Tôi là một người đàn ông đã ngoài 40 tuổi. Tôi sinh sống và làm việc ở nước ngoài (cụ thể là Mỹ) đã được khoảng 25 năm. Tức là tôi đã sang đây từ lúc tôi bắt đầu học cấp 3. Thay vì học ở một trường cấp 3 trong thành phố, tôi đã quyết định sang Mỹ du học để có thể tiếp thu được những tinh hoa văn hóa, những thành tựu học thuật, phát triển tư duy và hơn nữa là khi đó, với sự thích thú được tư do bay nhảy, khám phá của tuổi trẻ, tôi thật sự muốn trải nghiệm một cuộc sống mới ở một đất nước khác, đặc biệt là một nơi phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ. À, tôi xin được học bổng học phí, tiền sinh hoạt phí phải tự túc nhưng nhà tôi cũng khá giả nên lo cho tôi được. Nói vậy để các bạn không vội kết luận là vì bố mẹ tôi giàu nên mới cho tôi đi du học sớm như thế.
Ngay khi mới đến Mỹ, tôi nhận thấy quả thật nơi này khác xa với Việt Nam, mọi thứ đều trở nên xa lạ và mới mẻ đối với tôi, một thằng con trai mới lớn thích giao du, khám phá cuộc sống tấp nập, mới lạ bên ngoài. Đúng là không phải ngẫu nhiên mà Mỹ là quốc gia đứng đầu danh sách được các sinh viên, học sinh quốc tế lựa chọn là địa điểm học tập nhiều nhất thế giới. Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi bắt đầu hành trình trải nghiệm tuổi trẻ ở nơi hào nhoáng này biết bao.
Cũng xin khẳng định với bạn rằng, chính vì có cơ hội được ra nước ngoài học tập từ sớm nên các kỹ năng và kiến thức mà tôi tích lũy được hoàn toàn áp dụng được trong cuộc sống. Mặc dù sinh sống ở nước ngoài lâu năm, nhưng tôi vẫn luôn cập nhật những tin tức về Việt Nam, đặc biệt là nền giáo dục của nước nhà. Tôi nhận thấy, các bạn trẻ ở Việt Nam, đặc biệt là các bạn sinh viên, bỏ 4 năm để học đại học, cuối cùng lại chẳng vận dụng được vào trong thực tế, thậm chí có nhiều bạn học để lấy bằng xong lại “bỏ xó” và đi làm công nhân hoặc làm những công việc trái với ngành nghề mà mình đã được học.
Giáo dục ở Việt Nam mình còn quá nhiều hạn chế. Đa phần chỉ dạy lý thuyết suông, còn thực hành lại không áp dụng bao nhiêu làm cho các bạn trẻ khi ra đời không biết phải làm việc như thế nào. Hơn nữa, chúng ta chỉ nhồi nhét những cái có sẵn vào trong đầu các em, gò bó chúng vào một khuôn khổ nhất định mà không tạo cơ hội để chúng phát triển tư duy, sáng tạo những điều mới mẻ. Như vậy thì làm sao các em có thể phát triển hết được khả năng của mình?
Nền giáo dục ở Mỹ thì lại khác. Mỹ chú trọng và quan tâm đến từng đối tượng người học. Với phương pháp đào tạo tiên tiến, Mỹ giúp người học hát huy được hết khả năng, thỏa sức sáng tạo chứ không ra sức nhồi nhét; đồng thời rèn cho người học chủ động trong công việc và biết cách áp dụng lý thuyết vào thực tế. Ngoài ra, giáo dục của Mỹ còn giúp bạn mở mang kiến thức, mở rộng tầm mắt nhìn ra thế giới; phát triển được tư duy; nâng cao kinh nghiệm sống, kỹ năng sống;… từ đó bạn sẽ có cái nhìn bao quát hơn, sâu sắc hơn, có thể vững vàng hơn trong cuộc sống.
Chính vì thế, khi còn trẻ, bạn sang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài là một quyết định đúng đắn. Tuổi trẻ là phải xông xáo, phải học tập, phải làm việc, phải trải nghiệm hết mình; chính vì thế, bạn hãy dám bước đi, dám phấn đấu và dám làm dám chịu,… chứ không được để tuổi trẻ trôi qua trong vô nghĩa, đừng lãng phí sức trẻ quá nhiều cho những điều không đáng.
Đó là khi bạn còn trẻ, nhưng khi bạn đã luống tuổi, đã già, như tôi đây, sắp già rồi, thì hãy quay trở về Việt Nam. Thật đấy bạn ạ!
Có thể bạn cho rằng tôi quá ngu ngốc! Tại sao không định cư ở nước ngoài, ở Mỹ? Tại sao không sống ở một đất nước phồn vinh, một đất nước phát triển để có thể sống thoải mái, sống khỏe khoắn? Tại sao lại trở về Việt Nam, một đất nước mà không thể nào có thể so sánh với Mỹ, một đất nước với bao tệ nạn xã hội đang ngày càng gia tăng?
Thực ra, trước đây tôi cũng đã từng nghĩ, mình nên định cư luôn ở nước ngoài để nhận một cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn. Nhưng, cuộc trò chuyện giữa tôi và hai vợ chồng già trên chuyến bay trở về Việt Nam mấy tháng gần đây đã làm cho tôi thay đổi suy nghĩ của mình!
Hôm đó, tôi bay về Việt Nam để thăm gia đình, vô tình trên máy bay, tôi được ngồi cạnh đôi vợ chồng già. Vừa hay hỏi chuyện, tôi mới biết hai người đã sinh sống và làm việc ở Mỹ hơn 60 năm và bây giờ họ về Việt Nam và sẽ ở luôn tại đó. Tôi đã hỏi rằng:
– Hai bác tại sao không sinh sống tại Mỹ luôn cho tốt mà về Việt Nam làm gì ạ?
Hai người nhìn nhau cười và đáp:
– Về an hưởng tuổi già chú ạ.
– Ở Mỹ không tốt hơn sao bác? Môi trường tốt này, thực phẩm sạch này, đảm bảo sức khỏe, nhất là với những người già cả như hai bác đó. Việt Nam dạo này nhiều tệ nạn lắm, không có cái gì gọi là đảm bảo cả!
– Thôi thôi, mình già cả rồi, còn sống được bao lâu nữa đâu mà lo lắng, mà sợ chi nhiều. Với ở Mỹ, mình cô đơn lắm chú ạ, cả ngày chỉ có hai vơ chồng già quây quần bên nhau. Lắm lúc nghĩ, nếu như mà tôi hay ổng mà ra đi trước, thì người còn lại biết sống sao? Thà như về với quê hương, có khó khăn một chút nhưng quan trọng là mình được sống ở nơi mà mình đã từng sinh ra và lớn lên, ở nơi mà mình yêu thương, ở nơi có gia đình mình, được nghe tiếng quê mình, được ăn những món ăn mang hương vị đặc trưng quê mình, thích lắm chú ạ. Chỉ cần đơn giản như thế là chúng tôi đã vui lắm rồi!
Nghe xong lời tâm sự của hai vợ chồng già ấy, tôi mới chột dạ. Tôi thử tưởng tượng đến cảm giác phải sống cô độc một mình nơi đất khách quê người sẽ ra sao? Thử tưởng tượng, khi về già, sống giữa guồng quay của cuộc sống tấp nập, mình sẽ cảm thấy lạc lõng như thế nào, chán chường như thế nào, buồn bã như thế nào?
Tôi chợt nhận ra rằng, có lẽ, dù Mỹ có phát triển đến như thế nào, chế độ phúc lợi xã hội có cao ra làm sao, cuộc sống có thoải mái, có sung sướng đến thế nào đi nữa thì nó vẫn thiếu một cái gì đó – một cái gọi là gia đình, là quê hương, là tổ quốc!
Chính vì thế, lúc còn trẻ thì hãy sống ở nước ngoài, còn khi đã về già, hãy quay trở về với Việt Nam, với quê hương bạn nhé!
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC