Sống ở những miền đất lạ, đến dịp Tết, họ vẫn thường phải tất tả lo toan công việc theo thông lệ của nước sở tại. Thế nhưng, dường như trong lòng tất cả những người Việt xa quê hương, “mùi vị” của Tết quê nhà vẫn luôn thấm đẫm. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhiều người Việt ở các nước về câu chuyện Tết xa quê hương nhân dịp xuân Mậu Tuất đang về.
Những ngày mới sang, cứ tết là… khóc
Dường như mỗi khi Tết Dương Lịch và Tết Nguyên đán đến gần, tất cả những người Việt xa quê hương đều có chung những cảm xúc đậm chất… Việt Nam. Hình ảnh hoa đào, hoa mai, bánh chưng… đã ăn sâu vào máu thịt của bao người xa xứ.
Chị Trương Nhung – sống tại West Hartford (Mỹ) tâm sự, chị đã định cư tại Mỹ được hơn 20 năm nay. Thời gian đầu mới sang đây, cứ đến dịp Tết là chị lại… khóc. Cảm giác sống giữa những người xa lạ, không thấy “mùi vị” của tết khiến chị cảm thấy mình cô đơn, lạc lõng.
“Nhớ mùi pháo, nhớ hoa đào, nhớ thược dược, hoa bướm… mẹ mình vẫn mua về mỗi dịp tết đến. Nhớ mùi hương nhu, vỏ bưởi lẫn mùi già… thường gội đầu và tắm tất niên. Và nhớ cảnh sau giao thừa, bố mẹ bước vào xông nhà rồi mừng tuổi chúc mừng năm mới các con. Nhớ da diết!” – chị Nhung tâm sự.
Có lần quá nhớ tết Việt, chị Nhung tham gia vào một sự kiện Tết Việt do một số người Việt ở Mỹ tổ chức. Tuy nhiên, những người tổ chức sự kiện này lại là những người theo chế độ cũ tại Sài Gòn nên khi làm lễ thì người tham gia đều phải chào “cờ ba sọc”. Vì điều này, chị Nhung đã không tham gia nữa và đành dành nỗi nhớ quê hương bằng cách kỷ niệm tết tại nhà bằng các nghi lễ y hệt khi còn ở Việt Nam.
Chúng tôi cũng đã có dịp được trao đổi với chị Nguyễn Thái Tuyết Hoa là người có nhiều năm sinh sống tại Budapest, Hungary. Chị Hoa cũng chia sẻ, trong nhiều năm đầu mới chuyển từ Việt Nam sang, đến tết là chị lại khóc. Chị khóc bởi nhớ mẹ già đang ở một mình tại Hà Nội, nhớ không gian phố phường nhộn nhịp hoa đào những ngày xuân sang, nhớ mùi bánh chưng, dưa hành…. Chị nhớ da diết những lần được mẹ dẫn đi chợ hoa xuân và hội thi hoa ở công viên Thống nhất. Giờ thì mọi thứ chỉ là kỷ niệm.
Chị Hoa cho biết, cũng có những dịp tết chị về thăm nhà được nhưng do lịch nghỉ nên thường khó vào đúng giao thừa hoặc mùng 1. Những năm gần đây, để cái tết xa quê hương có thêm ý nghĩa và có sự kết nối với tổ quốc, chị Hoa và nhiều người Việt ở Budapest thường tổ chức một đêm bán hàng Tết từ thiện cho trẻ em vùng cao. Họ tự làm đồ ăn, bán hoa trái để quyên tiền gửi về trong nước ủng hộ.
Không có lá dong, gói bánh bằng lá chuối
Để nỗi nhớ quê nhà được nguôi ngoai và cũng để mình có một cái tết ở xứ lạ được trọn vẹn, cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng thường tìm cách tổ chức những cái tết gần gũi nhất với hương vị của tết cổ truyền Việt Nam.
Chị Tuyết Hoa cho biết, ngoài việc tổ chức đêm bán hàng từ thiện để được kết nối tình cảm với những hoàn cảnh khó khăn trong nước thì đêm bán hàng này còn muốn tạo sự gần gũi giữa cộng đồng người Việt tại Budapest. Họ không chỉ có thêm cơ hội giao lưu mà còn là dịp thể hiện cơ hội nấu và bán các món ăn cổ truyền trong dịp tết như giò thủ, giò lụa, bánh chưng…
Tại Budapest, tuy không có đào giống như Việt Nam nhưng họ có một loại hoa đào tương tự và cũng có màu hồng. Cộng đồng người Việt thường trưng loại cây này trong dịp tết thay cho hoa đào. Một loại cây khác ở Budapest có tên là cây “Mưa vàng” có hình dáng và màu hoa khá giống với hoa mai trong nước nên cũng là một loại cây được người Việt ở đây thích thú.
Theo chị Hoa, để có được một cái tết thực sự có ý nghĩa và gần gũi nhất với tết cổ truyền Việt Nam, nhiều người Việt ở Hunggary cũng như ở các nước đã tìm mọi cách khắc phục khó khăn. Một số thứ buộc tận dụng những nguyên liệu gần giống với cổ truyền, một số hàng hóa được các gia đình đưa sang từ Việt Nam như gấc chưng, đỗ xanh…
Tìm hiểu không khí Tết của cộng đồng người Việt tại Mỹ, chúng tôi cũng đã liên hệ với Anh Lê Tuấn Anh – một người từng công tác tại hãng phim truyện Việt Nam hiện đang sinh sống thành phố New York. Anh Tuấn Anh cho biết không khí đón tết của người Việt ở Mỹ đơn giản hơn trong nước nhiều.
Trước hết, do điều kiện làm việc, những người làm ở trong các công sở, văn phòng ở Mỹ thì không được nghỉ ngày mồng 1 tết. Hơn nữa, nhiều nơi đặc biệt là trong các chung cư không được phép đặt bàn thờ… Chỉ có một số ít người ổn định mua được nhà cửa riêng thì có thể đặt bàn thờ tổ tiên để cúng lễ. Chính vì vậy, không khí Tết tại đây tuy có phần nhộn nhịp hơn ngày thường nhưng chắc chắn thua xa…trong nước.
Tất nhiên, theo anh Tuấn Anh thì dù có những trở ngại nhất định nhưng vào dịp tết thì cộng đồng người Việt tại Mỹ vẫn tìm cách gặp gỡ người thân, bạn bè bằng cách hẹn nhau vào dịp cuối tuần để tổ chức gói bánh chưng, làm giò chả, nem… các món ăn truyền thống khác.
Anh cho biết: “Ở bên này có hệ thống siêu thị Hàn Quốc (Hmart) siêu thị Tàu, có rất nhiều hàng hóa châu Á và ở những thành phố có đông người Việt như New York, W.DC, quận Cam…thì đều có siêu thị của người Việt, ở đây thì nhiều mặt hàng gần với hàng Tết của người Việt hơn. Tuy nhiên, có nhiều thứ không có thì phải dùng những thứ tương tự để thay thế, ví dụ lá dong không có để gói bánh chưng, bánh tét thì người ta phải thay bằng lá chuối đông lạnh được nhập khẩu từ Thái Lan hoăc không có lạt thì phải thay bằng sợi”.
Theo anh Tuấn Anh, giá cả các loại hàng hóa tết tại Mỹ không hề đắt. Ví dụ như gạo nếp ngon nhất hạt tròn khoảng 4 – 5$/kg (so với giá lao động phổ thông khoảng 9$/giờ ) thịt ba chỉ, khoảng 5$/kg… Còn các loại cây cảnh thì có thể dùng đào Mỹ có màu phớt hồng, quất thì có 1 số vùng bờ Tây nước Mỹ có còn phía bờ Đông thì không có quất.
Mặc dù hàng hóa phục vụ tết tại Mỹ khá đầy đủ và giá cả thấp nhưng anh Tuấn Anh cho biết, dù sao thì cái tết xa xứ cũng có chút buồn,vì không khí xung quanh vẫn như mọi ngày. Mặt khác do lệch múi giờ 12 tiếng nên một số người Việt cũng vẫn đang làm việc trong thời khắc giao thừa.
Để “ăn tết”, sau giờ làm việc, những người Việt tại Mỹ khi về đến nhà thường dành thời gian xem không khí tết trong nước, nói chuyện với người thân, bạn bè qua các phương tiện liên lạc hiện đại. Và qua đó, họ cũng chia sẻ cảm nhận mùa xuân theo phong tục cổ truyền.
Từ nỗi nhớ hoa đào, nhớ thược dược mà mẹ vẫn mua; nhớ mùi hương nhu, vỏ bưởi lẫn mùi già tắm gội tất niên, nhớ mùi bánh chưng, nhớ không gian phố phường nhộn nhịp hoa đào những ngày xuân sang, rồi có lần khóc khi xa quê… có thể thấy, dù sống trong điều kiện nào thì cộng đồng người Việt ở các nước trên thế giới vẫn hướng lòng mình về với Tổ quốc. Điều đó giống như những sợi dây kết nối Việt Nam với kiều bào nước ngoài trên toàn thế giới, và người Việt có đi muôn phương vẫn không quên được cội nguồn dân tộc!
Hoàng Phương
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC