Vài giờ sau khi tuyên bố thiết quân luật lúc nửa đêm khiến người Hàn Quốc choáng váng, Tổng thống Yoon Suk-yeol đảo ngược quyết định khi vấp phản đối gay gắt từ quốc hội. Khi tuyên bố áp lệnh thiết quân luật đầu tiên ở Hàn Quốc trong hơn 4 thập kỷ qua, ông Yoon cáo buộc phe đối lập làm tê liệt chính phủ bằng "các hoạt động chống nhà nước".
Ông nhắc đến việc đảng Dân chủ đối lập, chiếm đa số trong quốc hội Hàn Quốc, tuần này luận tội một số công tố viên cấp cao và bác bỏ đề xuất ngân sách của chính phủ. Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh bản thân đang hành động để "bảo vệ nền dân chủ tự do" của đất nước.
Giới quan sát nhận định ông Yoon có thể muốn "đánh phủ đầu" phe đối lập bằng lệnh thiết quân luật, nhưng động thái của ông đã vượt qua giới hạn của hoạt động chính trị bình thường ở Hàn Quốc. Điều này có thể gây rủi ro cho sự nghiệp chính trị của ông và đẩy Hàn Quốc vào cuộc khủng hoảng sâu sắc.
Jenny Town, nhà nghiên cứu của Trung tâm Stimson ở Mỹ, nói tuyên bố thiết quân luật là động thái "tuyệt vọng và nguy hiểm", có thể đánh dấu khởi đầu cho hoàng hôn nhiệm kỳ của ông Yoon.
"Ông ấy không được lòng dân và đây có thể là giọt nước tràn ly để thúc đẩy quá trình luận tội", bà nói.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Văn phòng tổng thống Seoul ngày 7/11. Ảnh: AP
Ông Yoon giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2022 với số phiếu cao hơn đối thủ 0,7%, mức chênh lệch sít sao nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Một số cử tri Hàn Quốc cho hay họ bầu cho ông Yoon vì "ghét các ứng viên khác nhiều hơn". Ông Yoon khi đó là người không có nhiều kinh nghiệm chính trị, xuất thân từ một công tố viên và gần như không được biết đến trên trường quốc tế.
"Việc là một người ngoại đạo về chính trị đã hạn chế đáng kể ảnh hưởng của ông Yoon ngay cả trong đảng Quyền lực Nhân dân của mình", Ramon Pacheco Pardo, giáo sư tại Đại học Hoàng gia London, nhận định. Đây được coi là lý do các nghị sĩ đảng Quyền lực Nhân dân đã lên tiếng phản đối lệnh thiết quân luật và bỏ phiếu thông qua nghị quyết bãi bỏ lệnh này.
Viện V-Dem, tổ chức nghiên cứu về chính phủ tại Gothenburg ở Thụy Điển, cho biết trong báo cáo thường niên hồi tháng 3 rằng nền dân chủ ở Hàn Quốc đã chứng kiến bước lùi kể từ khi ông Yoon đắc cử. Báo cáo trích dẫn các vụ kiện chống lại những người liên quan tới chính quyền tiền nhiệm, cũng như các cuộc tấn công vào bình đẳng giới và tự do ngôn luận.
Ông Yoon đã đáp trả những chỉ trích bằng cách tuyên bố đó chỉ là tin giả, đệ trình nhiều vụ kiện phỉ báng hơn bất kỳ chính quyền tiền nhiệm nào gần đây.
Dưới thời ông Yoon, Hàn Quốc đã tụt từ vị trí thứ 47 xuống 62 về chỉ số tự do báo chí toàn cầu mà tổ chức Phóng viên không biên giới (RWB) công bố năm nay.
Đảng Quyền lực Nhân dân của ông đã hứng chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử hồi tháng 4, khi đảng Dân chủ đối lập giành được 175 trong 300 ghế nghị sĩ và giành quyền kiểm soát quốc hội.
Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông cũng suy giảm nghiêm trọng sau khi đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee vướng nhiều bê bối và cáo buộc thao túng cổ phiếu. Các nhà lập pháp đối lập chỉ trích công tố viên Hàn Quốc thất bại trong việc truy tố vợ ông Yoon. Theo khảo sát gần đây nhất được Gallup tiến hành tuần trước, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon chỉ là 19%.
Quyết định áp lệnh thiết quân luật được coi là "giọt nước tràn ly". Chánh văn phòng tổng thống của ông Yoon cùng 10 trợ lý cấp cao đã đồng loạt đệ đơn từ chức.
Đảng Dân chủ đối lập đã bắt đầu thủ tục luận tội, cáo buộc các hành động của Tổng thống là vi hiến. Công đoàn lớn nhất Hàn Quốc hôm 4/12 cũng tuyên bố các thành viên của họ sẽ tiến hành đình công vô thời hạn cho tới khi ông Yoon rời nhiệm sở.
Nếu quốc hội bỏ phiếu luận tội ông Yoon, quyết định sau đó phải được ít nhất 6 trong 9 thẩm phán tòa án hiến pháp chấp thuận để tiến hành. Nếu bị cách chức, ông Yoon sẽ trở thành tổng thống Hàn Quốc thứ hai rơi vào tình huống này kể từ khi đất nước trở thành nền dân chủ. Người đầu tiên là bà Park Geun-hye, bị phế truất năm 2017.
Cảm giác bối rối và thất vọng bao trùm Hàn Quốc sau đêm hỗn loạn vì thiết quân luật. Nhiều tờ báo nước này đã đăng bài chỉ trích gay gắt hành động của ông Yoon.
Chosun Ilbo, tờ báo bảo thủ hàng đầu đất nước, đăng bài xã luận nói rằng tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon vượt quá giới hạn chính trị có thể chấp nhận được và mô tả đó "nỗi xấu hổ quốc gia" đối với nền dân chủ hàng đầu.
Bài xã luận của tờ Hankyoreh thiên tả chỉ trích hành động của ông Yoon là "sự phản bội nhân dân" và cho rằng ông Yoon đã "đánh mất khả năng phán đoán và lý trí tối thiểu cần cho một nguyên thủ quốc gia".
Người biểu tình phản đối lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon ở Seoul ngày 4/12. Ảnh: AFP
Quyết định thiết quân luật của ông Yoon nhiều khả năng còn ảnh hưởng tới hình ảnh của Hàn Quốc trên trường quốc tế. Khi ông Yoon nhậm chức năm 2022, giới lãnh đạo phương Tây kỳ vọng ông có thể là đối tác đáng tin cậy trong thúc đẩy nền dân chủ.
Quyết định áp lệnh thiết quân luật vội vàng của ông Yoon đã làm tổn hại kỳ vọng này, có thể gây thêm hoài nghi với Tổng thống đắc Mỹ Donald Trump, người từng có những bất đồng với cựu tổng thống Moon Jae-in về thương mại và các khoản chi trả cho quân đội Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc.
"Đối với một tổng thống đã tập trung quá nhiều cho danh tiếng quốc tế của Hàn Quốc, điều này khiến đất nước trông rất bất ổn. Nó cũng sẽ tác động tiêu cực tới thị trường tài chính và tiền tệ, cũng như vị thế ngoại giao của Hàn Quốc trên thế giới", Mason Richey, giáo sư Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul, nói.
Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói rằng tuyên bố thiết quân luật sẽ khiến Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn để tham gia các nỗ lực ngoại giao đa quốc gia.
"Sau những gì vừa xảy ra, tôi nghĩ người Hàn Quốc khó có thể tiếp tục công nhận quyền lực của ông Yoon", Vladimir Tikhonov, giáo sư nghiên cứu về Hàn Quốc tại Đại học Oslo, nói, dự báo về những thách thức mà Tổng thống nước này đối mặt trước nỗ lực luận tội của phe đối lập.
Thùy Lâm (Theo The Guardian, CNN, AFP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC