"Gừng thêm cay cùng thời gian, thầy thêm giỏi cùng năm tháng"
Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 của các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2024 diễn ra sáng 17/11 tại Hà Nội.
Sự kiện tôn vinh 21 Nhà giáo nhân dân, 65 Nhà giáo ưu tú và 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định làm giáo dục là một việc khó. Giáo dục chân chính, đúng đạo lý, hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa được tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao danh hiệu Nhà giáo Nhân dân do Chủ tịch nước phong tặng cho các nhà giáo (Ảnh: Trần Hiệp).
"Người xưa nói "Gừng thêm cay cùng thời gian, thầy thêm giỏi cùng năm tháng". Kính mong các thầy cô tiếp tục tự học, tự đổi mới mình, vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình.
Các thầy cô là những người ưu tú cần làm hạt nhân cho việc giải quyết những vấn đề mới, vấn đề khó.
Ưu tú không đợi phải phân công, không đợi phải yêu cầu, mà sự ưu tú ấy cần được thể hiện qua tinh thần dấn thân, gánh vác, chủ động, tích cực với những việc đã làm, đang làm và cần làm cho giáo dục của đất nước", Bộ trưởng nhắn nhủ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu những nhiệm vụ thách thức mà ngành giáo dục sẽ phải đối mặt trong bối cảnh mới.
Sau một quá trình thực hiện đổi mới thành công bước đầu với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, ngành giáo dục phải tập trung đổi mới và nâng cấp giáo dục mầm non.
Nhiều vấn đề được đặt ra như huy động trẻ đến trường, triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, phổ cập mầm non theo độ tuổi đảm bảo đủ giáo viên, đủ cơ sở vật chất, huy động nguồn lực xã hội, lo cơ sở vật chất, an toàn trường học, chống bạo hành và an toàn thực phẩm, đủ giáo viên và đảm bảo các điều kiện để giáo viên an tâm công tác.
Tiết mục văn nghệ chào mừng sự kiện vinh danh nhà giáo sáng 17/11 (Ảnh: Trần Hiệp).
Bên cạnh đó, giáo dục phổ thông đã đến thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa, đòi hỏi cần có một lần đánh giá quá trình triển khai, rút kinh nghiệm, điều chỉnh những nội dung cần thiết để thực hiện đổi mới theo chiều sâu hơn.
Nhiều vấn đề sẽ cần giải quyết rốt ráo, sâu rộng như phát triển con người trong thách thức mới của giáo dục số, trí tuệ nhân tạo và đưa tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường.
Đối với giáo dục đại học, cùng với việc triển khai tự chủ đại học theo chiều sâu, một trong những nhiệm vụ trước mắt cần phải thực hiện là hiện đại hóa cơ sở vật chất giảng dạy, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu vốn còn rất nghèo nàn và lạc hậu so với các đại học tiên tiến trên thế giới.
Giáo dục không chỉ bằng trí óc mà còn bằng cả con tim
Chia sẻ tại lễ vinh danh, cô Vũ Thị Hạnh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, tỉnh Yên Bái, 1 trong 21 Nhà giáo nhân dân năm 2024 - dẫn lại lời dạy của Bác Hồ được cô luôn tâm niệm như kim chỉ nam cho sự nghiệp của mình: "Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy như thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh".
Giúp học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh là một mục tiêu đầy thử thách với bất kỳ người thầy nào, đòi hỏi cá nhân người thầy phải không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo trong phương pháp dạy học.
Cô Hạnh chia sẻ, trong mỗi giờ học, cô đều đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp với nguyên tắc: trong mỗi bài dạy, kiến thức phải được cô đọng, trọng tâm, không dàn trải.
Bài giảng phải phát huy tối đa tính tích cực của học sinh để các em tự khám phá tìm tòi kiến thức thì sẽ nhớ rất lâu. Bên cạnh đó học phải đi đôi với hành, gắn lý thuyết với thực tế cuộc sống, sẽ làm cho các trò thấy được ý nghĩa của mỗi môn học.
"Không chỉ truyền thụ kiến thức, tôi tâm niệm rằng giáo dục không chỉ bằng trí óc mà còn bằng cả con tim, còn phải "dạy người" cho các học sinh thân yêu.
Tình yêu thương chân thành và sự quan tâm đúng mực của mỗi nhà giáo có thể dìu dắt học trò vượt qua những khó khăn, thử thách và trở thành học sinh tiêu biểu, những công dân có ích cho xã hội", cô Hạnh nói.
Trong hơn 300 nhà giáo được vinh danh sáng 17/11 có cô Hoàng Thị Huyền Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Một trong những thành tích nổi bật của cô Trang là sáng kiến cải tiến phương pháp tính khẩu phần ăn cho trẻ tại trường mầm non. Sáng kiến này được nhân rộng ra tất cả các trường mầm non trên địa bàn huyện Hiệp Hòa và các huyện lân cận của tỉnh Cao Bằng.
Cô Hoàng Thị Huyền Trang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bế Triều, Cao Bằng (Ảnh: Hoàng Hồng).
Trong điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các trường mầm non không có kinh phí mua phần mềm chuyên dụng để tính khẩu phần ăn cho trẻ. Nhà trường không có tổ bếp riêng phụ trách, giáo viên phải kiêm nhiệm việc tính toán khẩu phần ăn cho trẻ hằng ngày.
Việc tính toán thủ công vừa phức tạp, vừa dễ nhầm lẫn, sai sót, vừa đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Không những thế, một tính toán nhầm lẫn có thể làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng bữa ăn bán trú, như thiếu thực phẩm, thiếu định lượng theo bữa, thiếu dinh dưỡng…
Cô Trang đã nghiên cứu ra một bảng tính trên công cụ excel, với các công thức tính toán được cài đặt sẵn. Giáo viên chỉ cần nhập số liệu đầu vào như số học sinh, định lượng theo suất ăn là tính toán được khẩu phần chi tiết, từ đó quy ra được số thực phẩm cần mua hoặc cần bổ sung theo từng ngày, từng bữa.
Bảng tính của cô Trang không cần tới kết nối internet vẫn thực hiện được, thao tác thuận tiện. Giáo viên được giảm khối lượng công việc. Chất lượng bữa ăn bán trú được nâng cao. Trẻ được ăn đủ no và đủ ngon.
Cô Trang quê ở Thái Nguyên, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên khoa sư phạm mầm non. Cô lên Cao Bằng công tác ngay khi mới ra trường và ở lại đây suốt 15 năm qua, bất chấp những điều kiện khó khăn, vất vả tại địa phương.
"Đã chọn nghề giáo là không ngại khó, ngại khổ. Nếu ngại khó, ngại khổ đã không chọn nghề này", cô Trang chia sẻ.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC