Có lẽ nhiều người sẽ vội vàng đánh đồng chuyện của Trang với một "nàng Lọ Lem" hay "giấc mơ Mỹ" nào đó, nhưng sự thực thì cuộc sống xa xứ không phải chỉ toàn màu hồng, đó còn là một hành trình nhiều thử thách.
Thùy Trang và ông xã quen nhau khi Trang đi làm thêm. Lúc đó, anh Lynn McCargar sang Việt Nam kinh doanh nhưng gặp thất bại. Vì không hiểu văn hóa và cách thức làm việc của dân Việt nên anh Lynn quyết định lưu lại đây một thời gian để tìm hiểu.
Cho đến khi gặp Trang, anh chưa từng nghĩ sẽ có nhiều duyên nợ với mảnh đất này như vậy. Năm đó cũng đánh dấu 3 năm anh lăn lộn tại đây.
Trang và ông xã ngày trước.
Trang và Lynn quen và yêu nhau gần 1 năm thì anh trở về Mỹ. Hai người yêu xa 1 năm rồi chuyển về sống chung 1 năm thì làm đám cưới. Ngày Trang mang bầu 4 tháng thì Lynn về Mỹ lo các thủ tục giấy tờ để đón vợ con sang đoàn tụ.
Bé trai đầu lòng của Trang và Lynn sinh ở Việt Nam, Trang sinh con một mình mà không có sự hỗ trợ của ông xã. Cô còn nhớ mãi cảm giác tủi thân khi nhìn những bà mẹ nằm chung phòng bệnh, có chồng đi theo chăm sóc, trong khi mình chỉ có mẹ hỗ trợ.
Sau khi hoàn tất giấy tờ, Trang theo chồng sang Mỹ bắt đầu cuộc sống hoàn toàn mới. Có lẽ nhiều người sẽ vội vàng đánh đồng chuyện của Trang với một "nàng Lọ Lem" hay "giấc mơ Mỹ" nào đó, nhưng sự thực thì cuộc sống xa xứ không phải chỉ toàn màu hồng tươi đẹp, nó là một hành trình tồn tại gian nan và luôn chứa vô vàn thử thách.
Ngày mới qua Mỹ, hai vợ chồng cũng đã tính toán, nếu ở thành phố thì chỉ có thể mua nhà công nghiệp xây hàng loạt, khi bán rất mất giá. Trong khi với số tiền đó, ra ngoại ô, đất rộng, nhà thì xây theo yêu cầu của mình, từ thiết kế cho đến vật liệu, có giá trị hơn.
Vậy nên Trang và ông xã chọn mua nhà ở ngoại thành. Chỗ hai vợ chồng ở là một nơi khá vắng vẻ, mỗi nhà cách nhau xa. Ông xã Trang có một khu nho nhỏ để làm vườn, trồng cây nho nhỏ như cà chua, dâu tây, ớt chuông…. Cuộc sống êm ả, có phần buồn tẻ nhưng mang lại sự yên tĩnh và an tâm cho cả nhà.
Khung cảnh trước nhà trong những ngày tuyết trắng phủ.
Ở Mỹ 4 năm, Trang gặp gấu 3 lần. Theo giải thích của cô thì thú hoang thường không thích đến khu vực có người ở nhưng do lúc đó hai vợ chồng cô mới mua nhà, trước đấy thì chủ cũ đã chuyển đi cả tháng trời, gấu xuống nhiều nên quen. Sau này, khi đã vào ở rồi, vợ chồng hay hù dọa nên gấu cũng sợ.
Ngoài ra, việc ở ngoại ô cũng có cái lợi là buổi tối không lo trộm vì giờ đó là thú đi săn đêm, không ai dại dột rình mò để làm mồi cho thú dữ hết. Trang kể, nhờ vậy mà đêm vợ chồng con cái an tâm ngủ thẳng giấc. Ở nơi ít người, cả nhà cũng học được tính cảnh giác, quan sát xung quanh khi phát hiện người lạ, tránh được mấy trường hợp đáng tiếc hay xảy ra như trong thành phố lớn.
Sang Mỹ, một trong những việc đầu tiên Trang làm là học bằng lái xe, vì nếu không biết lái xe thì không thể làm gì được, ở ngoại ô muốn đến chỗ nào cũng xa xôi chứ không gần và tiện lợi như trong phố. "Ở Mỹ phức tạp hơn Việt Nam nhiều vì con người đa dạng. Mấy bạn trẻ qua đây dễ bị choáng ngợp bởi cái phồn hoa hiện đại nên không lường trước được những tình huống nguy hiểm", Trang kể.
Ngoài việc chăm con, Trang cũng giống như những bà nội trợ khác phải tính toán khá đau đầu về việc chi tiêu gia đình. Một tháng thu nhập của cả nhà được khoảng 7.000 USD, được miễn thuế thu nhập, chi cho sinh hoạt của 4 người, ăn uống, mua sắm, tiền trả nợ nhà và xe, đi lại, trừ hết các khoản cũng không dư dả được bao nhiêu. Tiền nhà trả dứt điểm sau 30 năm, tiền xe trả trong 7 năm, năm nay gia đình chị mới trả đến năm thứ 4, vẫn còn 3 năm cần trả nữa.
Trang sống như một người Mỹ chính hiệu, vui vẻ với số tiền nhà xe cần trả ngân hàng mỗi tháng nhưng bù lại cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái, không quá áp lực về tiền nong.
Tổ ấm nhỏ của Trang hiện tại.
"Ở Mỹ, nhiều người chọn cách trả nợ dần trong 30 năm, hết 30 năm là có nhà, mỗi tháng thoải mái. Tính ra một người bình thường, mua nhà lúc 30 tuổi, đến khi về hưu là họ cũng có nhà luôn,quá thuận tiện. Dân Mỹ không có khái niệm phải dồn dập làm rồi trả dứt căn nhà như Việt Nam mình", cô gái 8X bộc bạch.
Trang là một minh chứng cho những ai đang ảo tưởng về cuộc sống xa hoa ở Mỹ, bởi với cô, mỗi ngày sống ở đây đều là một ngày nỗ lực, tự làm, tự đứng lên và gây dựng mọi thứ.
May mắn là ở bên Trang luôn có chồng hỗ trợ.
Thời gian cô sinh con thứ hai, từ lúc có bầu đến khi đẻ là ông xã luôn theo sát. Đi khám thai toàn là anh ngồi nói chuyện, hỏi han bác sỹ, vợ chỉ ngồi nghe.
Đến khi sinh con thì thương vợ, anh chứng kiến từ đầu tới cuối quá trình con chào đời, tự tay cắt cuống rốn và cầm cả bọc nước ối lên cho vợ xem.
Trong mắt Trang, anh Lynn không phải là mẫu đàn ông hoàn hảo nhưng những ưu điểm của anh thì vừa đủ để cho cô và các con một gia đình hạnh phúc. "Ông xã mình có trách nhiệm, biết lo xa, đặt gia đình lên trên hết, không bạn bè, rượu bia thuốc lá gì hết nhưng tính tình hơi gia trưởng. Anh thích chơi với con, thích dạy con", Trang nói ngắn gọn về chồng.
Cuộc sống ở Mỹ đầy khắc nghiệt nhưng Trang vẫn vui vẻ chấp nhận đánh đổi để ở bên người mình yêu thương.
Theo Trí Thức Trẻ
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC