Hơn 100 dân Mỹ biểu tình vì tấm biển được cho là kỳ thị người Việt

Người dân bang Illinois, Mỹ phản đối tấm biển treo trước mặt bằng cũ của một nhà hàng Việt Nam với hàng chữ "Chúng tôi đã trở về Việt Nam".

Sau khi ngưng cho nhà hàng Việt Nam Luong-Loi thuê mặt bằng, người chủ đất, ông Robert Sandberg, ở thành phố Wheaton, hạt DuPage thuộc bang Illinois, Mỹ đã dán tờ giấy lên cửa trước với dòng chữ "Chúng tôi đã trở về Việt Nam", Chicago Daily Herald đưa tin ngày 23/9.

Vào chiều ngày 23/9, hơn 100 người dân địa phương đã tập hợp ở góc đường trung tâm giữa hai phố Front và Main để biểu tình và yêu cầu ông Sandberg gỡ tấm biển xuống.

Hơn 100 dân Mỹ biểu tình vì tấm biển được cho là kỳ thị người Việt - 0

Nhà hàng Luong-Loi tại địa điểm mới trên phố Main, thành phố Wheaton, hạt DuPage thuộc bang Illinois, Mỹ. Ảnh: luongloi.com

Bà Jessica Prewitt, một người tham gia biểu tình, cho biết dù ông Sandberg đã dán dòng chữ đó lên cách đây hai năm, mãi đến tận khi bà đăng bức ảnh chụp tấm biển lên mạng xã hội vào ngày 20/9, cộng đồng địa phương mới chú ý tới nó.

"Đối với tôi, tấm biển đó nói rằng, 'Các anh không được chào đón ở đây, hãy cút đi'", bà Prewitt đứng trước cửa hàng kinh doanh quần áo của ông Sandberg trả lời báo chí. "Thành phố Wheaton là một cộng đồng rất khoan dung và đa dạng. Ở đây không có chỗ cho thái độ đó".

Hơn 100 người mang theo các khẩu hiệu như "Sự đa dạng thật đẹp", "Hãy sống tử tế", "Không chốn dung thân cho hận thù" hay "Thành phố Wheaton chào đón tất cả mọi người".

Kate McElwee, một người cũng tham gia biểu tình, cho biết cô mang theo hai con gái để trải nghiệm cái mà cô gọi là "giây phút dạy dỗ".

"Điều này vượt ngoài mâu thuẫn giữa ông Sandberg và những người chủ cũ của nhà hàng. Điều chúng tôi đang làm là dùng quyền tự do ngôn luận một cách hòa bình để lên tiếng phản đối một kẻ thù chống lại sự đa dạng của cộng đồng này", McElwee nói.

Tuy nhiên, không phải tất cả người dân Wheaton đều bất bình với hành động của ông Sandberg. Một vài người lái xe ngang qua đoàn biểu tình và hét lên "Tin tức giả mạo!" hoặc "Nói không với DACA", ám chỉ việc Tổng thống Donald Trump thường xuyên cáo buộc kênh truyền hình CNN và một vài tờ báo lớn như New York Times và Washington Post đưa tin "giả mạo" vì không ngừng chỉ trích chính quyền dưới thời ông Trump. Và vào hồi đầu tháng này, ông chủ Nhà Trắng đã quyết định đóng DACA, một chương trình bảo vệ hàng trăm ngàn người di dân vào Mỹ bất hợp pháp khi còn là nhỏ.

Hơn 100 dân Mỹ biểu tình vì tấm biển được cho là kỳ thị người Việt - 1

Tờ giấy với hàng chữ "Chúng tôi đã trở về Việt Nam" dán trước cửa mặt bằng trước kia nhà hàng Việt Nam Luong-Loi thuê trong suốt hơn 25 năm. Ảnh: Daily Herald.

Trong khi đó, đứng bên trong cửa hàng bán quần áo, ông Sandberg bảo vệ quan điểm của mình trước báo chí. Ông này cho rằng mình có quyền dán dòng chữ đó lên cửa cho đến khi nào người chủ của nhà hàng Luong-Loi viết thư tay xin lỗi vì đã phá hợp đồng thuê mặt bằng và còn nợ ông này 17.000 USD. 

Chủ nhà hàng Việt Nam dừng thuê mặt bằng của ông Sandberg vào năm 2015 và sau đó vài tháng mở lại nhà hàng ở địa điểm mới ở phía bên kia đường. Chủ nhà hàng đã phủ nhận cáo buộc của ông Sandberg.

"Thay mặt cho gia đình Luong-Loi, tôi muốn cảm ơn Jessica và tất cả mọi người ở đây đã ủng hộ và quan tâm đến vấn đề này. Cảm ơn các khách hàng, thành phố Wheaton, và toàn bộ cộng đồng vì không ngừng ủng hộ gia đình và công việc kinh doanh của chúng tôi", chủ nhà hàng Việt Nam viết trên mạng xã hội Facebook. "Còn về ông Mr. Sandberg và tấm biển 'Chúng tôi đã trở về Việt Nam', chúng tôi muốn cảm ơn ông Sandberg vì đã cho Luong-Loi thuê mặt bằng trong suốt hơn 25 năm qua. Chúng tôi không nợ gì ông Sandberg."

Ông Sandberg cho biết lý do ông này treo tấm biển đó lên là vì quá mệt mỏi với việc phải trả lời những người đến cửa hàng của ông và hỏi chuyện gì đã xảy ra với nhà hàng Việt Nam từng ở đây gần 30 năm qua. 

"Nghe này, những gì mà những kẻ quá khích ngoài kia đang làm thật nhỏ mọn. Tôi không phân biệt chủng tộc. Tôi có bạn bè là người da đen", ông Sandberg nói về những người biểu tình. "Đây là mâu thuẫn giữa tôi và người thuê đất trước đây. Họ đã nói dối tôi và họ còn nợ tôi tiền. Giờ thì người ta gọi điện cho tôi và nói tôi là kẻ phân biệt chủng tộc".

"Họ đã nói dối tôi. Họ đâu có trở về Việt Nam. Hãy giải thích điều anh đã làm hoặc chỉ cần nói 'Chúng tôi nói dối ông. Chúng tôi đã sai'", ông Sandberg khẳng định sẽ gỡ tấm biển xuống nếu chủ nhà hàng Luong-Lo viết thư xin lỗi.

Hiện nhà hàng Luong-Loi phục vụ ăn trưa và ăn tối tại mặt bằng mới trước kia cũng thuộc sở hữu của ông Sandberg, đối diện với địa điểm cũ. Thành phố đã mua lại tòa nhà bỏ hoang nhiều năm này vào 2006 sau 6 năm đấu tranh pháp lý với ông Sandberg. Vào cuối năm 2014, ủy ban thành phố bán lại tòa nhà cho chủ của Luong-Loi với giá hơn 160.000 USD.

Nguồn: VnExpress


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan