Mỹ không muốn bị loại khỏi thị trường quốc phòng châu Âu
Theo nguồn tin từ Reuters, vào giữa tháng 3, Ủy ban châu Âu đã đề xuất tăng chi tiêu quân sự và tập trung nguồn lực vào các dự án quốc phòng chung để chuẩn bị cho khả năng giảm hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu dưới thời Tổng thống Donald Trump. Những biện pháp này có thể khiến vai trò của các công ty quốc phòng Mỹ và Anh bị thu hẹp tại thị trường EU.
Trong cuộc họp ngày 25/3 với các ngoại trưởng của Lithuania, Latvia và Estonia, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã nhấn mạnh rằng Washington muốn tiếp tục tham gia vào các hợp đồng quốc phòng của EU. Ông cũng cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào nhằm loại trừ các công ty Mỹ khỏi các dự án quốc phòng châu Âu sẽ bị coi là hành động tiêu cực tại Washington.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Rubio dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này trong chuyến thăm Brussels tuần này khi tham dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao NATO.
Ông nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump hoan nghênh nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng của châu Âu nhưng phản đối việc tạo ra các rào cản khiến các công ty Mỹ bị gạt ra ngoài.
EU đẩy mạnh tự chủ quốc phòng, hạn chế phụ thuộc Mỹ
Vào giữa tháng 3, Ủy ban châu Âu đã triển khai chương trình quốc phòng ReArm Europe với gói vay trị giá 150 tỷ euro để hỗ trợ các dự án quân sự của các nước thành viên. Mặc dù EC tuyên bố các công ty ngoài EU có thể tham gia chương trình, nhưng thực tế, họ sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản hành chính và pháp lý.
Sự lo ngại của Mỹ gia tăng trong những tuần gần đây khi EU ngày càng kiên quyết hơn trong việc giảm mua vũ khí từ Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang nỗ lực thuyết phục các nước EU ngừng mua thiết bị quân sự từ Mỹ và thay vào đó ưu tiên các sản phẩm quốc phòng của châu Âu.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định rằng với sự hỗ trợ từ chương trình ReArm Europe trị giá 800 tỷ euro, EU không chỉ có thể tăng cường năng lực quốc phòng mà còn giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC