Con đập chiến lược ở Kherson bị vỡ ảnh hưởng tới tính toán của cả Nga và Ukraine (Ảnh: CTV).
Ngày 5/6, đập thủy điện Nova Kakhovka bị vỡ khiến mực nước ở sông Dnipro đã tăng hơn 10m tại thành phố Nova Kakhovka ở tỉnh Kherson. Cả Nga và Ukraine đang cáo buộc lẫn nhau là bên gây ra vụ đập vỡ.
Tranh cãi về việc ai là bên khiến con đập bị vỡ chưa ngã ngũ, nhưng theo các chuyên gia vụ việc có thể khiến cho cả Nga và Ukraine đối mặt với thách thức lớn.
Theo tổ chức ISW (Mỹ), vụ vỡ đập làm ảnh hưởng tới cả 2 bên. Các vị trí quân sự của Nga và Ukraine dọc theo con sông đều bị ngập, cũng như các tuyến đường tiếp tế quan trọng.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk, người hiện giữ chức cố vấn của cơ quan trên, cảnh báo rằng, vụ vỡ đập khiến cho Ukraine chấm dứt hy vọng có thể vượt sông Dnipro để phản công.
Theo ông, vụ vỡ đập đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực hạ lưu sông Dnipro, với hàng trăm nghìn người trong khu vực hiện đang được sơ tán.
Con sông là ranh giới tự nhiên ngăn cách khu vực do Ukraine và Nga kiểm soát ở Kherson: phía Kiev ở bờ tây, trong khi Moscow ở bờ đông con sông.
Sông Dnipro là ranh giới tự nhiên giữa 2 khu vực Nga và Ukraine kiểm soát (Đồ họa: Guardian).
Khu vực này từng được xem là một địa điểm khả thi để Ukraine mở cuộc phản công lớn, nhưng với việc đập vỡ, kế hoạch này sẽ khó trở thành hiện thực.
"Vượt sông để phản công là bất khả thi. Ngay cả việc tấn công ở toàn bộ khu vực cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều", ông Zagorodnyuk cho biết.
Cố vấn của Ukraine cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công, với mục tiêu nhằm gây khó cho nỗ lực phản công của Ukraine và ngăn lực lượng Kiev vượt sông Dnipro.
Tuy nhiên, theo Newsweek, Nga cũng đang đối mặt với thách thức vì đập Nova Kakhovka bị vỡ. Vụ việc có thể gây nguy hiểm tới hoạt động cung cấp nước ngọt cho bán đảo Crimea. Đây vốn là một trong những mục tiêu quan trọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine năm ngoái.
Hồ chứa Nova Kakhovka cạn nước kéo theo việc Kênh Bắc Crimea, chạy 400km về phía nam và phía đông có thể bị gián đoạn việc cung cấp nước ngọt cho bán đảo Crimea, Vladimir Leontyev, lãnh đạo vùng Kherson do Nga bổ nhiệm, cảnh báo.
Con kênh này cung cấp 85% nước ngọt cho Crimea, hầu hết dùng cho hoạt động nông nghiệp.
Trước đây, sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Ukraine từng chặn con kênh, khiến Crimea đối diện với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Ngay sau khi tiến vào Kherson năm ngoái, Nga đã khơi thông lại con kênh và đưa nguồn nước ngọt về Crimea.
Mặt khác, cả nhà máy thủy điện Nova Kakhovka cùng hồ chứa và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia đều là những cơ sở năng lượng nhạy cảm mà Nga đang kiểm soát dọc theo bờ sông Dnipro.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia cũng đối mặt với thách thức khi hệ thống làm mát của cơ sở này phụ thuộc vào hồ chứa Kakhovka - nơi mức nước đang giảm rất nhanh. Một cuộc khủng hoảng ở nhà máy điện hạt nhân có thể gây ra hậu quả không thể lường trước tại châu Âu.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, ông Rafael Grossi, cho biết "không có rủi ro tức thời" đối với sự an toàn của nhà máy Zaporizhia, mặc dù nhấn mạnh rằng "việc không có nước làm mát trong thời gian dài có thể gây nguy hiểm".
Theo Newsweek
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC