Vỡ mộng xuất khẩu lao động, bơ vơ giữa xứ người

Vỡ mộng xuất khẩu lao động, bơ vơ giữa xứ người

Vì tin vào lời "mật ngọt", nhiều người dân đã đóng tiền để đi xuất khẩu lao động ở Singapore làm đầu bếp, giúp việc… nhưng trước giờ bay thì nhân viên công ty tư vấn "lặn mất tăm".

1 Vo Mong Xuat Khau Lao Dong Bo Vo Giua Xu Nguoi

Trụ sở Công ty TNHH tư vấn Linh Khang tại Hà Nội - Ảnh: Q.T.

Mang đơn cầu cứu khắp nơi, họ mới tá hỏa phát hiện công ty chưa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Có người đã bị nhân viên Công ty TNHH tư vấn Linh Khang dụ dỗ sang tận Singapore nhưng sau nhiều ngày chờ đợi không có việc làm.

Bỏ rơi lao động ở Singapore

Theo xác minh của phóng viên, công ty này có hai cơ sở tại đường Phạm Thận Duật và đường Nguyễn Khả Trạc (cùng ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) do bà Phan Thị Lan Anh làm giám đốc.

Dù đã trở về nước để vào Bình Dương bán trái cây, dọn vệ sinh theo giờ nhưng bà Lê Thị Loan (47 tuổi, quê Thanh Hóa) vẫn chưa thể quên được những ngày "đen tối" khi bị "thả" xuống đảo quốc sư tử Singapore.

Bà Loan kể: "Sau khi học tiếng Trung được hơn một tháng ở trụ sở công ty thì nam nhân viên tên Trần Trung Đức (ngoài 20 tuổi, quê ở huyện Lục Yên, Yên Bái) nói giấy tờ của tôi đã đầy đủ, bay qua Singapore sẽ có người đến đón.

Đến sân bay tôi vạ vật 5 tiếng đồng hồ sau đó mới có một người đàn ông đưa đến phòng trọ chật hẹp để tá túc, nói chờ thêm hai ngày rồi đi làm".

Sau hai ngày chờ đợi theo hướng dẫn, bà Loan gọi lại cho Đức qua mạng xã hội nhưng nhân viên này không trả lời thỏa đáng, tắt máy.

"Không còn tiền trong người, không biết tiếng, tâm trạng hoảng loạn chỉ biết ôm mặt khóc", bà Loan chia sẻ và cho biết chỉ được "giải thoát" khi ra đường cầu cứu và may gặp được người Việt Nam ở Singapore.

Sau đó bà may mắn được người quen hỗ trợ mua vé, hướng dẫn ra sân bay để về nước an toàn.

Bà Loan cho biết trước đó có một phụ nữ tên Trinh (ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) giới thiệu có suất đi xuất khẩu lao động ở Singapore với mức lương hấp dẫn nên bà đã bán lúa, gà, vịt và vay mượn thêm anh em họ hàng góp được gần 200 triệu đồng.

Đóng tiền học tiếng, chi phí đi lại tổng hết 135 triệu đồng, mấy chục triệu còn lại bà dùng để trang trải học tiếng, đi lại và mua sắm đồ dùng cá nhân bay sang Singapore.

Cũng như bà Loan, anh Lê Bá Tuyến (34 tuổi) và anh Nguyễn Văn Nhất (36 tuổi, cùng ở Thanh Hóa) đã nộp tiền học tiếng, chi phí đi xuất khẩu lao động nhưng đến trước giờ bay nam nhân viên tên Đức nói trên cũng đã "bặt vô âm tín".

"Biết mình bị lừa nên chúng tôi đồng lòng quay lại công ty để đòi tiền thì bà giám đốc và bà Nguyễn Thị Thu (ngoài 30 tuổi, quê ở huyện Lục Yên, Yên Bái - nhân viên công ty, từng tư vấn đi xuất khẩu lao động) đều trốn tránh, đổ hết trách nhiệm cho chúng tôi", anh Tuyến nói.

Trả tiền "tù mù"

Anh Tuyến cho biết thêm sau nhiều lần bắt xe khách từ Thanh Hóa ra trụ sở công ty ở Hà Nội để đòi tiền thì vị nữ giám đốc "xuống nước" trả lại một phần tiền, tuy nhiên giấy ghi là do Đức vay nợ.

Trong các giấy nhận nợ này bà Thu (nhân viên) đều là người đại diện cho Đức (nhân viên) - người vay nợ - trả tiền cho người lao động. Các giấy xác nhận thanh toán nợ viết tay này đều có nội dung "bên A đã thanh toán đầy đủ số tiền cho bên B, bên B không còn bất kỳ khiếu nại hoặc yêu cầu đối với bên A liên quan đến khoản nợ này".

Phản ánh đến Tuổi Trẻ, nhiều người lao động cho hay nội dung ghi trong giấy xác nhận không đúng sự thật vì họ chưa từng cho Đức vay tiền. Ngoài ra đến nay công ty vẫn chưa trả đủ tiền đi lại, ăn uống, mua sắm đồ dùng.

"Chúng tôi phải cắn răng ký vào giấy xác nhận nhận nợ vì lo sẽ không lấy được tiền của công ty. Với người dân chúng tôi để có được vài chục triệu đồng phải tiết kiệm trong rất nhiều năm trời", anh Tuyến bùi ngùi.

Ngày 14-11, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, bà Phan Thị Lan Anh thừa nhận công ty chưa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà chỉ có chức năng tư vấn.

Tuy nhiên bà Lan Anh đổ lỗi "do Đức mượn danh công ty và đã nghỉ việc… đến khi mọi chuyện vỡ lở thì phải móc tiền túi gần một tỉ bạc để khắc phục cho người lao động…".

"Bạn nhân viên kia đến giờ cũng không liên lạc được… Bên tôi không liên quan gì cả, không phải bên tôi không đưa đi hay lừa đảo…", bà Lan Anh nói.

Về các chi phí của người lao động đã bỏ ra vẫn chưa được công ty hoàn trả hết, bà Lan Anh cho rằng "tôi cũng là một nạn nhân, bị mất uy tín bởi bạn Đức...".

Trong khi đó, phóng viên Tuổi Trẻ gọi vào số điện thoại của Đức từng sử dụng dụ người dân nộp tiền đi sang đảo quốc sư tử lao động dù chuông đổ nhưng không có người bắt máy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý lao động nước ngoài cho hay thời gian gần đây (tháng 11-2024), đơn vị này nhận được nhiều phản ánh của người lao động, doanh nghiệp về các đối tượng mạo danh là cán bộ, nhân viên doanh nghiệp để lừa đảo, thu tiền của người lao động.

Đáng chú ý có đối tượng mạo danh sử dụng tên đơn vị gần giống với tên doanh nghiệp được cấp phép, tài khoản cá nhân trùng với tên lãnh đạo doanh nghiệp dịch vụ có giấy phép.

Cục Quản lý lao động nước ngoài khuyến cáo để biết thông tin doanh nghiệp đã được cấp phép hay chưa người lao động cần vào trang thông tin điện tử http://dolab.molisa.gov.vn, tại mục Danh sách doanh nghiệp XKLĐ để kiểm tra.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc Công ty TNHH tư vấn Linh Khang (trụ sở tại Hà Nội) không có giấy phép nhưng nhân viên vẫn nhận tiền, tổ chức xuất cảnh cho người lao động rồi trốn tránh có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Người xuất khẩu lao động cần thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng, nộp tiền. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Không dễ tìm việc ở Singapore

Chị Hà Huyền Trang (26 tuổi, quê Quảng Bình - đang làm việc tại một nhà hàng cao cấp có tên J.S. ở trung tâm Singapore) cho biết đã gặp rất nhiều người lao động bị nhân viên tư vấn, môi giới ở Việt Nam lừa sang Singapore với lời hứa hẹn "việc nhẹ lương cao".

"Có người bị lừa đi xuất khẩu lao động 3 tháng, 6 tháng nhưng cũng có những người kém may mắn mới qua làm việc được ít ngày thì bị chủ đuổi việc, lấy lý do không đáp ứng tiêu chuẩn", chị Trang cho hay.

Làm vị trí thu ngân cùng nhà hàng J.S., chị Nguyễn Phương Trà (25 tuổi, quê Hải Dương) thông tin thêm: "Có trường hợp người lao động tôi gặp họ kể lại môi giới giới thiệu phục vụ ở quán bar lương rất cao nhưng bị lừa sang đây rửa bát.

Nhà hàng, quán bar, điểm bán hàng hiệu… rất cần lao động, tuy nhiên ngoài đáp ứng được cường độ công việc cao thì phải thông thạo ngoại ngữ".

QUANG THẾ

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan