Quy chế này do Hội đồng châu Âu đưa ra, trao cho những người nhập cư từ Ukraine quyền được lưu trú miễn thị thực trong thời gian dài, cũng như được miễn phí chỗ ở, chăm sóc y tế và giáo dục.
Vào cuối tháng 7, khoảng hơn 1,1 triệu người Ukraine tại Đức được báo cáo là đã được bảo vệ tạm thời - con số cao nhất trong EU và chiếm khoảng 25% tổng số người di cư trong khối. Tuy nhiên, con số này đã giảm khoảng trên 236.000 người so với tháng 8.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhiều người đã bị vô hiệu hóa tư cách bảo vệ tạm thời là do họ đã được phân loại lại hoặc rời khỏi Đức hoàn toàn.
Tuy nhiên, sự sụt giảm đột ngột này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều chỉ trích đối với Chính phủ Đức về cách đối xử ưu đãi đối với người tị nạn Ukraine - những người đã nhận được các quyền lợi đặc biệt mà người xin tị nạn từ các quốc gia khác không được hưởng.
Một trong những đặc quyền chính là người di cư Ukraine ở Đức được hưởng "quyền lợi công dân" với 563 Euro (610 USD) mỗi tháng - mức hỗ trợ cao hơn đáng kể so với các quốc gia EU khác và thường dành cho công dân Đức có thu nhập thấp hoặc công dân EU khác sống tại quốc gia này.
Các đảng đối lập của Đức, bao gồm Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đã lập luận rằng các khoản tiền trợ cấp cũng làm người tị nạn Ukraine "trì trệ" trong việc tìm kiếm việc làm. Báo Deutsche Welle đã đưa tin vào đầu năm nay rằng tỷ lệ người tị nạn Ukraine ở Đức có việc làm chỉ ở mức 20% - một trong những tỷ lệ thấp nhất so với các quốc gia tiếp nhận khác.
Vào tháng 6, nghị sĩ CSU Alexander Dobrindt nhấn mạnh rằng Berlin nên xem xét lại các chính sách phúc lợi xã hội của mình (đối với người Ukraine) và yêu cầu "nghĩa vụ hợp tác chặt chẽ hơn đối với những người xin tị nạn khi nói đến việc tìm việc làm". Ông kêu gọi chính quyền Đức gây sức ép khiến những người di cư Ukraine buộc phải tìm việc làm và trục xuất những người từ chối hòa nhập.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ bang Bayern Joachim Herrmann cũng lập luận rằng Berlin nên khuyến khích những người đàn ông Ukraine đủ điều kiện nhập ngũ trở về quê hương của họ. Người đồng cấp của ông đến từ bang Baden-Württemberg, ông Thomas Strobl, cũng cho rằng việc trợ cấp phúc lợi cho người tị nạn đang cản trở "cuộc chiến phòng thủ của Ukraine" bằng cách ngăn cản những công dân Ukraine khỏe mạnh trở về nước tham gia quân ngũ.
VTV
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC