Toàn cảnh khu đất vàng 'Cao Xà Lá' nhìn từ trên cao - Ảnh: NAM TRẦN
Chiều 24-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của TP.
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chậm nhất trong tuần này hoàn thiện nội dung trình UBND TP ký văn bản để báo cáo Thủ tướng ,với các nội dung vượt thẩm quyền của thành phố với dự án khu chức năng đô thị tại số 233, 233B, 235 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (còn được gọi là khu Cao Xà Lá).
Theo Chủ tịch Hà Nội, yêu cầu trên để tránh trường hợp cơ sở sản xuất đã di dời nhưng để hoang hoá, chậm đưa đất vào sử dụng.
Trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Hà Nội cho biết 3 nhà máy này thuộc diện di dời để xây khu đô thị.
Sáng 25-12, Tuổi Trẻ Online đã có mặt tại khu đất khu đất 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) để ghi nhận hiện trạng.
Hiện cơ sở 223B Nguyễn Trãi của nhà máy xà phòng đã bàn giao mặt bằng, di dời nhà máy ra khỏi nội thành - Ảnh: PHẠM TUẤN
Cụ thể, đối với cơ sở 223 Nguyễn Trãi vốn là sản xuất bột giặt LIX, đã thực hiện xong công tác di dời cơ sở sản xuất đến Khu công nghiệp Quế Võ II, tỉnh Bắc Ninh. Công ty Xà phòng Hà Nội cũng đã dời nhà máy trên khu đất 233B Nguyễn Trãi đến Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội.
Hiện khu đất này đã quây tôn bên ngoài, có bảo vệ canh gác, bên trong khu đất máy móc, vật liệu xây dựng đã được tập kết nhưng chưa thi công.
Phía bên trong khu đất 233B Nguyễn Trãi, hiện máy móc và một số vật liệu xây dựng đã được tập kết, nhưng chưa thi công - Ảnh: PHẠM TUẤN
Rác thải chất đầy khu đất kể trên vì để hoang nhiều năm - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tại khu đất của Công ty Thuốc lá Thăng Long (235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), theo ghi nhận bên trong nhà máy xe cộ vẫn hoạt động, điểm giới thiệu sản phẩm của công ty ở mặt đường vẫn có nhân viên đứng quầy.
Nhà máy thuốc lá Thăng Long được UBND TP Hà Nội cho thời gian 5 năm, từ 2023 đến 2027 để di chuyển ra khỏi nội đô - Ảnh: PHẠM TUẤN
Vào tháng 8-2023, UBND TP Hà Nội yêu cầu việc dời nhà máy thuốc lá Thăng Long ra khỏi nội đô Hà Nội phải thực hiện trong vòng 5 năm tới. Hiện công ty này cũng đã hoàn thành công tác chuyển sản xuất tới Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.
Theo ghi nhận, vì thuộc diện phải di dời nên nhà máy không được cải tạo, sửa chữa nên cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, những mảng tường của nhà máy bong tróc từng mảng vữa, loang lổ.
Những mảng tường loang lổ tại Nhà máy thuốc lá Thăng Long vì đã lâu không được cải tạo, sửa chữa - Ảnh: PHẠM TUẤN
Bên trong nhà máy, xe cộ, công nhân vẫn làm việc - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tại địa chỉ số 231 Nguyễn Trãi là nhà máy của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng. Công ty có diện tích khoảng 62.000m² chuyên sản xuất các loại săm lốp như máy bay, ô tô, xe đặc chủng, xe máy, xe đạp và các sản phẩm cao su kỹ thuật.
Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất của công ty sẽ di dời về Khu công nghiệp Châu Sơn (TP Phủ Lý, Hà Nam) để bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án khu đô thị.
Tại số 231 Nguyễn Trãi, là nhà máy của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng - Ảnh: PHẠM TUẤN
Theo ghi nhận, phần mặt tiền của nhà máy trên một phần đang được làm nơi trưng bày sản phẩm của Công ty, còn lại hiện đang được cho các doanh nghiệp bên ngoài thuê để kinh doanh, buôn bán.
Nhiều cơ sở kinh doanh đang thuê, hoạt động tại mặt tiền của khu đất 231 Nguyễn Trãi - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trước đó, theo quyết định vào năm 2016 của UBND TP Hà Nội, khu đất 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) sẽ được xây dựng dự án khu chức năng đô thị với quy mô dân số dự kiến 46.000 người, có diện tích khoảng 110.000m².
Đến nay, dự án đã được các cấp, ngành của Hà Nội thống nhất, thoả thuận, góp ý, phê duyệt trong các lĩnh vực như cấp điện, cấp nước, thoát nước, phòng cháy chữa cháy, đỗ cao tĩnh không xây dựng công trình, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, liên danh nhà đầu tư đã ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định.
Khu 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi là "khu đất vàng" đối diện với Royal City, được biết đến với tên gọi dân dã là khu Cao Xà Lá bởi khu này là địa điểm của các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá tại Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUẤN
Khu 'đất vàng' 94 Lò Đúc cỏ dại mọc um tùm
Khu đất 94 Lò Đúc để hoang nhiều năm nay, cỏ dại mọc um tùm - Ảnh: PHẠM TUẤN
Cũng trong khuôn khổ phiên họp, với dự án Tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ để bán tại số 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), Chủ tịch Hà Nội cho rằng dự án đã kéo dài nhiều năm, vì vậy cần phải tập trung giải quyết, tháo gỡ nhằm chống lãng phí.
"Trong tháng 1-2025 phải xử lý dứt điểm dự án này" - ông Thanh nói.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online sáng 25-12, khu đất trên hiện đang được rào tôn quây kín, bên trong cỏ dại mọc um tùm.
Trước đó, từ năm 2013, UBND TP Hà Nội đã giải phóng mặt bằng, chủ trương xây dựng trường học tại ô đất này. Sau khi thu hồi, ô đất được giao cho Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Thiên Bình nghiên cứu lập dự án.
Tuy nhiên, năm 2014, Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Thiên Bình đã ký hợp đồng thế chấp với một ngân hàng về quyền tài sản phát sinh là toàn bộ dự án tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại - công trình cao tầng tại 94 Lò Đúc.
Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Thiên Bình có trụ sở tại số 94 Lò Đúc, người đại diện pháp luật là ông Đỗ Anh Dũng (góp 99% vốn), thời điểm này ông Đỗ Anh Dũng cũng là Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Hoàng Minh và hiện đã bị Bộ Công bắt giam.
PHẠM TUẤN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC