Nhóm 16 bao gồm 16 nước Trung Âu và Đông Âu, trong số đó 11 nước là thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Sự thay đổi diễn ra giữa lúc Bắc Kinh lo lắng về những lời chỉ trích từ các hội nghị thượng đỉnh của EU ở Brussels, hay từ Berlin và các thủ đô khác ở châu Âu, theo đó EU đang thảo luận các bước để kiểm soát chặt chẽ hơn việc các công ty Trung Quốc ồ ạt mua các công ty châu Âu. Cũng theo Reuters, các cuộc họp thượng đỉnh giữa EU và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng hơn trong những năm gần đây, với hai cuộc họp vừa qua không đưa ra một tuyên bố chung do những bất đồng về biển Đông và thương mại.
Một nhà ngoại giao châu Âu cho rằng Trung Quốc muốn hạ thấp tầm vóc của các hội nghị thượng đỉnh “16+1” vì lo ngại hình ảnh của Bắc Kinh có thể bị ảnh hưởng và phá hoại các mục tiêu rộng lớn hơn của nước này ở châu Âu. 16 quốc gia này đang rất cần vốn đầu tư của Trung Quốc vào đường bộ, đường sắt, trạm điện và các cơ sở hạ tầng khác như là một phần của kế hoạch “Vành đai và con đường” của Bắc Kinh để xây dựng đường giao thông vận tải và thương mại tại hơn 60 quốc gia. Các quốc gia không phải là EU như Serbia hay Hungary còn nồng nhiệt hơn vì họ không có cơ hội tiếp cận với các cơ cấu của EU hoặc quỹ tương hỗ. Hungary cũng là một nhà “vô địch” thu hút đầu tư Trung Quốc.
Sau khi công ty Trung Quốc Geely công bố hồi tháng 2 rằng họ đã mua được gần 10% cổ phần trong Daimler, chủ sở hữu của công ty ô tô Mercedes-Benz, Berlin thật sự lo lắng. Các chính trị gia và nhà bình luận đã rất phẫn nộ. Các nghị sĩ Đức muốn biết nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc đã lấn vào sân một biểu tượng công nghiệp của Đức như thế nào. Thật vậy, sự lo ngại của Đức là có cơ sở vì Trung Quốc đề ra mục tiêu đến năm 2025 biến đổi đất nước này từ một nhà sản xuất chi phí thấp sang lĩnh vực công nghệ cao chiếm ưu thế trong 10 ngành công nghiệp tiên tiến, bao gồm xe điện. Đây là một chiến lược mà Đức coi là mối đe dọa trực tiếp đối với vị trí dẫn đầu của Đức trong ngành công nghiệp ô tô.
Không chỉ ngành ô tô, Đức cũng lo lắng về sự thâu tóm của Trung Quốc với nhiều ngành khác. Vào tháng 2-2017, tập đoàn HNA của Trung Quốc đã giành được 3% cổ phần trong Deutsche Bank, nâng cổ phần của HNA lên 9,9% – trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng này. Năm 2017, Berlin đã thắt chặt luật về đầu tư ở nước ngoài, tăng cường quyền của các bộ trưởng để ngăn chặn việc các công ty nước ngoài mua 25% hoặc hơn các công ty của Đức trong các lĩnh vực được cho là “cơ sở hạ tầng quan trọng”. Sự thay đổi này cũng cho phép Chính phủ Đức có thời gian dài hơn để điều tra các vụ mua bán, mở rộng khung thời gian từ 2 đến 4 tháng. Đức, Pháp và Italia cùng tuyên bố kiểm tra nghiêm ngặt hơn việc tiếp quản từ các công ty nước ngoài đối với các công ty EU, đặc biệt là những nước có nghi ngờ hậu thuẫn của nhà nước.
Theo Khánh Linh / sggp.org.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC