Rabea Rogge trở thành người phụ nữ Đức đầu tiên bay vào vũ trụ

Rabea Rogge, nhà khoa học đến từ Berlin, đã đi vào lịch sử khi trở thành người phụ nữ Đức đầu tiên bay vào vũ trụ. Cô đã cất cánh từ cảng vũ trụ Cape Canaveral, Florida (Mỹ) trên tàu vũ trụ "Dragon" của SpaceX.

Nhiệm vụ "Fram2": Khám phá cực quang và nghiên cứu tia X từ không gian

1 Rabea Rogge Tro Thanh Nguoi Phu Nu Duc Dau Tien Bay Vao Vu Tru

Rabea Rogge, nhà khoa học đến từ Berlin, đã đi vào lịch sử khi trở thành người phụ nữ Đức đầu tiên bay vào vũ trụ. Cô đã cất cánh từ cảng vũ trụ Cape Canaveral, Florida (Mỹ) trên tàu vũ trụ "Dragon" của SpaceX, thuộc tập đoàn của tỷ phú công nghệ Elon Musk. Chuyến bay được thực hiện bằng tên lửa Falcon 9.

2 Rabea Rogge Tro Thanh Nguoi Phu Nu Duc Dau Tien Bay Vao Vu Tru

ảnh: ZDF

Nhiệm vụ "Fram2" – lấy cảm hứng từ tên một con tàu nghiên cứu vùng cực của Na Uy thế kỷ 19 – dự kiến kéo dài bốn ngày. Tàu vũ trụ "Dragon" sẽ bay trên một quỹ đạo mới quanh các vùng cực của Trái Đất, với độ cao từ 425 đến 450 km. Một trong những mục tiêu chính của nhiệm vụ là nghiên cứu hiện tượng cực quang từ không gian và chụp những hình ảnh tia X đầu tiên của con người trong vũ trụ.

Ngoài Rabea Rogge, phi hành đoàn "Fram2" còn có Chun Wang (người Malta), nhà làm phim Jannicke Mikkelsen (Na Uy) và hướng dẫn viên vùng cực Eric Philips (Úc). Đây là một sứ mệnh tư nhân, được một tỷ phú tài trợ thông qua SpaceX.

Nhà khoa học trẻ và giấc mơ vũ trụ

Rogge chính thức tham gia sứ mệnh với tư cách phi công và chuyên gia khoa học. Cô từng theo học ngành kỹ thuật điện và công nghệ thông tin tại ETH Zurich (Thụy Sĩ), sau đó chuyển đến Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy để thực hiện luận án tiến sĩ.

Theo Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR), trước đây đã có 12 nam phi hành gia Đức bay vào vũ trụ, nhưng chưa có một phụ nữ nào thực hiện hành trình này. Việc Rogge tham gia "Fram2" đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu không gian của Đức.

Chia sẻ về sứ mệnh, Rogge thừa nhận rằng đây là một thử thách không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần. "Tôi hy vọng sẽ không gặp phải tình huống căng thẳng trong không gian. Các phi hành gia NASA mà tôi từng gặp luôn thể hiện sự bình tĩnh tuyệt đối, và tôi muốn học hỏi từ họ", Rogge nói.

Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, phi hành đoàn sẽ tiến hành hơn 20 thí nghiệm khoa học, đồng thời tương tác với học sinh qua các buổi hỏi đáp trực tuyến. "Chúng tôi còn có một dự án đặc biệt, cho phép sinh viên tham gia cuộc thi phát thanh nghiệp dư từ mặt đất", Rogge chia sẻ về mong muốn truyền cảm hứng khoa học đến thế hệ trẻ.

Kỳ vọng từ Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức

Cơ quan Vũ trụ Đức (thuộc DLR) bày tỏ sự háo hức trước sứ mệnh của Rogge. Ông Walther Pelzer, thành viên Ban điều hành DLR, nhấn mạnh: "Lần đầu tiên trong lịch sử, một phụ nữ Đức bay vào vũ trụ không phải thông qua chương trình chính phủ, mà nhờ vào sáng kiến tư nhân. Đây là bước tiến quan trọng đối với khoa học không gian".

Chuyến bay của Rabea Rogge không chỉ đánh dấu một cột mốc lịch sử mà còn mở ra cơ hội mới cho khoa học vũ trụ và giáo dục STEM. Với sứ mệnh lần này, cô không chỉ khám phá không gian mà còn mang theo khát vọng đưa khoa học đến gần hơn với công chúng.

Thành Lộc - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC

theo ZDF/DPA


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan