Ăn cắp vặt trong siêu thị
Có thể nói, tật xấu nhất của người Việt bị nước ngoài lên án là ăn cắp vặt. Tháng 6 năm 2013, một bức ảnh chụp biển cảnh cáo hành vi ăn cắp vặt có in tiếng Việt (dưới là dòng chữ dịch sang tiếng Nhật) gây xôn xao cộng đồng mạng.
Tấm biển cảnh cáo có nội dung: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt thì chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức…” Theo anh Đặng Công Trọng, một du học sinh Nhật, tác giả bức ảnh này, bức ảnh được chụp trong một siêu thị ở thành phố Saitama, Nhật Bản.
Đa phần cộng đồng mạng đều cho rằng tấm biển chủ yếu nhắm tới đối tượng là khách hàng Việt. Nhiều người cho rằng đây là điều đáng xấu hổ bởi nó là bằng chứng rõ ràng về thói ăn cắp vặt của người Việt ở Nhật Bản.
Theo anh Trọng, hành vi ăn cắp vặt của người Việt tại Nhật xảy ra phổ biến đến mức “Lên tàu nhiều khi thấy người Việt, người Nhật còn kéo khóa túi lại rồi ôm khư khư trước bụng”.
Tháng 12/2013, một nhóm gồm 4 thanh niên Việt khoảng 20 tuổi đã bị phát hiện ăn cắp hàng trong các siêu thị quần áo và mỹ phẩm tại Tokyo. Hàng chủ yếu của các thương hiệu nổi tiếng như mỹ phẩm Shiseido, Uniqlo. Phần lớn hàng ăn cắp được chuyển đến nhà của một phụ nữ Việt khoảng 30 tuổi rồi chuyển đến một khách sạn gần sân bay Narita, nơi các thành viên đoàn bay ở. Chỉ tính riêng trong tháng 1 đầu năm nay, quận Fukuoka đã bắt 5 nhóm trộm cắp người Việt.
Không chỉ có tật ăn cắp vặt, thời gian gần đây dư luận còn đưa tin khá nhiều về cuộc sống của một số người Việt ở Nhật như thiếu trật tự, lộn xộn, trốn vé tàu…, thậm chí sống ngược lại với văn hóa Nhật, tạo nên sự kỳ thị của người Nhật với người Việt Nam.
Ăn uống lãng phí ở nước ngoài
Không hiếm thấy những tấm biển được viết bằng tiếng Việt được đặt ngay các cửa hàng, cảnh báo thói quen ăn uống thiếu văn minh của người Việt. Tháng 9/2012, cộng đồng mạng Việt Nam lan truyền một tấm biển bằng tiếng Việt, được đặt tại một nhà hàng buffet Thái Lan với nội dung “Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 bath đến 500 bath. Xin cảm ơn”.
Nhiều người còn cho rằng, những tấm biển với nội dung tương tự thế này xuất hiện không ít tại các nhà hàng Thái.
Không chỉ ở Thái Lan, tấm biển đặt tại một nhà hàng buffet ở khu trung tâm của Singapore với dòng chữ: “Xin vui lòng không lãng phí thức ăn. Phạt $5 cho mỗi 100g thức ăn thừa. Xin cảm ơn!”
Thực tế, những người Việt có khả năng đi du lịch hoặc sinh sống ở Thái, Sing, lại có điều kiện ăn buffet chắc hẳn không phải là người… đói. Trái lại phải là những người có dư điều kiện và lịch lãm. Hay chăng, người ta ăn vì thói “tò mò” muốn nếm những đồ ăn lạ miệng, màu sắc hấp dẫn nhưng nếm rồi mới thấy khó nuốt nổi…, hoặc cũng có thể do lo sợ bị “hết phần” nên mới lấy thừa mứa ra mà không ăn hết.
Những cảnh báo này đã phần nào phản ánh thói lãng phí của người Việt, lấy đồ ăn vô tội vạ cho số tiền bỏ ra rồi để thừa thãi trên bàn khi đứng dậy tính tiền.
Tật vứt rác bừa bãi
Ngoài những thói xấu kể trên, người Việt ở nước ngoài còn bị lên án bởi thói vứt rác bừa bãi. Mới đây, dân mạng lan truyền, bàn tán bức hình chụp một tấm biển ghi cấm vứt rác bừa bãi bằng tiếng Việt tại Hàn Quốc. Nội dung của tấm biển có ghi: “Khu vực này cấm vứt bỏ rác thải sinh hoạt, nếu như không đúng luật sẽ bị phạt 1 triệu won (19 triệu đồng)”.
Hình ảnh chụp tấm biển được cho là ở quận Chilgok, tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc. Bên dưới tấm biển ghi danh tính của chủ tỉnh quận Chilgok cùng số điện thoại liên lạc. Nội dung tương tự của dòng cảnh báo cũng được dịch sang tiếng Indonesia ngay bên dưới dòng tiếng Việt.
Ngay khi bức hình được đăng tải đã gây nên làn sóng tranh cãi trên nhiều diễn đàn mạng. Không ít người cho rằng, đây là bằng chứng cho thấy hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người Việt ở nước ngoài. Nhiều người còn chua chát nói, những hành vi xấu xí của một bộ phận người Việt đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới.
Nữ tiếp viên hàng không bị cảnh sát Nhật bắt giữ
Vụ việc khiến dư luận quan tâm gần đây nhất là nữ tiếp viên hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Nguyễn Bích Ngọc bị cảnh sát Tokyo bắt giữ vào ngày 26/3. Nữ tiếp viên này bị nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng ăn cắp, trị giá khoảng 25,7 triệu đồng và được cho là có ý định buôn lậu quần áo ăn cắp theo đặt hàng của một phụ nữ Việt 30 tuổi, sống ở Nhật.
Không chỉ riêng Nguyễn Bích Ngọc, cảnh sát Tokyo còn nghi ngờ khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines cũng tham gia vào đường dây buôn lậu này. Do vậy, họ đã kiểm tra văn phòng của Vietnam Airlines tại Tokyo.
Trước đó, năm 2009 một cơ phó của Vietnam Airlines từng bị trục xuất về nước cũng vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam. Tòa án quận Saitama đã tuyên phạt phi công Đặng Xuân Hợp 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, với thời gian thử thách là 4 năm, đồng thời tuyên phạt phi công này 500.000 yen Nhật.
Sự việc này một lần nữa làm dấy lên luồng ý kiến tranh cãi về thói xấu của người Việt tại nước ngoài. Nhiều người cho rằng, chính những hành vi đó đang làm xấu đi hình ảnh người Việt ở các nước bạn. Thậm chí ở nhiều quốc gia, người ta còn tỏ vẻ kỳ thị mỗi khi gặp người Việt.
Nguồn: Soha.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC