Hà Nội siết chặt đấu giá đất

Hà Nội siết chặt đấu giá đất

UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp nâng cao hiệu quả đấu giá quyền sử dụng đất.

UBND TP Hà Nội vừa có Công văn số 4085 yêu cầu các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp nâng cao hiệu quả đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo chỉ đạo, các địa phương cần đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của việc giao đất và cho thuê đất thông qua đấu giá. Đặc biệt, các đơn vị tránh tổ chức đấu giá tại những khu vực có giá khởi điểm thấp, không đủ bù đắp chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Những khu đất như vậy có thể được chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ tái định cư hoặc xây dựng công trình công cộng, góp phần hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

UBND TP yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng quy định pháp luật, đồng thời rà soát và chấn chỉnh công tác đấu giá theo các văn bản chỉ đạo trước đó của Chính phủ và thành phố. Quận, huyện, thị xã được giao nhiệm vụ chủ động đề xuất giải pháp cụ thể, bảo đảm quá trình tổ chức đấu giá diễn ra chặt chẽ, công khai, minh bạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

1 Ha Noi Siet Chat Dau Gia Dat

Phiên đấu giá đất tại huyện Hoài Đức tổ chức vào tháng 8 vừa qua (Ảnh: Dương Tâm).

Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy, thị ủy cũng được giao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để thực hiện các biện pháp ổn định thị trường bất động sản, tránh phát sinh các vấn đề phức tạp. Sở Tài nguyên và Môi trường được giao trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện, đồng thời báo cáo UBND TP trong tháng 2/2025.

Trước đó, ngày 29/11, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) tổ chức đấu giá 58 lô đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Phiên đấu giá gây xôn xao dư luận khi có 3 lô đất được trả giá lên tới trên 30 tỷ đồng/m2.

Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, tại vòng đấu thứ 5, một số thửa đất khách hàng trả giá cao bất thường, trong đó có khách hàng Phạm Ngọc Tuấn trả giá 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất. Bên cạnh đó, khách hàng Ngô Văn Dương trả giá 101,4 triệu đồng/m2 cho 13 thửa đất.

Khách hàng Nguyễn Thể Quân và Nguyễn Thế Trung trả giá 98,4 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất. Ngoài ra, 2 khách hàng Nguyễn Thị Quỳnh Liên, Nguyễn Đức Thành trả giá 50,4 triệu đồng/m2, 59,4 triệu đồng/m2, 62,4 triệu đồng/m2, 68,4 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất.

Tuy nhiên, đến vòng thứ 6 (vòng đấu cuối cùng), khách hàng không tiếp tục trả giá cho 36 thửa đất.

Kết thúc phiên đấu giá, chỉ 22/58 thửa đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất 32,4 triệu đồng/m2; cao nhất 50,4 triệu đồng/m2. 36 thửa đất đấu giá không thành do tất cả khách hàng không trả giá ở vòng 6 (vòng đấu cuối cùng).

Ngày 3/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự 5 đối tượng để điều tra liên quan vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 trong phiên đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn.

Các đối tượng bị tạm giữ gồm Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân. Theo Công an TP Hà Nội, 5 đối tượng nêu trên bị điều tra về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Ngày 30/11, huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) tổ chức đấu giá 22 thửa đất tại xã Đỗ Động. Các thửa đất lên sàn đấu giá có diện tích 85-135m2. Giá khởi điểm các thửa đất này từ 5,3 triệu đồng/m2, tương ứng tiền cọc 90,89-143,84 triệu đồng/thửa.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Trọng Khiển - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai - cho biết, đến vòng thứ 8, giá cao nhất là khoảng 70 triệu đồng/m2, nhưng do khách hàng đồng loạt bỏ cuộc nên các lô đất đấu giá đều không thành công.

"Đa phần người tham gia đấu giá nhiều vòng là của văn phòng nhà đất. Chỉ một vài phiên đấu giá được tổ chức, những người này sẽ quen và móc nối với nhau. Việc đấu giá thất bại lần này sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách của huyện", ông Khiển chia sẻ thêm.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan