Sau sắp xếp, Hà Nội giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã, dôi dư 831 cán bộ và hơn 90 trụ sở công.
Sau sắp xếp thành phố dôi dư 831 cán bộ và hơn 90 trụ sở công, vậy vấn đề này sẽ được Hà Nội giải quyết như thế nào, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội.
Giảm 38 xã, 15 phường
Ông Cảnh cho biết, ngày 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết về phương án sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025 của TP Hà Nội.
Theo đó, Hà Nội thực hiện sắp xếp 109 ĐVHC cấp xã (67 đơn vị thuộc diện sắp xếp; 34 đơn vị liền kề, 8 đơn vị khuyến khích) để hình thành 56 ĐVHC cấp xã mới (33 xã, 23 phường), giảm 53 ĐVHC cấp xã (38 xã, 15 phường).
Sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã, thành phố có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã; 526 ĐVHC cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Các quận, huyện có ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 gồm Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Ba Đình, Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Gia Lâm và thị xã Sơn Tây.
Ông Cảnh cho biết, việc sắp xếp ĐVHC góp phần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm góp phần sàng lọc đội ngũ, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, việc này góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của thủ đô để phát triển bền vững.
Dôi dư 831 cán bộ
"Sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố, dự kiến số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư 831 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách", ông Cảnh nói.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để đến năm 2029 (sau 5 năm) giải quyết dứt điểm 831 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư.
Trong đó, năm 2024 giải quyết cho 448 người, năm 2025 là 207 người, năm 2026 là 110 người, năm 2027 là 36 người, năm 2028 là 21 người, năm 2029 giải quyết 9 người.
TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, có phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thận trọng, khoa học, khách quan, có tính nhân văn. Vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức vừa phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí công việc của từng cán bộ, công chức.
Theo đó, các địa phương sẽ dựa trên năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của các cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp xã để xem xét tuyển dụng, điều động hoặc luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của cấp xã, cấp huyện và ở các địa phương khác trong thành phố theo yêu cầu nhiệm vụ.
UBND TP Hà Nội biểu quyết thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố tại phiên họp thường kỳ tháng 4 (Ảnh: CTV).
Ông Cảnh cho hay, việc bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã sau khi sắp xếp ĐVHC tiến hành đồng bộ, liên thông giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Trong đó, ưu tiên bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã có đủ phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn, điều kiện vào các chức danh tương đương hoặc ưu tiên giới thiệu bầu chức danh cán bộ ở ĐVHC khi có nhu cầu hoặc ưu tiên tuyển dụng làm công chức, viên chức theo quy định.
Bên cạnh đó, theo ông Cảnh, cán bộ, công chức đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, nếu có nguyện vọng thành phố sẽ tạo điều kiện cho nghỉ chế độ theo quy định pháp luật; cán bộ có nguyện vọng chuyển công tác cũng được giải quyết kịp thời.
Đồng thời, thành phố sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính cấp huyện.
Đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ở phường, ông Cảnh cho biết các trường hợp này được áp dụng theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP, ngày 9/3/2015 của Chính phủ; Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW, ngày 20/12/2019 của Ban Tổ chức Trung ương.
Trường hợp thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì thực hiện theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ và các Nghị quyết của HĐND thành phố, theo ông Cảnh.
Ngoài các cơ chế, chính sách chung của Trung ương, đối với cán bộ dôi dư, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ công tác khi sắp xếp ĐVHC.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính kỳ vọng góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của thủ đô để phát triển bền vững (Ảnh: CTV).
Đối với công tác cán bộ do sắp xếp ĐVHC cấp xã, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 đã nêu rõ, khi nhập hai bộ máy, ngoài những cán bộ công chức chuyển công tác hoặc xin nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân thì cần sắp xếp, còn lại sẽ nhập nguyên trạng số lượng cán bộ công chức của hai bên và sẽ giải quyết từng bước theo lộ trình sau 5 năm từ khi quyết định hợp nhất có hiệu lực như đã nêu ở trên.
Trong đó, với những vị trí cán bộ chuyên trách của các đơn vị cấp xã phải sắp xếp ĐVHC (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UB MTTQ, trưởng các đoàn thể…), ông Cảnh cho biết, thành phố sẽ có phương án và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiến hành sắp xếp bảo đảm phù hợp.
"Với các chức danh cấp phó của 2 đơn vị sáp nhập thì được giữ nguyên nên những vị trí công việc mà họ đang đảm nhiệm sẽ vẫn được tiếp tục", Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho hay.
Không để xảy ra thất thoát, lãng phí khi xử lý trụ sở công dôi dư
Về giải quyết dôi dư trụ sở để tránh tình trạng thất thoát, lãng phí, theo ông Cảnh, sau sắp xếp dự kiến sẽ dôi dư hơn 90 trụ sở. Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Chính quyền địa phương các cấp lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công.
"Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà đất công của các ĐVHC sau khi sắp xếp cần phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng luật, để không xảy ra thất thoát, lãng phí", người đứng đầu Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định.
Đối với các công trình đã có phương án bàn giao cho các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội ở địa phương quản lý, sử dụng, ông Cảnh cho biết các đơn vị sẽ nhanh chóng thực hiện các thủ tục bàn giao và đưa vào sử dụng.
Đối với các công trình được hình thành từ tiền hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và đóng góp nhân dân được xử lý theo hình thức "bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất" hoặc "thu hồi", phải được sự đồng thuận, thống nhất của nhân dân thôn, xóm, tổ dân phố có công trình dôi dư và phải thực hiện trình tự, thủ tục xác lập sở hữu toàn dân về tài sản theo quy định của pháp luật.
Quá trình thực hiện phải đảm bảo chặt chẽ, tránh các vấn đề khiếu kiện liên quan. Chủ trương chung là các công trình, thiết chế văn hóa cơ sở dôi dư phải được để lại phục vụ cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố...
Không thu phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC
Ông Cảnh cũng cho hay, thành phố đã chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp ĐVHC chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC.
Bên cạnh đó, theo ông Cảnh, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng phương án hỗ trợ tổ chức, công dân trong việc chuyển đổi hồ sơ, giấy tờ do sắp xếp ĐVHC.
Theo đó, thành phố đã chỉ đạo sau khi thực hiện sắp xếp xong ĐVHC, các cơ quan có liên quan sẽ thực hiện làm thủ tục, hồ sơ cho tổ chức và cá nhân ngay tại thôn, tổ dân phố ở xã, phường, thị trấn và không thu lệ phí của tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC