Thời gian qua, liên quan đến lùm xùm bằng cấp của ông Vương Tấn Việt, có nhiều ý kiến băn khoăn về trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong khâu tuyển sinh và đào tạo đối với người học này.
Trước đó, theo kết quả xác minh cho thấy, ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng bổ túc văn hóa không hợp pháp. Ông Việt cũng đã thừa nhận việc này và tự nguyện giao nộp các văn bằng để xử lý theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học liên quan thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật, đồng thời rà soát quy trình tổ chức đào tạo nhằm tránh xảy ra các trường hợp tương tự. [1]
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo không chỉ dừng ở việc thu hồi bằng là xong.
Thượng toạ Thích Chân Quang có tên khai sinh là Vương Tấn Việt. Ảnh: GHPGVN.
Trường đại học phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước pháp luật
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng: “Luật Giáo dục hay Luật Giáo dục đại học đều đã quy định rõ quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục gắn với tự chịu trách nhiệm về nguồn lực, về tài chính cũng như về tuyển sinh... Do đó, trách nhiệm kiểm tra, rà soát hồ sơ đối với các thí sinh khi được tuyển vào học tập, nghiên cứu tại nhà trường, đều thuộc về chính cơ sở đào tạo đó. Trong đó, có cả việc kiểm tra, thẩm định các văn bằng khi thí sinh nộp về, có chính xác và thực sự hợp pháp hay không?
Trong trường hợp như đối với ông Vương Tấn Việt, bằng bổ túc văn hóa đã không hợp pháp, vậy, không có đủ tư cách học tập ở các bậc học cao hơn (đại học và sau đại học), như vậy, đương nhiên những tấm bằng này cũng không có giá trị.
Đây cũng là một hệ lụy rất lớn. Rút kinh nghiệm trường hợp của ông Vương Tấn Việt cũng như một số trường hợp khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có những thông tư hướng dẫn cụ thể hơn để các cơ sở giáo dục đại học triển khai, thực hiện tốt hơn quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm, đặc biệt trong công tác tuyển sinh.
Trước mỗi mùa tuyển sinh, các cơ sở đào tạo không đơn thuần chỉ nhận hồ sơ hay tổ chức thi tuyển, xét tuyển, mà đồng thời cũng phải có trách nhiệm xác minh rõ ràng, minh bạch, không chỉ với vấn đề bằng cấp, mà còn phải kiểm tra thật kỹ đối với người dự tuyển. Ví dụ, người đó đang trong thời kỳ thụ án, có thể đang hưởng “án treo” chẳng hạn, thì cũng không thể tuyển một thí sinh như vậy. Như vậy, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo là thẩm định cả về phẩm chất, nhân thân, bằng cấp, lý lịch tư pháp... một cách đầy đủ, toàn diện”.
Ngoài ra, ông Lê Như Tiến cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học khi để “lọt” một thí sinh với bằng cấp không hợp pháp, trúng tuyển vào trường, rồi đào tạo và cấp bằng đại học.
Cụ thể, ông Lê Như Tiến phân tích: “Rõ ràng, trong trường hợp này, cơ sở giáo dục đại học là Trường Đại học Hà Nội phải có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, khi để xảy ra một “lỗ hổng” như vậy trong công tác tuyển sinh. Theo đó, phải xem xét kỷ luật đối với bộ phận tuyển sinh, đặc biệt, người quản lý của nhà trường về công tác tuyển sinh, đó là những người có trách nhiệm trực tiếp, phải có hình thức kỷ luật. Xác định tùy thuộc trách nhiệm mỗi bộ phận đến đâu, mức độ gây nguy hại cho xã hội hoặc hậu quả lớn đến đâu, để có hình thức kỷ luật xứng đáng, nhưng chắc chắn, ở đây không thể là vô can”.
Đồng tình với những trao đổi trên, ông Nguyễn Bá Thuyền - nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nêu quan điểm: “Thứ nhất, trách nhiệm của các trường đại học khi tuyển sinh, phải kiểm tra rất kỹ hồ sơ. Tất nhiên, cũng có thể có những trường hợp do làm quá tinh vi, dẫn đến khó phát hiện hơn; tuy nhiên, cũng có những trường hợp là do tiêu cực. Chính vì vậy, chúng ta phải xem xét thật kỹ vấn đề, khi sơ tuyển, trách nhiệm thuộc về ai? Bản thân những người làm công tác tuyển sinh khi đó (Hội đồng tuyển sinh) do thiếu trách nhiệm, hay có gì khác mà dẫn đến để “lọt” hồ sơ không đạt trúng tuyển vào trường? Thực tế, đối với hệ thống bằng cấp tại Việt Nam hiện nay, nếu nói là khó thẩm định cũng không đúng. Nếu thực sự muốn kiểm chứng, không phải là quá khó...
Thứ hai, đây không chỉ là trách nhiệm của riêng bộ phận tuyển sinh hay phòng đào tạo, mà là trách nhiệm của nhà trường. Bên cạnh trách nhiệm của các bộ phận trực tiếp tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, cũng cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, dù có nói thế nào, cũng không tránh khỏi trách nhiệm, khi đã quản lý như thế nào, mới để xảy ra vấn đề như vậy”.
Ông Nguyễn Bá Thuyền - nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.
Cần rà soát lại chương trình đào tạo tiến sĩ của Trường Đại học Luật Hà Nội
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cũng bày tỏ: “Theo tôi, không riêng gì Trường Đại học Hà Nội hay Trường Đại học Luật Hà Nội trong vụ việc của ông Vương Tấn Việt vừa qua, mà đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, đây cũng là một bài học lớn.
Đó là khi tuyển đầu vào, đặc biệt đối với trình độ đại học, sau đại học, ngay từ khâu thẩm định, xác minh hồ sơ, bằng cấp, phải được làm một cách thật cẩn thận, khách quan, minh bạch, để thứ nhất là đỡ gây tốn kém, thứ hai là kịp thời phát hiện những vấn đề, thứ ba là tránh được những phiền hà sau này phải giải quyết.
Chính vì thế, cần phải xem xét, xác định trách nhiệm của những đơn vị nào, “lỗ hổng” ở khâu nào, để làm gương. Cũng không thể, để xảy ra sai sót, khi phát hiện bằng cấp không hợp pháp từ khâu tuyển sinh, mà chỉ thu hồi văn bằng đã cấp cho người học là xong, cần xem xét cả trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường”.
Ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng. Ảnh: quochoi.vn.
Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Vinh cũng đề cập đến, hiện tại, khi dư luận đặt nhiều dấu hỏi về vấn đề đào tạo tiến sĩ ở Trường Đại học Luật Hà Nội, cũng cần có sự rà soát, đánh giá lại ông Việt quá giỏi hay đào tạo quá dễ?
“Cần phải rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo, từ các buổi học, các học phần, trong quá trình học tập, nghiên cứu của người học. Thông qua đó, có thể đánh giá chính xác hơn; mặt khác, rút kinh nghiệm, làm tốt hơn; đồng thời, làm gương cho các trường hợp khác” - vị này nhấn mạnh.
Nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cũng chia sẻ thêm: “Giống như nhiều chuyên gia giáo dục khác, tôi cũng có nhiều nghi ngại đối với các lớp đào tạo hệ tại chức ở nhiều địa phương hiện nay, hoặc việc nở rộ các chương trình đào tạo từ xa, các lớp đào tạo online, không rõ chất lượng ra sao... Vì thế, rất cần có một cuộc rà soát tổng thể.
Trong cuộc cách mạng 4.0, vấn đề nhân lực, vấn đề con người là yếu tố rất quan trọng quyết định thành công; nhưng nếu không kiểm soát được chất lượng đào tạo thực chất thì sẽ rất lãng phí và nguy hiểm. Con người chỉ dựa vào bằng cấp không thực chất, thì có khi lại thành đào tạo nhân lực 0.4. Tôi rất tán thành cần nâng cao chất lượng đào tạo và phải rà soát lại các hệ đào tạo, tránh để các trường chỉ mở ra nhằm mục đích tạo ra nguồn thu. Theo tôi, cần phải xem xét kỹ lưỡng vấn đề này”.
Thành An
Tạp chí Giáo dục Việt Nam
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC