Vì sao sau gần 3 năm động thổ, sân bay Sa Pa vẫn "ế" nhà đầu tư?

Vì sao sau gần 3 năm động thổ, sân bay Sa Pa vẫn "ế" nhà đầu tư?

Kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án cho thấy có nhiều nguyên nhân khiến nhà đầu tư nghi ngại như điều chỉnh tăng vốn góp Nhà nước, thời gian thu hồi vốn quá dài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có thông báo kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa (sân bay Sa Pa) theo phương thức đối tác công tư. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi còn một số nội dung cần phân tích, đánh giá kỹ hơn.

Không lựa chọn được nhà đầu tư

Dự án sân bay Sa Pa được động thổ cách đây 3 năm, sau 2 lần mời thầu nhưng không có nhà đầu tư tham dự. Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lào Cai tổng kết, rút kinh nghiệm để có phương án xử lý nếu phát sinh trường hợp tương tự trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời khảo sát thêm các nhà đầu tư quan tâm đến dự án.

Trước đó, khảo sát của UBND tỉnh Lào Cai cho thấy, có 2 nhà đầu tư muốn làm sân bay Sa Pa là Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sapa thuộc tập đoàn SunGroup và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T. Sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự thầu.

Phía địa phương giải trình cho rằng việc đầu tư vào hạ tầng sân bay cần nguồn vốn rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn kéo dài, khiến nhiều nhà đầu tư còn e dè, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên UBND tỉnh Lào Cai chưa tổng kết kinh nghiệm về vấn đề này để có phương án xử lý nếu phát sinh trường hợp tương tự trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

1 Vi Sao Sau Gan 3 Nam Dong Tho San Bay Sa Pa Van E Nha Dau Tu

UBND tỉnh Lào Cai tổ chức lễ động thổ dự án Cảng Hàng không Sa Pa (Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Lào Cai).

Một lý do khác khiến nhà đầu tư nghi ngại là đề nghị điều chỉnh là tăng phần vốn góp của nhà nước từ 39,29% lên 49,74%.

Hội đồng thẩm định liên ngành cũng yêu cầu địa phương phân tích sâu sắc hơn nữa mối quan hệ của việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước với việc không có nhà đầu tư tham dự thầu, trong khi đó đầu tư các dự án hàng không có tính chất đặc thù, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để làm rõ các điều kiện cần thiết, đảm bảo tính khả thi trong việc thu hút vốn đầu tư. Thời gian thu hồi vốn hiện nay quá dài, gấp 2 lần các dự án đường bộ.

Phía Bộ Giao thông vận tải cho biết đang lập đề án xã hội hóa ngành hàng không để trình các cấp có thẩm quyền. Hội đồng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT làm rõ các điều kiện cần thiết, đảm bảo tính khả thi trong việc thu hút vốn đầu tư dự án.

Cơ quan thẩm định cũng đề nghị làm rõ các nguyên nhân chính yếu khác dẫn đến việc chưa lựa chọn được nhà đầu tư như dự kiến khung giá, phí, cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, đề xuất việc điều chỉnh toàn diện các nội dung cho phù hợp, tính khả khi của dự án.

Lào Cai muốn giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án

Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai muốn thực hiện việc giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án trong giai đoạn 1.

Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị địa phương này giải trình về việc cân nhắc di dân vì giai đoạn 2 sẽ chỉ thực hiện sau năm 2028, giải phóng mặt bằng có thể sẽ chưa sử dụng, dân cư phải di dời nhưng chưa thực hiện đầu tư dự án thành phần 2. Giai đoạn 2 này cũng cần làm rõ đầu tư thuộc hạng mục nào để đạt công suất 3 triệu hành khách mỗi năm và tiến độ đầu tư sân bay quân sự cấp II.

2 Vi Sao Sau Gan 3 Nam Dong Tho San Bay Sa Pa Van E Nha Dau Tu

Phối cảnh sân bay Sa Pa xây dựng ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai (Ảnh: Phạm Ngọc Triển).

Địa phương cho biết toàn bộ ranh giới quy hoạch đã được cắm mốc và giao cho UBND huyện Bảo Yên quản lý, các hộ dân trong phạm vi thực hiện giai đoạn 2 không được xây dựng mới các công trình. Trên cơ sở nguyện vọng của người dân, đề xuất của địa phương thì UBND tỉnh Lào Cai đề nghị cho phép triển khai giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án trong giai đoạn 1.

Phía Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh có giải pháp tuyên truyền ổn định dân cư và bảo vệ tái lấn chiếm khu vực đã giải phóng mặt bằng. Đồng thời, giám sát chặt chẽ chủ đầu tư cam kết thực hiện giai đoạn 2 theo đúng lộ trình.

Cần xem xét lại hiệu quả đầu tư

Cơ quan thẩm định đề nghị UBND tỉnh Lào Cai rà soát về các yếu tố đầu vào, trong đó có khung giá, phí của dự án, đảm bảo tính khả thi do thời gian hoàn vốn rất dài, khó thu hút vốn từ các ngân hàng thương mại.

Lào Cai cho biết đã tham khảo lãi suất cho vay trung hạn của 3 ngân hàng thương mại tại thời điểm tháng 7 và cập nhật lãi suất huy động vốn mới nhất trong phương án tài chính. Sau khi tính toán cho thấy thời gian hoàn vốn của dự án là 43 năm 11 tháng.

Hội đồng thẩm định cho rằng dự báo nhu cầu vận tải của Cảng hàng không Sa Pa chưa đủ cơ sở thuyết phục. Một số lý do được chỉ ra như chưa dự báo được số lượng hành khách sẽ đi và đến, vị trí chưa thuận tiện khi cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 80km, phân lưu với các tuyến đường cao tốc, đường sắt kết nối tỉnh Lào Cai với các địa phương.

Ngoài ra dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên sau khi hoàn thành năm 2026 sẽ chia sẻ lưu lượng khách với dự án này. Phương pháp dự báo tăng trưởng nhu cầu vận chuyển là xét đoán chuyên gia, không tính được trên cơ sở khoa học.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, dự kiến năm 2027 sẽ có khoảng 1 triệu khách hàng đi bằng máy bay của cảng hàng không Sa Pa là khả thi. Ngoài ra khi dự án hoàn thành sẽ thu hút lượng khách lớn từ vùng Tây Nam - Trung Quốc. Về vị trí, các đường kết nối đến cảng hàng không đang được đầu tư nâng cấp nên thời gian di chuyển được rút ngắn chỉ 1 giờ.

Hội đồng thẩm định tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Lào Cai phải chịu trách nhiệm về kết luận khảo sát và tính toán, dự báo, đảm bảo việc tính toán là khoa học, trung thực, khách quan.

Tháng 10/2021, Thủ tướng có Quyết định số 1773 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư của dự án gần 7.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 gần 4.200 tỷ đồng, giai đoạn 2 gần 2.800 tỷ đồng.

Dự kiến quy mô xây dựng Cảng hàng không Sa Pa chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021, xây dựng Cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, đạt công suất 1,5 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2028, hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 3,0 triệu hành khách/năm đảm bảo phù hợp với quy hoạch.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Nhu cầu sử dụng đất dự kiến là 371 ha. Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến là 4 năm; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm).

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan