Ác mộng với ngành bảo hiểm giữa thảm họa cháy rừng ở Los Angeles

Ác mộng với ngành bảo hiểm giữa thảm họa cháy rừng ở Los Angeles

Cháy rừng ở Los Angeles có thể thúc đẩy nhiều công ty bảo hiểm rời bỏ thị trường California, khiến cư dân đối mặt nguy cơ không được đền bù nếu thảm họa tái diễn.

Nick Ramirez nhìn vào màn hình trong văn phòng đại lý bảo hiểm của anh ở Los Angeles, theo dõi bản đồ hiển thị tình hình cháy rừng đang hoành hành ở khu vực. Hàng nghìn ngôi nhà triệu USD cùng tài sản của khách hàng đang lần lượt bị nhấn chìm trong biển lửa.

"Nhà của Haley tiêu rồi. Nhà của Oliver cũng bị sập", Ramirez nói, chỉ tay vào những chấm nhỏ trong một biển đỏ đang lan rộng nhanh chóng. "Trong gần 10 năm làm bảo hiểm, đây là tình huống tồi tệ nhất tôi từng thấy".

Các đám cháy rừng bùng lên ở nhiều khu vực tại Los Angeles như Pacific Palisades, Eaton và Hurst từ ngày 7/1 và liên tục lan rộng, tàn phá nhiều khu dân cư. Lực lượng cứu hỏa cho biết tốc độ cháy lan đã chậm lại, nhưng chưa có đám cháy lớn nào được kiểm soát.

Cháy rừng đã thiêu rụi hàng nghìn công trình và ước tính tổn thất ban đầu lên tới hàng chục tỷ USD. Chỉ riêng đám cháy Palisades đã phá hủy hơn 5.000 ngôi nhà và công trình khác.

1 Ac Mong Voi Nganh Bao Hiem Giua Tham Hoa Chay Rung O Los Angeles

Một góc khu phố giàu có Pacific Palisades ở Los Angeles, bang California chìm trong biển lửa ngày 7/1. Ảnh: AP

Giới quan sát cảnh báo thiệt hại từ đợt cháy rừng nghiêm trọng ở California có thể giáng đòn mạnh vào thị trường bảo hiểm, vốn đã quay cuồng trong các khủng hoảng liên tiếp.

"Đó là thảm họa vô cùng tồi tệ. Cháy rừng vào tháng 1 ư? Điều này chỉ chứng minh cho quan điểm của nhiều công ty bảo hiểm là rủi ro ngày càng tăng do biến đổi khí hậu", Amy Bach, giám đốc điều hành United Policyholders, nhóm vận động vì người tiêu dùng, nói.

Đám cháy rừng lớn quét qua khu giàu có bậc nhất Pacific Palisades có thể biến đây thành "một trong 5 vụ cháy rừng tốn kém nhất lịch sử Mỹ", theo công ty môi giới Aon.

California là thị trường bảo hiểm nhà ở lớn nhất tại Mỹ, nhưng cũng là một trong những khu vực nhiều thách thức với các công ty cung cấp dịch vụ này. Aon cho biết tính đến năm ngoái, 8 trong 10 vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn nhất tại Mỹ xảy ra ở bang này.

Nhiều công ty bảo hiểm hàng đầu đã dần rút khỏi bang, khiến nhiều người chịu ảnh hưởng bởi cháy rừng ở California chỉ có thể sử dụng dịch vụ bảo hiểm từ công ty do nhà nước tài trợ hoặc thậm chí không có bảo hiểm.

State Farm, công ty bảo hiểm nhà ở lớn nhất bang, hồi tháng 3 thông báo sẽ không gia hạn 72.000 hợp đồng bảo hiểm tài sản, trong khi Chubb và các công ty con ngừng soạn hợp đồng mới với các ngôi nhà giá trị lớn vì nguy cơ cháy rừng cao.

Hiện chưa rõ bao nhiêu chủ nhà ở Pacific Palisades và những nơi khác có thể được bảo hiểm bồi thường sau thảm họa, nhưng một số người nói rằng các công ty bảo hiểm đã không gia hạn hợp đồng của họ trước khi cháy rừng xảy ra. Nam diễn viên James Woods, người mất nhà trong đám cháy Palisades, đăng bài trên X ngày 7/1 rằng "một trong những công ty bảo hiểm lớn đã hủy tất cả hợp đồng trong khu phố của chúng tôi cách đây 4 tháng".

State Farm năm ngoái thông báo sẽ không gia hạn 1.626 hợp đồng ở Pacific Palisades khi chúng hết hạn vào tháng 7/2024. Một phát ngôn viên của công ty từ chối bình luận về quyết định, nhưng nói rằng "ưu tiên số một của chúng tôi là an toàn của khách hàng, đại lý và nhân viên bị ảnh hưởng vì cháy rừng, cũng như hỗ trợ khách hàng trong thời khắc thảm họa này".

California phải đối mặt với các vụ cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn và quy mô lớn hơn do biến đổi khí hậu kéo dài, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường bang. Xu hướng này kéo theo mức độ gia tăng thiệt hại tài sản được bảo hiểm, đồng thời có thể khiến các công ty nâng phí bảo hiểm.

"Những sự kiện này sẽ tiếp tục tác động tiêu cực và sâu rộng tới thị trường bảo hiểm của bang. Tiền bồi thường tăng lên có thể làm tăng phí và giảm khả năng chi trả của công ty bảo hiểm", Denise Rappmund, nhà phân tích cấp cao tại Moody's Ratings, nhận định.

Nếu các công ty bảo hiểm tiếp tục rút khỏi California, điều đó sẽ gây áp lực lên công ty bảo hiểm FAIR Plan do chính phủ tài trợ. Đây được xem là lựa chọn cuối cùng của nhiều chủ nhà ở California, dù các hợp đồng bảo hiểm của FAIR Plan thường có mức bồi thường hạn chế.

Các hợp đồng của FAIR Plan bồi thường thiệt hại tới 3 triệu USD đối với những tài sản bị hủy hoại do một số nguyên nhân nhất định, trong đó có hỏa hoạn. Tuy nhiên, chúng sẽ không bao gồm bảo hiểm trách nhiệm cá nhân hay các loại hình bảo vệ khác như những công ty bảo hiểm tư nhân thường cung cấp.

2 Ac Mong Voi Nganh Bao Hiem Giua Tham Hoa Chay Rung O Los Angeles

Các đám cháy ở Los Angeles, bang California. Đồ họa: WSJ

FAIR Plan đã ghi nhận số lượng hợp đồng tăng từ hơn 200.000 vào tháng 9/2020 lên hơn 450.000 vào tháng 9/2024. Mức bảo hiểm rủi ro của công ty này cũng tăng gần gấp ba, lên 458 tỷ USD trong cùng giai đoạn.

Pacific Palisades là một trong những nơi tập trung nhiều chủ hợp đồng FAIR Plan nhất ở bang California. Công ty này ước tính phạm vi bảo hiểm của họ ở khu vực này lên tới 5,89 tỷ USD.

Các phân tích của JP Morgan ước tính tổng thiệt hại do cháy rừng ở hạt Los Angeles có thể lên tới gần 50 tỷ USD, trong khi tổn thất mà các công ty bảo hiểm phải trả có thể lên tới 20 tỷ USD. Một số ước tính khác cho thấy tổn thất thậm chí lớn hơn.

Hiện chưa rõ FAIR Plan sẽ phải trả bao nhiêu cho các yêu cầu bồi thường hậu quả cháy rừng hoặc thảm họa lần này sẽ ảnh hưởng thế nào tới khả năng thanh toán của công ty. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho biết FAIR Plan có thể kêu gọi các công ty bảo hiểm khác hỗ trợ nếu cần thiết.

Một phát ngôn viên của FAIR Plan nói "còn quá sớm để đưa ra ước tính tổn thất vì yêu cầu bồi thường mới chỉ bắt đầu được gửi và xử lý". Người này nói công ty có các cơ chế thanh toán để đảm bảo tất cả yêu cầu bồi thường của khách hàng được xử lý thỏa đáng.

"Tôi nghĩ sẽ mất khoảng 45 ngày trước khi chúng ta có thể biết tổn thất thực sự ở mức nào", Max Gilman, phụ trách bộ phận ủy quyền giao dịch bảo hiểm tại California thuộc công ty môi giới HUB International, nói.

Các đám cháy mới ở Los Angeles tuần này có thể làm suy yếu thêm nỗ lực thu hút công ty bảo hiểm tới bang California. "Các công ty bảo hiểm sẽ cân nhắc lại lợi ích của họ so với rủi ro tiềm ẩn vì cháy rừng", Sridhar Manyem, giám đốc cấp cao tại công ty AM Best, nói.

Tổn thất gia tăng do hỏa hoạn, lũ lụt, cháy rừng và mưa bão đã làm tăng những khoản bồi thường bảo hiểm do thiên tai trên toàn cầu lên hơn 140 tỷ USD trong năm ngoái, vượt xa mức trung bình 94 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2023.

Không chỉ riêng các công ty bảo hiểm, nhiều người dân cũng bắt đầu suy nghĩ lại về việc mua nhà ở California.

Brett Dedeaux, người có nhà ở khu dân cư liền kề với Công viên Lịch sử Will Rogers bị ảnh hưởng do cháy rừng, tự hỏi "điều gì sẽ xảy ra với bảo hiểm bây giờ". Anh cho biết rất ít công ty bảo hiểm sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho những khu vực dễ xảy ra cháy rừng.

"Có hợp lý khi sở hữu một ngôi nhà ở đây với mức bảo hiểm đắt đỏ hay không?", anh nói.

Thùy Lâm (Theo WSJ, LA Times, CBS News)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan