sản ở Mỹ như tôm hùm về nước tiêu thụ.
Thanh Niên
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC