Bên ngoài một khu bầu cử sớm ở quận Prince George, bang Maryland - Ảnh: HỮU TÀI
Ngoài ra còn có tên và hình ảnh của các thượng nghị sĩ và tòa án của bang Maryland. Sau gần 25 năm sống ở Mỹ, đây là lần thứ năm tôi đi bầu.
Bốn lần trước thì luôn bỏ phiếu vào ngày thứ ba đầu tiên của tháng 11. Nhưng năm nay do bận nên tôi tranh thủ đi bầu sớm ngay tại địa điểm gần công ty.
Được phục vụ tận răng
Vì Maryland là "thánh địa" của đảng Dân chủ, đội ngũ của ông Trump chẳng thèm chi tiền quảng cáo nên toàn thấy bảng hiệu của bà Harris và ông Wilz - ứng viên tổng thống và phó tổng thống của Đảng Dân chủ.
Đi bỏ phiếu mới thấy họ phục vụ mình tận kẽ răng. Từ lúc bước vào cổng đã có người chào đón, hướng dẫn tận tình, kỹ lưỡng. Nhân viên nơi đây toàn những người lớn tuổi, nghỉ hưu, xung phong hay được tuyển làm thêm trong giai đoạn này.
Tôi được yêu cầu tắt nguồn điện thoại. Sau khi kiểm tra tên, tuổi, địa chỉ mà không cần phải đưa bất kỳ giấy tờ nào chứng minh (vì gian lận bầu cử là trọng tội nên chẳng ai dại gì vi phạm), tôi chọn bầu trên máy. Nhân viên dắt tôi tới máy ngồi, gõ số phiếu và chỉ tường tận. Sau đó họ để tôi tự do với lá phiếu của mình.
Ngoài bầu tổng thống, tôi còn chọn thượng nghị sĩ đại diện của Maryland cho quốc hội và quan tòa của quận và tiểu bang. Sau đó bỏ phiếu cho quy định về phá thai và nhiều dự án mượn nợ của chính phủ để thi công các công trình công cộng.
Sau năm phút, tôi đã hoàn thành lá phiếu của mình. Tôi in ra kẹp vào tập hồ sơ. Một nhân viên dắt tôi tới một trạm khác, yêu cầu tôi tự tay bỏ vào máy đọc kết quả. Sau khi máy nhận xong dữ liệu, mọi thứ xong xuôi, bà nhân viên cảm ơn, chúc một ngày tốt lành và cười tươi bảo tôi ra cổng nhớ lấy cái sticker "I Voted" (đã bỏ phiếu xong) về làm kỷ niệm.
Một điểm hỗ trợ đăng ký cử tri tại thành phố Garden Grove, quận Cam, bang California (ảnh chụp ngày 20-9-2024) - Ảnh: Southland Integrated Services
Thời khắc sôi động nhất nước Mỹ
Thủ đô Washington D.C. và các quận/thành phố lân cận là thành trì của đảng Dân chủ. Đảm bảo một điều rằng dù cả nước Mỹ có chuyển sang đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) thì D.C. vẫn mãi xanh. Nên các bảng quảng cáo ở D.C. chủ yếu của bà Harris và ông Walz. Đi xa hơn một chút ra ngoại ô hay vùng quê, màu đỏ của ông Trump và ông Vance (ứng viên tổng thống và phó tổng thống của Đảng Cộng hòa) mới xuất hiện.
Sáng đi làm mở radio, nghe bầu cử. Vô công ty, nghe bàn về những chính sách của hai ứng cử viên. Chiều về nhà mở tivi, toàn tin tức bỏ phiếu.
Có lẽ đây là một trong những thời khắc sôi động và thú vị nhất của nước Mỹ, khi cả thế giới đang dõi mắt hồi hộp mong chờ vị tổng thống kế tiếp của đất nước hùng mạnh này.
Giữa Eden Center, trung tâm thương mại lớn nhất của cộng đồng người Việt tại thành phố Falls Church (Virginia), nơi vào tháng 8 vừa qua, ông Trump bất ngờ xuất hiện trong nhà hàng Trường Tiền để ăn trưa lấy lòng cử tri, không khí bầu cử khá sôi động. Đi ngang ngó nghiêng, cũng nghe những người gốc Việt ở đây nói về chuyến thăm của ông Trump vừa qua và sẽ bỏ phiếu cho ai. Nhưng điều đó có lẽ cũng không "tô đỏ" những thành phố sát vách thủ đô Hoa Thịnh Đốn này được.
Nhưng không vì thế mà cư dân D.C. tự tin cho chiến thắng sắp tới của đảng mình như cách Tổng thống Biden đã làm bốn năm trước. Chính quyền và cả cư dân chuẩn bị tâm lý cho khá nhiều kịch bản vào thứ ba tuần sau. Một là bà Harris thắng cử và ông Trump với những người ủng hộ sẽ biểu tình phản đối kết quả bầu cử như họ đã làm bốn năm trước. Thứ hai là ông Trump thắng và dân D.C. sẽ đau buồn gạt bỏ mọi thứ để chấp nhận sự thật này. Và họ sẽ phải chịu đựng một nhiệm kỳ bốn năm dài chướng mắt, khi ngày nào ông Trump cũng xuất hiện trên đất đai của họ.
Những lần bầu cử trước, những người ủng hộ hai đảng lớn cũng ghét và khinh miệt lẫn nhau. Nhưng từ khi ông Trump xuất hiện trên diễn đàn chính trị, sự mâu thuẫn và chia rẽ được đẩy lên tới đỉnh điểm.
"Nội chiến" trong gia đình vì chọn phe
Minh Tú, sống ở Phoenix (bang Arizona) đã hơn 10 năm, kể trong gia đình Tú hôm qua mới "nội chiến" một trận về việc bầu cho phe nào. Người dân Arizona cũng chia phe ghê lắm. Những người đi làm hãng xưởng hầu như ít mặn mà với việc ai lên làm tổng thống, vì người nào lên, họ cũng đóng thuế nhiều hơn chứ không thể ít hơn.
Người châu Á như Hàn Quốc và Việt Nam ở Arizona vẫn mê ông Trump như điếu đổ. Đường phố Arizona trưng hình, khẩu hiệu tranh cử bà Harris nhiều hơn ông Trump. Dự đoán Arizona năm nay vẫn giữ màu xanh như cách bốn năm trước họ đã từng làm.
Tú bảo những người lớn tuổi gốc Việt bên đó ít người đi bầu, chủ yếu ngồi nghe YouTube, coi Facebook xong rồi mê... ông Trump. Một phần vì họ không biết đăng ký như thế nào và tới ngày bầu cử thì bận đi làm. Còn bỏ phiếu qua thư thì cũng phải đăng ký và ngồi đọc cả buổi mới xong tờ phiếu.
California là thành trì vững chắc của đảng Dân chủ với số phiếu đại cử tri nhiều nhất. Nhưng chắc chắn một điều quận Cam tập trung đông người Việt thì đỏ rực.
Anh Cường ở quận Cam kể mọi khi giờ này không khí bầu cử rất rộn ràng. Sáng sớm ra ăn sáng, cà phê, nghe mọi người bàn luận rôm rả lắm. Nhưng năm nay tình hình chán hẳn vì cách đây không lâu, ông Andrew Do - vị cựu giám sát viên của quận Cam - bị bắt vì tội nhận hối lộ và tham nhũng, làm rúng động cộng đồng Việt Nam, nên bà con thờ ơ luôn chuyện bỏ phiếu và ai sẽ làm tổng thống.
Trái ngược với California, Texas lại là bang siêu đỏ. Nhưng lần bầu cử gần đây, đảng Dân chủ lại chiếm ưu thế ở quận Harris và thành phố Houston.
Vào năm 2020, tại quận Harris, Tổng thống Biden đã đánh bại ông Trump ở mức 56% - 43% nhưng lại thua 6% tổng phiếu ở toàn bang. Những năm gần đây có rất nhiều người ở các bang xanh, đặc biệt là California xuống Texas và chọn Houston làm nhà.
Nên những người theo đảng Dân chủ ở đây luôn hy vọng một ngày nào đó Texas sẽ trở thành một bang chiến trường khốc liệt cho thêm phần thú vị. Nhưng điều đó coi bộ khó khả thi trong một thời gian ngắn.
Anh Thành, chủ một nhà hàng ở Texas, cho biết tối hôm trước tụ tập ở nhà một người bạn ăn uống. Mọi người vỗ vai anh bảo nhớ bầu đỏ đừng bầu lộn qua xanh nhen. Anh Thành nói đừng lo bỏ phiếu kiểu gì thì bang này cũng đỏ lè rồi. Một người bạn sau khi lờ mờ đoán anh là người của đảng Dân chủ đã... hủy kết bạn với anh trên Facebook.
Nhưng dù theo Dân chủ hay Cộng hòa, có mâu thuẫn lẫn nhau thế nào đi chăng nữa, tôi nghĩ hầu như người Việt và các sắc dân khác ở Mỹ đều mong muốn vị tổng thống sắp tới sẽ đưa ra đường lối kinh tế mới để giảm tình trạng lạm phát vẫn còn ngất ngưởng, hạ lãi suất, giảm giá nhà khi mọi thứ ngày càng vượt quá tầm tay của những người đóng thuế xứ Mỹ.
Nguyễn Hữu Tài
60,6 triệu cử tri bỏ phiếu sớm
Theo số liệu của báo New York Times, tính đến ngày 1-11 (giờ Việt Nam), số cử tri tham gia bỏ phiếu sớm trên toàn nước Mỹ đạt 60,6 triệu cử tri, chiếm khoảng 30% tổng số cử tri đã đăng ký đi bầu trên cả nước.
Theo khảo sát vào tháng 9-2024 của AAPI (tổ chức của người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương), 42% cử tri gốc Việt theo hoặc nghiêng về đảng Dân chủ, 37% theo hoặc nghiêng về đảng Cộng hòa, 19% không thuộc đảng nào.
Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Online tại đây.
NGUYỄN HỮU TÀI (TỪ MARYLAND, MỸ)
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC