Khách hàng mua sắm ở Moskva, Nga. (Ảnh: AFP)
Theo một tài liệu do Bộ Kinh tế và Ngân hàng trung ương Nga chuẩn bị cho một phiên họp mới đây, giá dầu giảm, ngân sách eo hẹp và nợ xấu doanh nghiệp gia tăng là những rủi ro kinh tế hàng đầu mà Nga đang phải đối mặt.
Báo cáo cũng cảnh báo lãi suất cao đang kìm hãm hoạt động cho vay và đầu tư, đe dọa triển vọng tăng trưởng của Nga. Nói cách khác, việc thiếu đầu tư hiện tại sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP thấp hơn trong hai đến ba năm tới.
Trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, Ngân hàng trung ương Nga được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 21% tại cuộc họp ngày 14/2.
Cả Bộ Kinh tế và Ngân hàng trung ương đều cảnh báo về nguy cơ giá dầu giảm, điều có thể gây ra nhiều vấn đề cho ngân sách liên bang.
Báo cáo của Ngân hàng trung ương Nga nhấn mạnh giá dầu có khả năng cao sẽ giảm nếu Mỹ đẩy mạnh sản xuất, dẫn đến tình trạng dư thừa dầu trên thị trường. Báo cáo cũng lưu ý rằng công suất sản xuất dầu dự phòng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang gần mức cao kỷ lục và tương đương với lượng dầu thô xuất khẩu của Nga.
Đánh giá về tác động tiềm tàng của việc giá dầu giảm, Ngân hàng trung ương Nga cho rằng tình hình căng thẳng ngân sách trong 5-10 năm tới có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn so với hiện tại.
Thu nhập từ năng lượng chiếm khoảng 1/3 tổng thu ngân sách của Nga và giá dầu cao giúp nước này kiểm soát thâm hụt ngân sách. Mức thâm hụt đã tăng vọt lên 1.700 tỷ ruble (18,82 tỷ USD) chỉ riêng trong tháng Một, do Nga đang dồn tiền cho các khoản chi tiêu năm 2025.
Quỹ Tài sản Quốc gia (NWF), vốn được xem như quỹ dự phòng cho những lúc khó khăn, hiện đã trở thành nguồn tài chính chính để bù đắp thâm hụt ngân sách thường xuyên của Nga.
Tài sản thanh khoản của quỹ này đã giảm khoảng 2/3, từ 112,7 tỷ USD trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine xuống chỉ còn 37,5 tỷ USD.
Báo cáo của Bộ Kinh tế cũng đề cập đến vấn đề chi phí tăng cao trên diện rộng đối với các công ty. Báo cáo ước tính tổng mức tăng chi phí của các công ty - về lao động, thuế, thuế quan và chi phí lãi vay - vào năm 2025 so với năm 2024 là 14.800 tỷ ruble (163,9 tỷ USD), tương đương khoảng 45% lượng vốn đầu tư tư nhân vào tài sản cố định trong năm ngoái.
Báo cáo lưu ý rằng trong bối cảnh khi các điều kiện bên ngoài không thuận lợi và nhu cầu trong nước giảm, các công ty sẽ khó chuyển chi phí cho người tiêu dùng hơn, từ đó khiến lợi nhuận tiếp tục bị ảnh hưởng.
Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính của các công ty và làm tăng nguy cơ nợ xấu tích tụ.
Được thúc đẩy bởi chi tiêu chính phủ tăng mạnh, sản xuất quốc phòng và xuất khẩu dầu khí, khoáng sản, nền kinh tế Nga đã vượt qua tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine tốt hơn dự đoán ban đầu của cả Nga lẫn phương Tây. Kinh tế nước này đã tăng trưởng mạnh mẽ sau khi giảm nhẹ vào năm 2022.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tình trạng thiếu hụt lao động lan rộng, đồng ruble suy yếu và lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 20 năm đã gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng của Nga.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC