'Viện trợ địa phương tuy nhỏ nhưng vun đắp hiệu quả tình cảm Việt Nam - Nhật Bản'

'Viện trợ địa phương tuy nhỏ nhưng vun đắp hiệu quả tình cảm Việt Nam - Nhật Bản'

Theo Tổng lãnh sự Nhật Bản, các dự án viện trợ cấp cơ sở đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương, đồng thời vun đắp tình cảm tốt đẹp của người dân Việt Nam đối với Nhật Bản.

1 Vien Tro Dia Phuong Tuy Nho Nhung Vun Dap Hieu Qua Tinh Cam Viet Nam   Nhat Ban

Tổng lãnh sự Nhật Bản Ono Masuo (phải) cùng Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Y Djoang Niê tại buổi lễ ký kết hợp đồng viện trợ sáng 19-11 - Ảnh: HỮU HẠNH

Sáng 19-11, tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở TP.HCM, Tổng lãnh sự Nhật Bản Ono Masuo đã có buổi ký kết hợp đồng viện trợ dự án xây dựng phòng học và trang thiết bị dạy học cho Trường tiểu học Y Jút, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

"Tôi cho rằng các dự án viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở tuy nhỏ, nhưng được triển khai ở nhiều địa phương, qua đó càng tăng cường tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc, vun đắp tình cảm cho các hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa hai Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam, trong bối cảnh địa chính trị thay đổi nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức cho cả hai quốc gia", Tổng lãnh sự Nhật Bản Ono Masuo chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.

Từ năm 1995-2023, trong khuôn khổ chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở (GGP), Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ 226 dự án tại 26 tỉnh, thành phía Nam Việt Nam, với tổng trị giá hơn 18 triệu USD. 

Các dự án viện trợ chủ yếu trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, cầu, đường giao thông nông thôn... đáp ứng trực tiếp các như cầu sinh hoạt của người dân.

Dự án tại Trường Y Jút, tỉnh Đắk Lắk có trị giá 86.842 USD, bao gồm việc xây dựng tòa nhà 2 tầng gồm 4 phòng học, đồng thời trang bị nhiều thiết bị dạy và học.

Dự án hướng đến việc giải quyết tình trạng thiếu phòng học, cải thiện môi trường học tập cho học sinh nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của chương trình mục tiêu quốc gia đề ra, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Trước khi nhậm chức tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, ông Ono Masuo đã có thời gian công tác tại Việt Nam qua nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó có giai đoạn năm 1995 - khi Nhật Bản bắt đầu chương trình GGP.

2 Vien Tro Dia Phuong Tuy Nho Nhung Vun Dap Hieu Qua Tinh Cam Viet Nam   Nhat Ban

Ông Ono Masuo đã có hơn 10 năm công tác tại Việt Nam dưới nhiều vai trò khác nhau - Ảnh: HỮU HẠNH

"Tôi vẫn còn nhớ khi lần đầu tham gia thực hiện dự án viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở vào năm 1995 với nhiều kỷ niệm khó quên. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã viện trợ các dự án xây dựng trường học, cung cấp thiết bị y tế, cải thiện cơ sở hạ tầng như cầu, đường giao thông… tại khu vực nông thôn - nơi chiếm đại đa số là người dân thuộc tầng lớp thu nhập thấp sinh sống", ông Ono trả lời riêng Tuổi Trẻ Online.

Theo ông Ono, Nhật Bản là quốc gia viện trợ hàng đầu cho Việt Nam. Bên cạnh các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, Chính phủ Nhật Bản cũng rất quan tâm đến những dự án có quy mô nhỏ ở cấp địa phương.

Đại diện Nhật Bản nhấn mạnh các dự án đã giúp vun đắp hơn nữa tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Nhật Bản, từ đó trở thành nền tảng vững chắc để hai nước vào năm 2023 nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Huyện Krông Pắc cam kết quản lý, gìn giữ dự án

Tại buổi lễ ký kết sáng 19-11, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Y Djoang Niê thay mặt nhân dân, ban giám hiệu Trường tiểu học Y Jút, cùng toàn thể học sinh của trường, gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Nhật Bản và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM.

Ông Y Djoang Niê cho biết đây là công trình hết sức ý nghĩa và thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tại trường.

"Chúng tôi cam kết sau khi đầu tư dự án sẽ tiến hành quản lý quá trình sử dụng công trình được viện trợ chặt chẽ, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng để công trình phát huy hiệu quả lâu dài", ông Y Djoang Niê phát biểu tại lễ ký kết.

NGHI VŨ

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan