Nga chấp nhận dành 300 tỉ USD 'bị đóng băng' để tái thiết Ukraine?

Hãng tin Reuters khẳng định Matxcơva có thể đang cân nhắc điều khoản hòa bình là dùng số tài sản bị đóng băng ở châu Âu cho việc tái thiết Ukraine.

1 Nga Chap Nhan Danh 300 Ti Usd Bi Dong Bang De Tai Thiet Ukraine

Cơ sở hạ tầng trên khắp đất nước Ukraine bị hư hại nặng nề do cuộc chiến kéo dài 3 năm - Ảnh: REUTERS

Ngày 21-2, Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin khẳng định Nga đang xem xét điều khoản kết thúc chiến tranh là sử dụng khối tài sản đang bị đóng băng ở châu Âu của nước này cho việc tái thiết Ukraine.

300 tỉ USD để xây dựng lại Ukraine?

Sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine hồi tháng 2-2022, các nước phương Tây đã đóng băng tài sản của Matxcơva tại nước mình, với tổng trị giá tài sản dao động từ 300 đến 350 tỉ USD.

Hầu hết số tài sản bị đóng băng là trái phiếu chính phủ Mỹ, Anh và các nước châu Âu được lưu giữ tại một kho lưu ký chứng khoán ở châu Âu.

Từ lâu, các nước phương Tây đã yêu cầu sử dụng số tài sản này để chi trả cho các khoản hỗ trợ Ukraine cũng như phục vụ quá trình phục hưng đất nước này sau khi chiến tranh kết thúc. Đề xuất này đã luôn bị phía Nga chỉ trích dữ dội.

Tuy nhiên, một nguồn thạo tin nội bộ Matxcơva của Reuters khẳng định Điện Kremlin có thể sẽ đồng ý bản thỏa thuận hòa bình, trong đó yêu cầu Nga dùng 2/3 khối tài sản ở châu Âu vào việc tái thiết Ukraine.

Số còn lại sẽ được dùng để xây dựng lại các lãnh thổ ở phía đông Ukraine do Nga kiểm soát và đã được Nga tuyên bố sáp nhập vào nước mình.

Trong khi đó, một nguồn thạo tin Matxcơva khác cũng cho rằng nước này sẽ đồng ý chi trả cho việc tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để xác định Nga đồng ý chia bao nhiêu phần tài sản bị đóng băng ở châu Âu cho Kiev.

Cả hai nguồn tin này đều khẳng định việc chọn doanh nghiệp nào đảm nhận các gói thầu tái thiết trong tương lai cũng sẽ là một phần quan trọng của việc đàm phán.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2024, chi phí tái thiết và phục hồi Ukraine rơi vào khoảng 486 tỉ USD.

Trong khi đó, một nguồn tin thân thiết với Điện Kremlin nhưng không tham gia trực tiếp vào quá trình đàm phán khẳng định Matxcơva vẫn sẽ yêu cầu ngừng việc đóng băng các tài sản Nga ở phương Tây. Động thái này là một phần điều khoản gỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Quyết tâm kết thúc chiến tranh của Nga

2 Nga Chap Nhan Danh 300 Ti Usd Bi Dong Bang De Tai Thiet Ukraine

Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin - Ảnh: REUTERS

Do từng bị Nga cự tuyệt trong quá khứ, điều khoản Nga sử dụng khối tài sản bị đóng băng để xây dựng lại Ukraine gần như chưa bao giờ được nhắc đến trong các cuộc thảo luận phương hướng kết thúc chiến tranh.

Do đó, theo Reuters, chuyện Matxcơva bắt đầu cân nhắc phương án này phần nào phản ánh mức độ Nga có thể nhượng bộ để nhanh chóng tiến đến kết thúc chiến tranh.

Điều này càng rõ ràng khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần đề cập việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và cộng sự cần thể hiện thiện chí đàm phán nghiêm túc.

Thực tế, trong quá khứ, một số nhân vật công khai ủng hộ "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhất ở Nga cũng từng thừa nhận nước này có thể chấp nhận mất một lượng tài sản dự trữ bị đóng băng nếu được giữ các vùng kiểm soát.

Hồi năm 2023, bà Margarita Simonyan, lãnh đạo Đài truyền hình RT, từng phát biểu: "Tôi đề xuất một giải pháp. Họ (châu Âu) dùng khoản tiền này để chi trả cho việc chúng tôi mua lại những lãnh thổ đó".

Hiện các lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát chỉ đóng góp 1% GDP Nga. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế tin rằng những khu vực ấy sẽ rất nhanh mở rộng tỉ lệ đóng góp nếu trở thành một phần của Nga sau chiến tranh.

Ngay cả trong điều kiện chiến tranh hiện tại, những khu vực này đã đóng góp đến 5% sản lượng ngũ cốc của Nga.

NGỌC ĐỨC

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan